Nhiều trường ngoài công lập ráo riết “giành” thí sinh
Giáo dục - Ngày đăng : 11:08, 13/04/2012
“Xé rào” với hàng nghìn chỉ tiêu cho NV2
Phải xét tuyển 100% mặc dù có tổ chức thi tuyển - đó là trường hợp rất hy hữu tại trường Đại học (ĐH) Hà Hoa Tiên (Hà Nam) với số thí sinh dự thi 105, trong đó có 80 thí sinh thi nhờ để lấy kết quả xét tuyển các trường khác, 25 thí sinh còn lại thì điểm cao nhất cũng chỉ đạt 12,5 điểm khối A và 14 điểm khối D.
Trường ĐH dân lập Hải Phòng chỉ có 753 thí sinh có tổng điểm trên 10 điểm (đạt 37% so với chỉ tiêu 2.000) nên sẽ phải rất chật vật để tuyển đủ nếu điểm sàn bằng năm trước.
Trường ĐH Đại Nam cũng không khả quan hơn với 60% thí sinh đạt tổng điểm dưới 10. Bất chấp quy định của Bộ GDĐT là chỉ được nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng (NV) 2 từ 25-8 đến 10-9, ĐH Đại Nam thông báo rộng rãi nhận xét tuyển NV2 tất cả hồ sơ phù hợp có điểm tổng 3 môn thi trên mức điểm sàn được Bộ công bố. Đồng thời khẳng định, thời gian đăng ký xét tuyển NV2 được bắt đầu từ ngày thí sinh có kết quả báo thi đến hết giờ giao dịch của Bưu điện ngày 15-9-2011.
Cao đẳng (CĐ) Thuỷ sản Hà Nội cũng "không chờ" điểm sàn của Bộ GDĐT mà đã đăng tải thông tin xét tuyển NV trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hai chuyên ngành Kế toán và Tài chính ngân hàng bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển từ ngày 2-8 đến 10-9, điểm xét tuyển bằng điểm sàn của Bộ cho hệ CĐ.
ĐH Tân Tạo tung "độc chiêu" xét tuyển NV2 năm nay nếu thí sinh có điểm thi vượt 4 điểm so với điểm sàn của Bộ sẽ được nhận học bổng là toàn bộ tiền học phí trong năm học đầu (3.000 USD/năm) cùng tiền ăn, ở và một máy tính xách tay.
Các trường ĐH khác cũng dành hàng nghìn chỉ tiêu cho NV2 như ĐH Thành Đô dành 3.500 chỉ tiêu xét tuyển NV2, trong đó 1.750 chỉ tiêu xét tuyển hệ ĐH. ĐH Thăng Long sẽ xét tuyển 1.450 thí sinh (chiếm 60 - 70% tổng chỉ tiêu tuyển sinh của trường). ĐH dân lập Đông Đô có 1.100 chỉ tiêu tuyển sinh ĐH năm 2011 theo hình thức xét tuyển NV2, NV3 xét tuyển trên cả nước. Trường tuyển những thí sinh có kết quả thi từ điểm sàn (kể cả điểm ưu tiên) theo quy định của Bộ GDĐT.
ĐH Chu Văn An có 1.400 chỉ tiêu nhưng chỉ có 200 thí sinh có NV1 vào trường. Vì thế, số lượng chỉ tiêu cho NV2, NV3 sẽ chiếm đa số. ĐH Phương Đông có 2.400 chỉ tiêu nhưng dự kiến chỉ tuyển được 500 chỉ tiêu NV1, còn lại phải trông chờ vào NV2 và NV3. ĐH Công nghiệp Hà Nội có 8.650 chỉ tiêu nhưng đã có 80% thí sinh có tổng điểm 3 môn dưới 13, vì vậy chỉ tiêu NV2 vào trường cũng lên đến con số hàng nghìn.
Kiến nghị bỏ điểm sàn?
GS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập cho biết, với đề thi khó, điểm thi của thí sinh vẫn lệch về phía dưới trung bình rất lớn, vì thế nếu Bộ GDĐT vẫn giữ điểm sàn bằng năm trước thì nguy cơ khó tuyển sinh của những trường từ tốp trung bình trở xuống là tất yếu.
Theo GS Trần Hồng Quân, hiện nay Bộ GDĐT xác định điểm sàn dựa trên tổng chỉ tiêu đào tạo được giao, kết quả điểm thi của thí sinh nhưng chưa tính đến các yếu tố xã hội, vùng miền. Đặc biệt, năm nay đề thi đạt được yêu cầu phân hóa càng cao thì mức độ chênh lệch trình độ thí sinh ở các vùng miền càng tăng. Điều đó càng làm cho những khu vực có trình độ thí sinh không cao sẽ lâm vào cảnh không tuyển đủ chỉ tiêu.
Trước thực trạng đó, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập kiến nghị Bộ GDĐT nên bỏ việc quy định một điểm sàn chung cho cả nước mà chỉ yêu cầu các trường tự định điểm sàn cho phù hợp với vùng, miền, đặc thù của từng trường và có sự phê duyệt của Bộ GDĐT.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga cho biết, sẽ không thể bỏ được điểm sàn ĐH, CĐ vì đây là điều kiện tối thiểu để kiểm tra chất lượng; là điều kiện cần thiết để sinh viên được học ĐH. Nếu bỏ điểm sàn sẽ rất khó kiểm soát được chất lượng giáo dục ĐH.
Nguyên Minh