“Tiếng kẻng khuyến học” ươm mầm tương lai

Giáo dục - Ngày đăng : 07:16, 12/01/2016

Mỗi tối, cứ sau 19 giờ tiếng kẻng lại vang lên, nhắc nhở giờ học bài của các em học sinh đã đến. Khắp đường làng ngõ xóm thuộc 5 thôn của xã Gio Sơn (Quảng Trị) đều im lặng một cách khác thường, điều mà những nơi khác chưa bao giờ có.

Tiếng kẻng nhắc đến giờ học

Xã Gio Sơn là một xã nghèo nằm ở miền tây huyện Gio Linh (Quảng Trị), nơi mà cái khó vẫn còn tồn tại, cuộc sống còn khó khăn, đôi khi các em phải bươn chải kiếm sống, phụ giúp công việc cùng gia đình. Nhưng hơn 1 năm nay, cứ đúng 19 giờ (trừ tối thứ 7), tiếng kẻng báo hiệu giờ học bài lại vang lên từ các thôn trong xã.

Mô hình “tiếng kẻng khuyến học” được xã đề xuất và thực hiện từ đầu năm 2014. Cho đến nay, tiếng kẻng đã trở thành thói quen sinh hoạt của từng em học sinh.

Các thôn trưởng được giao nhiệm vụ là người đánh "tiếng kẻng khuyến học". Bởi thế, dù nắng hay mưa, khi điểm đúng ba hồi kẻng, toàn bộ bà con trong thôn phải chuẩn mực thực hiện. Theo quy định, hồi kẻng bắt đầu vang lên, báo hiệu giờ học tập của các cháu đã đến, ngoài đường không được có học sinh nào lêu lổng, tụm năm tụm bảy chơi bời.

Đồng thời, đây là thời gian ngưng nghỉ của mọi hoạt động vui chơi, giải trí. Đặc biệt, đám cưới không được chơi sau 19 giờ để dành không gian tĩnh lặng cho việc học tập của con em trong xã.

“Tiếng kẻng khuyến học” ươm mầm tương lai

Em Hoàng Thị Tuyết Sương tự giác ngồi vào bàn học sau tiếng kẻng vang lên

Từ khi mô hình “tiếng kẻng khuyến học” được áp dụng cho đến nay, các ông bố, bà mẹ đã phần nào hiểu ra được tầm quan trọng của việc học tập và đã tạo mọi điều kiện để con trẻ học bài, bằng việc mở tiếng tivi nhỏ lại, không ca hát, nói chuyện to...

Em Hoàng Thị Tuyết Sương, học sinh lớp 8B trường THCS Gio Sơn, cho biết: “Mỗi khi tiếng kẻng nhắc nhở giờ học đến, không kể nắng hay mưa, như thói quen em lại ngồi vào bàn học ngay, chuẩn bị bài vở để ngày mai đến trường”.

Chắp cánh tri thức

Dẫu cuộc sống còn khó khăn, nhưng với nhiều cách làm thiết thực để nâng cao chất lượng học tập, rèn luyện tri thức, đến nay xã Gio Sơn đã cơ bản chấm dứt tình trạng bỏ học giữa chừng, tỷ lệ đậu đại học trên toàn xã không ngừng tăng.

Ở trong mỗi thôn, các em sinh viên đi học đủ trường từ Đại học Y dược cho đến Đại học Bách Khoa đều có, làm nên điểm sáng trong chương trình khuyến học, khuyến tài.

Đặc biệt những gia đình có hoàn cảnh khó khăn đều cố gắng vay mượn, tích góp tiền bạc để  cho con em được đến trường nhằm kiếm cái chữ để thoát nghèo.

Điển hình ở thôn Lạc Sơn trong năm 2015 vừa qua, cả thôn có 6 em đạt danh hiệu học sinh khá giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, 58 đạt danh hiệu khá giỏi cấp trường, luôn dẫn đầu trong phong trào học tập của toàn xã.

“Tiếng kẻng khuyến học” ươm mầm tương lai

Ông Hoàng Văn Lãm, Trưởng thôn Lạc Sơn, đánh kẻng báo hiệu giờ học bài cho các em

Tiếng kẻng đã phát huy tinh thần hiếu học cho các cháu học sinh trong thôn vào những năm trở lại đây, ông Hoàng Văn Lãm, Trưởng thôn Lạc Sơn người đảm nhiệm công việc đánh kẻng, cho biết: “Cả thôn có 10 xóm, mỗi xóm đều có một xóm trưởng đảm nhiệm việc nhắc nhở thói quen học tối cho các cháu, nhưng trước kia điều này không đem lại hiệu quả thiết thực. Cho đến khi tiếng kẻng đi vào thực tiễn thì hiệu quả đem lại rõ rệt, năm vừa qua tỷ lệ học sinh đỗ cao đẳng, đại học trong thôn tăng, 70% học sinh 12 đậu cao đẳng, đại học, hàng trăm em đạt danh hiệu học sinh khá, giỏi đều tăng so với trước, đặc biệt năm 2015 có 3 em đỗ vào trường quân đội với số điểm rất cao”.

Đến nay, ý nghĩa thiết thực từ mô hình “tiếng kẻng khuyến học” đem lại rất lớn. Nó tạo nên sức bật cho phong trào thi đua học tập, chắp cánh cho những ước mơ, tích lũy tri thức cho con đường lập nghiệp mai sau của thế hệ trẻ xã Gio Sơn.

Hoàng Oanh - Hoàng Hưng