Người thầy giáo lưu giữ hồn chữ Thái
Giáo dục - Ngày đăng : 14:59, 20/12/2013
Ông luôn trăn trở khi ngôn ngữ và chữ viết của người dân tộc Thái bản địa ngày càng mai một. Chính vì vậy, bảo tồn chữ Thái đối với ông được coi như là một sứ mệnh.
Hành trình hồi sinh chữ Thái
Trong chuyến đi ngược rừng về huyện miền núi Bá Thước, vượt qua những con đường dốc khúc khuỷu, quanh co, cuối cùng, chúng tôi cũng đến tận nơi các thôn bản có người Thái sinh sống để tìm hiểu về văn hóa của đồng bào nơi đây. Theo lời giới thiệu của các cán bộ văn hóa, chúng tôi tìm đến nhà thầy giáo Hà Nam Ninh, người có công lưu giữ “hồn của chữ Thái” ở Thanh Hóa.
Cùng ăn, ở với dân tộc Thái giúp thầy Ninh có thêm nhiều kinh nghiệm quý báu
Bá Thước là huyện miền núi vùng cao phía Tây của tỉnh Thanh Hóa với dân số trên 105.000 người (đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 84%, chủ yếu là người Thái và người Mường). Dân tộc Thái đã sáng tạo ra chữ viết từ rất sớm (khoảng cuối thế kỷ IX). Đây là phương tiện quan trọng giúp họ lưu giữ những tác phẩm văn hóa, nghệ thuật cũng như đáp ứng nhu cầu giao tiếp, sinh hoạt của dân tộc mình. Tuy nhiên, từ nửa cuối thế kỷ trước, chữ Thái đã không còn được phổ biến trong nhiều thế hệ con cháu của họ, nó chỉ còn lưu truyền trong những kho sách cổ, trong tâm thức, ký ức của các cụ già làng.
Lật những cuốn sách quý viết bằng chữ Thái, chúng tôi được nghe thầy giáo Ninh kể về hành trình tự học chữ của dân tộc mình gần 20 năm qua. Thầy Hà Nam Ninh sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Mường Khoòng nhưng ngay chính bản thân cũng không biết nói tiếng Thái. Thầy Ninh tâm sự: “Từ nhỏ lớn lên, người dân tộc Thái đã phải học tiếng phổ thông nên tiếng Thái đang dần mai một. Không còn nhiều người biết viết và nói tiếng Thái nữa. Chính vì nỗi canh cánh trong lòng bao lâu nay, tôi đã quyết tâm học bằng được chữ Thái”.
Bắt đầu từ thập niên 1980, không quản ngại đường xá xa xôi, mưa gió bão bùng, thầy Ninh lặn lội khắp vùng có đông đồng bào Thái sinh sống để tìm hiểu, sưu tầm các tài liệu liên quan đến tiếng nói, chữ viết Thái cổ. Thầy cặm cụi, miệt mài đi học từ các cụ già trong bản, sau đó tự mày mò nghiên cứu và học viết như một đứa trẻ. Thầy Ninh cho biết: “Thoạt nhìn thì chữ Thái rất khó viết, nhưng đi sâu nghiên cứu thì mới phát hiện ra các yếu tố Thái trùng với các yếu tố Mường. Tôi có thể tự sắp xếp nguyên âm, phụ âm và tìm ra nguyên tắc viết chữ Thái. Từ đó, việc học cũng dễ dàng hơn. Để học và viết chữ Thái không khó, quan trọng là phải có nhiệt huyết, niềm đam mê”.
