Diễn đàn FAIR: Tăng cường sự hợp tác của các quốc gia trong giải quyết phá sản
Tiêu điểm - Ngày đăng : 19:29, 21/11/2016
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình tham dự Diễn đàn
Cuộc khủng hoảng tài chính khu vực Châu Á diễn ra vào cuối những năm 1990 đã khiến các chuyên gia và nhà hoạch định chính sách trong khu vực phải nhanh chóng đi tìm các giải pháp để cải thiện môi trường kinh doanh, lành mạnh hóa các hoạt động tài chính xử lý các khoản nợ xấu một cách hiệu quả. Cùng với các giải pháp khác, việc cải cách phá sản được nhiều nước trong khu vực quan tâm và thực hiện vì cho rằng hệ thống xử lý phá sản đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế thị trường, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng cường niềm tin của các nhà đầu tư và ổn định tài chính.
Mặc dù có những tiến bộ đáng kể trong cải cách phá sản, nhưng các nước có những cách tiếp cận riêng khác nhau để phù hợp với thực tiễn và văn hóa pháp lý riêng của mình cũng như thực hiện các chính sách quốc gia. Điều này khiến pháp luật về xử lý phá sản tại các nước không đồng nhất, đôi khi khác biệt so với các chuẩn mực và cách tiếp nhận được quốc tế thừa nhận. Do vậy làm hạn chế sự tiếp cận của các doanh nghiệp đến một cơ chế xử lý phá sản hài hòa, hiệu quả, minh bạch và có thể dự đoán.
Diễn đàn FAIR được hình thành với mục tiêu duy trì và thúc đẩy đối thoại chính sách của các nước trong khu vực và theo dõi, đánh giá những tiến bộ đạt được trong việc cải cách phá sản ở các nền kinh tế trong khu vực. Trải qua 9 lần tổ chức từ năm 2001, FAIR trở thành nơi gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ thông tin giữa các nhà hoạch định chính sách, lập pháp, cơ quan tư pháp, học giả trong lĩnh vực phá sản… nhằm giúp các nước chia sẻ những bài học kinh nghiệm tốt phục vụ cho việc cải cách phá sản ở quốc gia mình.
Diễn đàn FAIR 10 được Việt Nam đăng cai tổ chức lần này thể hiện sự quan tâm của sâu sắc của Nhà nước Việt Nam đối với vấn đề cải cách phá sản và mong muốn học hỏi được kinh nghiệm từ các nước khác trong khu vực nhằm tiếp tục tiến trình cải cách trong lĩnh vực này. Đặc biệt, diễn đàn lần này được tổ chức trong bối cảnh Việt Nam mới ban hành Luật phá sản mới năm 2014 trong đó có nhiều điểm tiến bộ được cộng đồng quốc tế ghi nhận và có thể chia sẻ với các nước về những thành tựu đạt được từ cải cách đó, đồng thời tiếp tục học hỏi kinh nghiệm, thực tiễn quốc tế để hoàn thiện pháp luật về phá sản tại Việt Nam.
Chủ để Diễn đàn lần này là “Phục hồi ổn định” cho thấy tầm quan trọng của việc cải cách phá sản đối với việc phục hồi ổn định nền kinh tế vĩ mô. Tại Diễn đàn các đại biểu thảo luận xoay quanh các nội dung: Cập nhật thông tin của các nước- vai trò Luật phá sản trong khu vực; Quản tài viên- xây dựng thể chế để thực thi pháp luật; Sự phát triển của phá sản- những vấn đề mới; Sự phát triển của tái cấu trúc châu Á; Sự phát triển của cơ chế xử lý doanh nghiệp mất khả năng thanh toán ngoài Tòa án;…
Diễn đàn cũng thu hút sự quan tâm của 107 đại biểu quốc tế đến từ 18 quốc gia và vùng lãnh thổ, các chuyên gia quốc tế của Liên Hợp Quốc, các tổ chức quốc tế và các nước phát triển có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tái cấu trúc, phục hồi doanh nghiệp phá sản.
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại Diễn đàn
Phát biểu tại Diễn đàn, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho rằng, nếu không có chính sách xử lý phá sản phù hợp, các khoản nợ xấu sẽ không được giải quyết, kìm hãm sự luân chuyển các dòng vốn, ảnh hướng xấu đến môi trường đầu tư và làm giảm tốc độ phát triển của nền kinh tế. Vì vậy đề nghị các đại biểu cần trao đổi, học hỏi bài học kinh nghiệm của các nước khác cũng như thấy được những thách thức mà mình sẽ đối mặt để phòng tránh hoặc xử lý có hiệu quả.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình cũng cho biết, những cải cách của Việt Nam trong thời gian qua đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Trong thông báo kinh doanh toàn cầu 2016, Việt Nam đã cải thiện ba bậc so với năm 2015, tiến từ vị trí thứ 93 lên vị trí thứ 90 trong tổng số 189 nền kinh tế được khảo sát. Và thực tế tại Tòa án cho thấy số lượng yêu cầu mở thủ tục phá sản gửi Tòa án năm 2015 đã tăng 184% so với năm 2014.
Chánh án nhấn mạnh, trong bối cảnh nhiều DN Việt Nam vươn ra thế giới và các DN nước ngoài đầu tư tại Việt Nam. Khi DN gặp khó khăn và rơi vào tình trạng phá sản có thể làm ảnh hưởng đến DN khác, do đó tác động đến nền kinh tế nói chung. Vì vậy cần xây dựng cơ chế, chính sách, trong đó có pháp luật liên quan đến phá sản để thực thi là cần thiết. Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều biện pháp khác nhau trong đó có biện pháp lành mạnh hóa thị trường vốn và kiểm soát nợ xấu. Ngay trong giai đoạn sớm nhất có thể, giải pháp về thủ tục phá sản là một trong những biện pháp hữu hiệu hơn, hiệu quả hơn. Giải quyết thủ tục phá sản phức tạp hơn nhiều những tranh chấp thông thường. Các tranh chấp trong thủ tục phá sản liên quan đến nhiều Luật khá nhau như: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư,… và thực tiễn quản trị, điều hành DN.
Điều này đòi hỏi Thẩm phán phải có kinh nghiệm, hiểu biết ở nhiều lĩnh vực khác nhau khi giải quyết những vụ việc có liên quan. Mỗi nước có cách tiếp cận, lựa chọn khac nhau về lĩnh vực này. Có nước thành lập Tòa án phá sản chuyên giải quyết thủ tục phá sản; có nước thành lập nhóm Thẩm phán chuyên giải quyết các vụ việc phá sản. Việt Nam tiếp cận góc độ sử dụng Thẩm phán chuyên sâu trong lĩnh vực này giải quyết việc phá sản. Vì vậy Thẩm phán cần được đào tạo, nâng cao trình độ và thiết lập các cơ chế hợp tác và trao đổi thông tin, kinh nghiệm giữa các Thẩm phán, các quốc gia tham gia giải quyết thủ tục phá sản. Thẩm phán không chỉ là người đưa ra các quyết định về việc các DN có phá sản hay không mà còn giữ vai trò nhất định trong việc thúc đẩy các hoạt động tái cấu trúc DN. Do vậy cần nhiều biện pháp để cải cách tổ chức, nâng cao năng lực cho Thẩm phán.
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cũng mong rằng các đại biểu chia sẻ những kinh nghiệm, bài học có giá trị liên quan đến áp dụng pháp luật phá sản trên những quốc gia khác nhau. Qua đó, tăng cường sự hiểu biết và hợp tác, và có sự hỗ trợ tốt nhất cho việc giải quyết thủ tục phá sản ở Tòa án.