Loay hoay với bạo lực học đường

Giáo dục - Ngày đăng : 08:19, 18/10/2014

Ghen tuông, đánh. Mâu thuẫn, đánh. Thậm chí, ngứa mắt cũng đánh. Bạo lực học đường giờ đã như chuyện…thường ngày ở huyện.

Những nữ sinh…“hổ báo”

Chỉ trong vòng một tháng ngắn ngủi, trên mạng xã hội đã xuất hiện hàng chục những clip “tẩn nhau” của các nữ sinh trung học.

Mới đây, ngày 15/10, trên mạng internet xuất hiện một clip quay cảnh nữ sinh ngụ tại huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp, bị một nữ sinh tên Dung, trú tại An Giang, đánh đập liên tiếp trước sự chứng kiến của một nhóm nữ sinh khác. Lý do Dung đưa ra để ngụy biện cho hành vi đánh người của mình là nhìn bạn không thấy...ưa. Dung túm tóc, đánh tới tấp vào mặt, kéo lê bạn nữ sinh kia trên đường, cho đến khi có người đến can ngăn mới chịu dừng lại.

Trước đó, thông tin về vụ nữ sinh bị đánh hội đồng làm nhục trong quán karaoke ở Nghệ An cũng thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận.

Ngày 18/9, khi đang ngồi học tại lớp 12C11, trường THPT Diễn Châu 4, nữ sinh tên Oanh bị bạn học tên Linh cùng một nhóm bạn gọi ra ngoài gặp. Sau một hồi lời qua tiếng lại, Oanh bị nhóm bạn lôi vào một phòng karaoke gần trường, khóa trái cửa, bật nhạc to, thay nhau đánh đập túi bụi vào mặt, vào người, xé áo, ngồi lên bụng, đổ nước lên người rồi quay phim chụp ảnh.

 Loay hoay với bạo lực học đường

Một nữ sinh bị đánh hội đồng ở Quảng Ninh

Ngày 7/10 vừa qua ở Quảng Ninh, hình ảnh những nữ sinh ở Cẩm Phả tóm tóc, đấm đá, xé áo bạn tràn lan trên mạng. Ở Hưng Yên, một clip quay cảnh nữ sinh được cho là quê ở Thái Bình bị một nhóm nữ sinh khác đến từ Hưng Yên đánh không tiếc tay, đi kèm theo những cái tát như trời giáng là vô số ngôn ngữ thô tục. Ngay sau khi được đăng tải, clip đã thu hút nhiều lượt xem và bình luận đầy phẫn nộ của cư dân mạng.

Các vụ học sinh đánh nhau, tung clip lên mạng internet cho thấy tình trạng bạo lực học đường gia tăng một cách báo động ở Việt Nam. Những số liệu thống kê có thể chưa hoàn toàn là con số chính xác trong thực tế, nhưng tính riêng từ năm 2010, theo thống kê của Bộ Giáo dục Đào tạo, chỉ trong 4 năm đã có tới gần 8000 vụ học sinh, sinh viên ở nhiều địa phương tham gia đánh nhau, bị xử lý kỷ luật.

Các vụ bạo lực học đường xảy ra trên nhiều hình thức, từ đánh hội đồng, xô xát nhẹ cho đến cấp độ nặng hơn là dùng vũ khí, lột quần áo quay clip, xúc phạm thân thể và danh dự, nhân phẩm người khác.  

Ý thức tồi, nói chỉ như nước đổ lá khoai

Giải quyết tình trạng bạo lực học đường đã và đang trở thành một trong những vấn đề nan giải của ngành giáo dục nước ta. Rất nhiều hội thảo, kiến nghị, đề xuất được đưa ra để tăng cường biện pháp khắc phục tình trạng bạo lực học đường, tuy nhiên thực trạng này vẫn chưa hề giảm mà còn ngày càng gia tăng với tính chất ngày càng nguy hiểm hơn.

Bạo lực học đường không chỉ giới hạn trong những mâu thuẫn nhỏ nhặt giữa học sinh, mà còn bùng nổ ra thành tệ nạn sau cánh cổng trường, đe dọa trực tiếp đến tâm lí và sức khỏe học sinh, báo động tình trạng xuống cấp đạo đức của một bộ phận học sinh trong nhà trường. Đặc biệt đối tượng của bạo lực học đường lại là các nữ sinh. 

Có một thời gian chúng ta đã mang vấn đề này ra mổ xẻ, phân tích. Lỗi ở đâu? thuộc về ai? gia đình, xã hội hay nhà trường?. Hàng loạt những câu hỏi tương tự như vậy được đưa ra nhưng không có câu trả lời thỏa đáng. Không trả lời được những câu hỏi đó thì hẳn nhiên không có một giải pháp nào.

Nhà trường nói họ chỉ có trách nhiệm quản lý học sinh trên lớp, gia đình bảo đã giao con em cho thầy cô giáo, còn xã hội thì cho rằng không phải chuyện của mình. Thế tức là tất cả đều vô trách nhiệm. Chính sự vô trách nhiệm này đã khiến bạo lực học đường gia tăng chóng mặt, trở thành vấn nạn trong giáo dục ý thức, nhân phẩm.

Có nhiều nhà tâm lý, rồi nhà quản lý giáo dục thừa nhận rằng, không thể ngăn chặn được bạo lực học đường. Bởi đơn giản là gia đình hay nhà trường đều không thể có đủ quỹ thời gian để quản lý, giám sát. Chúng ta chỉ trông chờ vào sự thay đổi ý thức của học sinh, sinh viên và song song với nó là một hình thức răn đe có hiệu quả.  Mà ý thức của học sinh không thể thay đổi trong một sớm một chiều.

Như Giáo sư Phạm Minh Hạc, một cựu giáo viên từng chia sẻ: “Chúng ta cũng phải xem xét lại từ phía những học sinh này, vấn đề tự rèn luyện bản thân rất quan trọng. Ngay cả bố mẹ chịu khó dạy bảo nhưng con cái không nghe thì cũng hỏng. Phải nhấn mạnh điều đó bởi gia đình, nhà trường dù có quan tâm giáo dục đến đâu mà bản thân các em không tự rèn luyện, thì chỉ như “nước đổ lá khoai”.

Hồng Hạnh