Bộ sưu tập tài liệu chữ Thái cổ
Sau những tháng ngày vất vả “khổ luyện”, thầy đã gần như thông thạo tiếng Thái và bắt đầu nghĩ đến việc làm thế nào để bà con dân tộc mình biết và sử dụng tiếng Thái một cách phổ biến. Trước đây, thầy Ninh nguyên là Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước nên thầy rất am hiểu về phong tục, tập quán riêng của mỗi dân tộc. Đến năm 2004, thầy xin về hưu trước tuổi và dành trọn cuộc đời còn lại theo đuổi đam mê “hồi sinh” chữ Thái. Thầy tiến hành biên soạn một số tài liệu về chữ Thái: Bộ chữ Thái cổ Thanh Hóa; bộ dạy chữ Thái Việt Nam tại Thanh Hóa, tài liệu dạy tiếng dân tộc Thái. Mỗi một bộ tài liệu, thầy đều sắp xếp thành ba phần: Phần viết chữ Thái, phần phiên âm và phần phiên dịch tiếng Việt để mọi người tiện theo dõi và nghiên cứu. Phối hợp cùng Sở Nội vụ, thầy tham gia chỉnh sửa tài liệu "Dạy tiếng dân tộc cho cán bộ công tác vùng cao". Từ năm 2007, thầy Ninh bắt đầu công tác giảng dạy tiếng Thái cho giáo viên, đội ngũ cán bộ vùng cao - nơi có đồng bào Thái sinh sống. Hiện, thầy đang tham gia công tác tại Hội cựu giáo chức huyện Bá Thước.
Người lưu giữ hồn cốt chữ Thái cổ
Bên cạnh việc dạy chữ Thái, thầy Ninh còn dành thời gian và công sức sưu tầm những cuốn sách Thái dù rằng công cuộc tìm kiếm như “mò kim đáy bể”. Mỗi khi có thông tin về nơi lưu giữ sách cổ, thầy lại tất bật lên đường đến tận nơi thu thập, ghi chép lại. Trong kho sách gần 100 cuốn của thầy Ninh, bộ tài liệu chữ Thái cổ được chia thành các thể loại: Sách lịch sử, hành chính, địa lý, truyện thơ, ca dao, tục ngữ, bài “khắp”, bài cúng...
Ngoài việc giảng dạy tại các trung tâm học tập cộng đồng, thầy Hà Nam Ninh cùng với các giảng viên Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa) nghiên cứu biên soạn giáo trình chữ Thái giảng dạy cho các sinh viên của trường. Bên cạnh đó, thầy cũng nhiệt tình truyền dạy cho con cháu, những người yêu thích tiếng Thái. Trước mỗi giờ lên lớp, thầy đều tự mày mò, cần mẫn soạn giáo trình chữ Thái trên máy tính để các học viên dễ nắm bắt và tiếp thu. Sau hành trình nghiên cứu và tìm tòi, dạy tiếng Thái cho đồng bào mình, đến nay, thầy giáo Ninh đã trực tiếp đào tạo cho hàng trăm giáo viên phổ thông, cán bộ vùng cao… Cùng với ông Hà Công Mậu, thầy Ninh đã hoàn thành phiên âm truyện thơ “Khăm Panh” - một trong ba truyện thơ nổi tiếng của dân tộc Thái. Thầy còn được Sở Giáo dục Thanh Hóa cấp chứng chỉ trực tiếp đi dạy cho cán bộ và người dân.
Không chỉ say mê với chữ Thái, thầy Ninh còn rất am hiểu các giá trị văn hóa dân tộc. Nhắc đến các phong tục tập quán về ngày lễ, ngày Tết của người Thái xa xưa, thầy “thuộc như lòng bàn tay”.
Thầy Hà Nam Ninh miệt mài tự học chữ Thái
Đặc biệt, sau những chuyến đi công tác thực địa, thầy đều gửi gắm tình cảm sâu sắc những nơi mà mình đã đi qua trong từng câu thơ. Thầy Ninh cho biết, cuối tháng 12 năm nay, thầy sẽ xuất bản tập thơ “Dấu chân trên bản Mường”, gồm 40 bài thơ, trong đó có 2 bài được viết bằng chữ Thái.
Ở độ tuổi xưa nay hiếm, điều khiến thầy tự hào nhất là ngày càng nhiều người biết đọc và viết tiếng dân tộc Thái. Dường như khoảng cách giữa cán bộ và bà con đồng bào người Thái ngày càng được rút ngắn. Thầy Ninh chia sẻ: Trước năm 2006, số người biết tiếng Thái chỉ khoảng 20 người. Đến nay, số người biết tiếng Thái đã tăng lên gấp bội. Việc học tiếng dân tộc là vô cùng đáng quý. Thế hệ trẻ cần phải trân trọng, bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc hơn nữa.
Đôi chân thầy cũng đã đặt tới tất cả các tỉnh có người Thái cư trú như Hòa Bình, Sơn La, Nghệ An… để tìm hiểu và sưu tầm các giá trị văn hóa của dân tộc mình.
Su Nguyễn