Kỳ thi THPT Quốc gia: Giáo viên bày "chiến thuật" làm bài thi môn Sử
Giáo dục - Ngày đăng : 18:12, 19/06/2015
Trong 1 triệu thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia thì chỉ có hơn 153 nghìn thí sinh chọn môn Sử là môn thi tự chọn. Điều đó cho thấy rằng học sinh “né” môn Lịch sử. Chỉ còn ít ngày nữa là đến kỳ thi THPT quốc gia, để thí sinh tự tin và vượt qua môn Sử một cách tốt nhất cô Lê Thị Lượng đã có những hướng dẫn về cách ôn tập để hệ thống lại kiến thức cũng như cách làm bài cho các thí sinh.
Ôn kiến thức theo sơ đồ hình tia
Vừa qua, Bộ GD-ĐT công bố nội dung thi môn Sử THPT quốc gia nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12. Cô Lê Thị Lượng, giáo viên môn Lịch sử Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Hà Nội) nhận định, với đề thi minh họa được Bộ GD-ĐT công bố sẽ có những câu hỏi ở mức độ học sinh trung bình cũng làm được và những câu hỏi khó để phân loại học sinh.
Cô Lê Thị Lượng, giáo viên môn Lịch sử Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Hà Nội)
Đề thi năm nay vẫn bám sát chương trình sách giáo khoa nhưng các em cần vận dụng kiến thức sách giáo khoa một cách linh hoạt, dùng tư duy logic kết nối các kiến thức, sự kiện với nhau để thành 1 vấn đề lịch sử. Đồng thời, vận dụng kiến thức đã học vào thực tế cuộc sống để làm bài thi.
Để ôn luyện tốt, các em học sinh cần rèn kỹ năng đọc sách và đọc bài giảng của thầy cô. Sau đó, học sinh nên gấp sách lại, lấy giấy nháp ra vẽ lại nội dung vừa đọc theo sơ đồ tia (còn gọi là sơ đồ cành cây, sơ đồ tư duy).
Tiếp đến, học sinh lấy sơ đồ tia vừa vẽ đối chiếu với tài liệu mình vừa đọc (sách, bài thầy, cô giảng). Nếu thấy thiếu thì phải bổ sung ngay, thừa thì bỏ đi, sai thì chỉnh sửa. Chỉnh sửa sơ đồ tia xong, các em nên viết lại 1 bài trên giấy nháp, viết như mình viết vào bài thi. Khi viết xong, các em đối chiếu với bài của cô giảng xem diễn đạt của mình có đầy đủ ý hay không. Như vậy, mỗi một nội dung các em học được 5 lần, từ đó, các em học sinh nắm được kiến thức cơ bản và nhớ nhanh hơn.
Bên cạnh đó, học sinh ôn tập theo sơ đồ đồng tâm. Ngày hôm nay đọc bài này 30 phút. Ngày hôm sau học bài khác, các em dành 5 phút đọc lại bài hôm qua. Đến hôm sau nữa học bài khác, các em dành 5 phút đọc bài hôm qua, 2 phút đọc bài hôm trước. Cứ liên tiếp như thế đến một lúc nào đó, kiến thức sẽ trong đầu các em. Làm như vậy sẽ tránh được trường hợp, nhiều em học sinh bị quên kiến thức do lâu không học đến.
Cô Lượng nhấn mạnh, các em học sinh cần đặc biệt lưu ý những câu hỏi lịch sử mang tính thời sự, những câu hỏi xoáy vào phần kiến thức kỷ niệm năm chẵn như: Sinh nhật chủ tịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam,…
Trong phần giảm tải của Bộ GD-ĐT, phần nào giảm tải thì không học. Phần nào Bộ giảm tải nhưng có ghi giáo viên hướng dẫn học sinh đọc sách, các em vẫn học nhưng gạch ý cơ bản nhất để học. Nắm ý cơ bản bởi có thể trong quá trình làm bài sẽ phải nói lướt qua để làm điểm kết nối trong bài thi.
“Chiến thuật” làm bài thi
“Chiến thuật” làm bài thi tốt là các em cần đảm bảo 5 nguyên tắc: Trúng, đúng, đủ, đẹp, hay. Thực hiện đúng 5 nguyên tắc này sẽ giúp các em có kết quả tốt. Trong đó, trúng là nguyên tắc quan trọng nhất. Để có thể trúng được cần phải đọc kỹ đề, đọc kỹ đến từng chữ, từng câu trong đề thi. Đảm bảo đúng trọng tâm câu hỏi, tránh trường hợp bị lạc đề.
Khi các em xác định trúng đề thi rồi. Lúc này, các em cần phải trình bày đúng kiến thức, các sự kiện lịch sử cần phải ghi đúng ngày. Trong trường hợp các em quên ngày, các em có thể viết tháng vẫn được giám khảo chấm đúng. Ví dụ, ngày “12/2-23/3/1971” nếu các em quên, các em nên ghi là “đầu năm 1971”. Như vậy, các em vẫn được điểm.
Nguyên tắc đủ là phải đảm bảo đầy đủ ý trả lời cho câu đó. Với câu hỏi đưa ra cần có 5 ý, các em phải viết đủ 5 ý, nếu viết thiếu sẽ bị trừ điểm. Để đảm bảo đủ ý cho câu hỏi, các em nên ghi những ý chính ra giấy nháp. Làm như vậy sẽ giúp các em không để sót ý, tránh mất điểm đáng tiếc.
Tờ giấy thi của Bộ GD-ĐT đủ cho các em viết 10 chữ một dòng, do vậy, các em viết bài dao động trong khoảng 9-10-11 chữ là phù hợp. Bài thi sẽ thoáng, rõ ràng và đẹp hơn, sẽ không mất thiện cảm và lấy được cảm tình của người chấm thi bởi trình bày đều tăm tắp, đẹp, thoáng. Đó là yếu tố đẹp trong bài thi.
Bài thi được đánh giá hay khi các em viết mỗi khổ thành một bài văn, có mở bài, thân bài và kết bài. Không được viết lan man, dài dòng mà viết vào trọng tâm của bài thi. Lấy kiến thức làm mở bài, lấy kiến thức làm kết bài như thế sẽ đạt được tiêu chí hay của bài viết.
Nếu làm được 5 nguyên tắc trên, các em sẽ đạt được kết quả tốt trong kì thi sắp tới. Bên cạnh đó, cô Lượng cũng khuyên các em, cần đọc lại bài thi, không nên ra trước khi hết giờ. Nhiều khi trong lúc ngồi chơi đó, các em sẽ nghĩ ra ý hoặc bổ sung thêm ý vào bài thi cho hoàn thiện, đạt điểm tối đa.