Họp báo thông tin về "Lò đào tạo tiến sĩ": Số lượng tiến sĩ còn quá ít

Giáo dục - Ngày đăng : 13:29, 22/04/2016

Sáng nay (22/4), Viện Hàn lâm Khoa học xã hội (KHXH) Việt Nam đã có buổi gặp gỡ báo chí, thông tin về lò đạo tạo tiến sĩ đang gây xôn xao dư luận.

Tại buổi gặp gỡ, PGS.TS Võ Khánh Vinh – Giám đốc Học viện Khoa học xã hội (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) chia sẻ những nội dung về đào tạo cán bộ chất lượng cao của Học viện.

Ông Vinh cho biết hiện học viện có 20 khoa, đào tạo 36 ngành tiến sĩ. Theo ông Vinh, chỉ tiêu hàng năm của Học viện là 350, chia đều cho 36 ngành thì mỗi ngành có chưa đầy 10 chỉ tiêu. "Một số ngành rất quan trọng đối với sự phát triển của đất nước nhưng thực tế số chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ vẫn còn ít ỏi", ông Vinh khẳng định.

Bên cạnh đó, hàng năm số ứng tuyển so với số chỉ tiêu thường nhiều gấp đôi, vì vậy Học viện có cơ sở để tuyển chọn được những người tốt nhất.

Ông Vinh cũng khẳng định, quy trình đào tạo tiến sĩ hiện nay của Học viện rất chặt chẽ. Ngoài Thông tư 15 theo quy định của Bộ GD&ĐT, Học viện còn trực tiếp cụ thể hóa các quy định tại đơn vị. Việc bảo vệ phải đúng niên hạn, nghiên cứu sinh không làm đúng sẽ gửi trả về, học lại phải đủ 3 năm.

Họp báo thông tin về

PGS.TS Võ Khánh Vinh – Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam . Ảnh: Quyên Quyên.

Trả lời câu hỏi của báo chí về những đề tài luận án tiến sĩ đang được dư luận quan tâm và cho rằng đó là những đề tài "vụn vặt", "không xứng tầm" đề tài khoa học, GS TS Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Việt Nam, người trực tiếp hướng dẫn đề tài “Hành vi nịnh trong tiếng Việt" cho biết, đề tài nghiên cứu về "Hành vi nịnh trong tiếng Việt" là đề tài tốt.

"Hành vi này có những đặc trưng riêng cho nhân loại, có những đặc trưng riêng cho văn hóa. Ví dụ hành vi thề, phương Đông thề kiểu khác, dân tộc thề kiểu khác. Nghiên cứu trong từng bối cảnh cụ thể và có sự so sánh để thấy sự khác biệt.

Không nên đánh giá "nịnh" theo nghĩa dung tục theo cách hiểu xã hội. Còn chúng tôi quan sát theo góc độ xã hội học. Hành vi nịnh của người Việt có cái chung và cái riêng góp phần vào ngôn ngữ thế giới", ông Hiệp nhấn mạnh.

Ông Hiệp khẳng định, luận án “Hành vi nịnh trong tiếng Việt" được thực hiện tốt, ông đang đề nghị người làm đề án này in sách. Đề tài có tác động thực tiễn lớn đối với xã hội, để ngăn trừ nịnh phải biết và hiểu.

"Nếu nghi ngờ chất lượng về đề án này có thể xin nhờ Bộ GD&ĐT hậu kiểm, tôi tin kết luận tốt", GS.TS Nguyễn Văn Hiệp nói.

Ông Hiệp cũng thông tin thêm, năm 2009 có hai đợt tuyển sinh trong khoa ngôn ngữ, tuyển 17, bảo vệ 12, trả về vĩnh viễn 4 trường hợp. Năm 2010, tuyển sinh 20, bảo vệ đúng hạn 11, quá hạn 7, trả về vĩnh viễn 2.

GS.TS Vũ Dũng – người chủ nhiệm đề tài "Đặc điểm giao tiếp với dân của Chủ tịch UBND xã" khẳng định, đây là một đề tài tốt và mang ý nghĩa thực tiễn.

Họp báo thông tin về

GS Vũ Dũng, Viện trưởng viện Tâm lý học giải thích về Đề tài "Đặc điểm giao tiếp với dân của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã"

Ông Dũng chia sẻ, không có giao tiếp thì không có con người và xã hội. Trong đó, vấn đề giao tiếp UBND xã có ý nghĩa thực tiễn, khi ở Việt Nam 11.164 đơn vị hành chính cấp xã. Các tỉnh, thành có nhiều xã nhất là Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Nội… Đồng nghĩa, Việt Nam có 11.164 Chủ tịch UBND xã.

Xã là cấp chính quyền cuối cùng, gần dân nhất,trực tiếp với dân, triển khai chủ trương chính sách đến với dân. Chủ trương đến được với dân không là nhờ cấp xã. Chủ tịch xã là một trong 4 cán bộ chủ chốt của xã. Chủ tịch xã có gần dân, hiểu dân hay không phải có giao tiếp với dân.

Ông Dũng nhận xét rằng trong suy nghĩ của nhiều người luận án phải to tát, hoành tráng. “Hoàn toàn không phải vậy. Tôi đi 20 nước, đã tới hàng chục trường ĐH, ở các nước phát triển những vấn đề nghiên cứu hết sức cụ thể. Ví dụ có những đề tài nghiên cứu về hành vi viết chữ trong nhà vệ sinh, nhổ nước bọt ngoài đường… Nếu ở VN sẽ thành vớ vẩn, nhưng ở nước ngoài được đánh giá có tính thực tiễn, văn hóa lớn”.

Họp báo thông tin về

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội thông tin về "Lò đào tạo tiến sĩ"

Trả lời câu hỏi “có phổ cập tiến sĩ không?”, PGS.TS Võ Khánh Vinh cho rằng: Hiện nay đang thiếu hụt nhiều, không thể nhìn vào 350 tiến sĩ một năm để nói nhiều hay ít, mà phải căn cứ tỷ lệ dân số hơn 90 triệu dân. Số tiến sĩ còn quá ít so với khu vực.

Cũng theo ông Vinh, một số lĩnh vực rất mới ở Việt Nam không có nơi nào đào tạo, ngoài Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội. Như vậy, ngành đã có tăng lên, ngành chưa có phải phát triển. Nếu chỉ nhìn vào một con số để phân tích sẽ có cái nhìn phiến diện. Đến năm 2020, con số đào tạo tiến sĩ của học viện có thể lên đến 450 - 500 người, bởi muốn có chất lượng cần đảm bảo yếu tố số lượng.

Về chất lượng của luận án khi số lượng chỉ tiêu lớn, người hướng dẫn quá tải... và mặc dù quy trình chặt chẽ nhưng thực tế vẫn có sự du di khi thực hiện, ông Vinh khẳng định: Không có du di, quy trình khi bảo vệ cấp cơ sở là quy trình phản biện kín. Đây là quy trình không thể can thiệp được. HV được đánh giá cao trong khâu phản biện kín, tuyệt đối bí mật và không có bất cứ điều tiếng gì.

Thứ hai, trước khi bảo vệ cấp học viện, tất cả luận án được đưa lên web để cả xã hội đưa ra đánh giá, sàng lọc và được bình luận. Trước 10 ngày bảo vệ, công bố trên báo Nhân dân để mọi người đến tham dự và đánh giá. 

Luận án có chất lượng hay không? Để có một đề tài phải qua 8 bước rất nghiêm ngặt như: Thi đầu vào; Hội đồng xác định tên đề tài; Hội đồng góp ý đề cương chi tiết; Hội đồng đánh giá các chuyên đề tiến sĩ; Hội đồng tư vấn, góp ý cho luận án; Hội đồng đánh giá luận án cấp cơ sở: 2 người trong HV và 4 người ở ngoài…

Hiện học viện có 412 giảng viên là GS, PGS, TS của Viện Hàn lâm. Theo quy định, 1 GS hướng dẫn độc lập; hai tiến sĩ hướng dẫn NCS, phải chỉ rõ người nào là hướng dẫn 1, người nào là hướng dẫn 2. Học viện tuân thủ triệt để. Học viện còn kỹ đến mức, 2 tiến sĩ phải cùng GS hướng dẫn NCS.

NCS phải nộp một bản tại Thư viện Quốc gia và thư viện của Học viện. Học viện có triết lý rõ ràng: Chất lượng, Thân thiện, Phát triển. Phấn đấu ngang khu vực đến năm 2020. 

Tất cả luận án sau khi bảo vệ được Bộ GD&ĐT chọn ngẫu nhiên 10% để thẩm định lại. Chưa có luận án nào của học viện bị đánh giá không đạt yêu cầu. Sắp tới học viện sẽ mua phần mềm giám định kết quả của luận án, có thể phát hiện hiện tượng gian lận trong nghiên cứu khoa học.

Theo thông tin công bố trên website chính thức của Học viện Khoa học Xã hội thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, từ ngày 1/1 đến 11/4, cơ sở này tổ chức bảo vệ luận án tiến sĩ cho hơn 50 học viên các ngành Nhân học, Khảo cổ học, Tâm lý học, Ngôn ngữ học...

Trên mạng xã hội, có người làm phép tính cơ học và đưa ra kết quả: Trung bình một tháng được gần 20 tiến sĩ, chính xác hơn là 1,76 ngày một tiến sĩ. Nếu tính ngày làm việc, chỉ 1 ngày một tiếng, 15 phút, cơ sở này cho “ra lò” một tiến sĩ.

Được biết, trong năm 2016, Học viện Khoa học Xã hội được phân chỉ tiêu đào tạo 1.600 thạc sĩ và 250 tiến sĩ (đợt đầu).Với con số này, tính trung bình chưa đầy 1,5 ngày, lại có một người nhận bằng tiến sĩ.

Không chỉ bất ngờ với tốc độ “sản xuất” của “lò tiến sĩ” này, người dùng Facebook còn bàn tán về những đề tài được cho rằng chưa xứng tầm với luận án tiến sĩ, như: Đặc điểm giao tiếp với dân của Chủ tịch UBND xã, Câu bị động trong Tiếng Anh và các phương thức dịch sang Tiếng Việt, Hành vi nịnh trong tiếng Việt, Địa vị pháp lý của Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, Hứng thú rèn luyện nghiệp vụ sư phạm của sinh viên cao đẳng sư phạm, Sự thích ứng với hoạt động dạy học của giáo viên tiểu học mới vào nghề...

------------------

Học viện Khoa học xã hội được thành lập theo Quyết định số 35/QĐ-TTg ngày 10/1/2010 của Thủ tướng Chính phủ, là cơ sở giáo dục, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.

Học viện có chức năng và nhiệm vụ chính: Đào tạo và cấp văn bằng thạc sĩ và tiến sĩ về khoa học xã hội theo quy định của pháp luật; quản lý thống nhất các hoạt động đào tạo sau đại học của các cơ sở đào tạo thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam; Nghiên cứu khoa học; bồi dưỡng chuyên môn về khoa học xã hội, nhân văn cho cán bộ, công chức, viên chức; Tư vấn về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.

 

Khôi Anh