Xem xét, cho ý kiến đối với quyết định giám đốc thẩm được lựa chọn làm án lệ

Tiêu điểm - Ngày đăng : 18:40, 04/04/2016

Ngày 4/4/2016, Hội đồng tư vấn án lệ tổ chức Hội thảo xem xét, cho ý kiến đối với nội dung của 12 quyết định giám đốc thẩm được đề xuất lựa chọn làm án lệ. Phó Chánh án TANDC Nguyễn Sơn và Tống Anh Hào chủ trì buổi Hội thảo.

Tham gia Hội thảo có Vụ Pháp chế - Quản lý khoa học (TANDTC), đại diện Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Học viện An ninh nhân dân, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Bộ Tư pháp, VKSNDTC và các chuyên gia pháp lý, nhà khoa học… 

Xem xét, cho ý kiến đối với quyết định giám đốc thẩm được lựa chọn làm án lệ

Phó Chánh án TANDTC Tống Anh Hào phát biểu tại Hội thảo

Để triển khai thi hành Luật Tổ chức TAND năm 2014 và thực hiện Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP ngày 28/10/2015 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học đã tổ chức nghiên cứu, rà soát, lựa chọn, đề xuất một số bản án, quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC và Tòa dân sự TANDTC là nguồn để phát triển thành án lệ. Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học đã gửi xin ý kiến của các Phó Chánh án và các Thẩm phán TANDTC theo lĩnh vực công tác được phân công; tiến hành đăng tải các bản án, quyết định nêu trên lên Cổng thông tin điện tử TANDTC, Tạp chí TAND; đồng thời tổ chức Hội thảo để lấy ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà hoạt động thực tiễn, các cơ quan, tổ chức hữu quan.

Bên cạnh đó, TANDTC đã triển khai việc xây dựng, nghiên cứu, rà soát, đề xuất 35 bản án, quyết định giám đốc thẩm dự kiến lựa chọn là nguồn để phát triển án lệ; đồng thời tổ chức hai Hội thảo để lấy ý kiến của các Đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn, các cơ quan, tổ chức hữu quan đối với các bản án, quyết định nêu trên. Qua xem xét, lựa chọn, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp đối với các bản án, quyết định giám đốc thẩm dự kiến đưa ra làm án lệ.

Xem xét, cho ý kiến đối với quyết định giám đốc thẩm được lựa chọn làm án lệ

Quang cảnh buổi Hội thảo

Ý kiến góp ý đối với các bản án, quyết định đã được Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học tổng hợp và thể hiện tại Báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý đối với các bản án, quyết định dự kiến lựa chọn là nguồn để phát triển thành án lệ. Trên cơ sở ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học đối với các quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC được đề xuất lựa chọn là nguồn để phát triển thành án lệ, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học đã lựa chọn, đề xuất 12 quyết định giám đốc thẩm là nguồn để phát triển thành án lệ và xây dựng 12 dự thảo án lệ trình Hội đồng Thẩm phán TANDTC lựa chọn, thông qua. Để bảo đảm chất lượng của các án lệ và có cơ sở trình Hội đồng Thẩm phán TANDTC xem xét, thông qua án lệ, ngày 24/3/2016, Chánh án TANDTC đã ban hành Quyết định số 210/QĐ-TANDTC về việc thành lập Hội đồng tư vấn án lệ. Ngày 28/3/2016, TANDTC đã gửi 12 quyết định giám đốc thẩm được đề xuất lựa chọn làm án lệ và 12 dự thảo án lệ đến các thành viên Hội đồng tư vấn án lệ để tiếp tục cho ý kiến.

Tại buổi Hội thảo, các ý kiến đều đánh giá cao quyết tâm của Tòa án trong việc xây dựng và ban hành tập án lệ đầu tiên, cụ thể hóa quy định của Luật Tổ chức TAND năm 2014 về nhiệm vụ của TANDTC trong việc lựa chọn bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của các Tòa án để tổng kết phát triển thành án lệ và công bố án lệ; coi sự xuất hiện của án lệ đã làm thay đổi nhận thức về nguồn pháp luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến góp ý đã tập trung phân tích đối với từng bản án, quyết định dự kiến là nguồn để phát triển án lệ. 12 quyết định giám đốc thẩm được đưa ra xem xét, lấy ý kiến tập trung vào các vụ án điển hình về: tranh chấp hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất; tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất; tranh chấp thừa kế tài sản; tranh chấp di sản thừa kế; tranh chấp thừa kế; đòi tài sản; ly hôn; tranh chấp hợp đồng tín dụng;  tội giết người…

Xem xét, cho ý kiến đối với quyết định giám đốc thẩm được lựa chọn làm án lệ

Các đại biểu tham dự chăm chú nghiên cứu tài liệu

Đối với Quyết định giám thẩm số 208/2013/DS-GĐT ngày 3/5/2013 của Tòa Dân sự TANDTC về vụ án “Ly hôn” giữa nguyên đơn là chị Đỗ Thị Hồng với bị đơn là anh Phạm Gia Nam; Quyết định giám đốc thẩm số 04/2010/DS-GĐT ngày 3/3/2010 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về vụ án “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn là bà Kiều Thị Tý với bị đơn là ông Lê Văn Ngự; Quyết định giám đốc thẩm số 39/2014/DS-GĐT ngày 9/10/2014 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về vụ án “Tranh chấp thừa kế tài sản” giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Thưởng với bị đơn là ông Nguyễn Chí Trải; Quyết định giám đốc thẩm số 12/2013/KDTM-GĐT ngày 16/5/2013 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về vụ án “Tranh chấp hợp đồng tín dụng” giữa nguyên đơn là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam với bị đơn là Công ty cố phần dược phấm Kaoli… các ý kiến đều nhận định đây là những vụ án có tính chất pháp lý điển hình và nhất trí đề xuất lựa chọn làm án lệ.

Đối với Quyết định giám đốc thẩm số 44/2013/DS-GĐT ngày 22/5/2013 về vụ án “Tranh chấp di sản thừa kế” giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Văn Cách với bị đơn là ông Nguyễn Thanh Vân; Quyết định giám đốc thẩm số 28/2011/DS-GĐT npày 18/8/2011 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về vụ án “Tranh chấp quyền sở hữu nhà, đất” giữa nguyên đơn là ông Lê Phước Thành với bị đơn là ông Lữ Trung Ngươn; Quyết định giám đốc thẩm số 12/2012/DS-GĐT ngày 13/01/2012 của Tòa Dân sự TANDTC về vụ án “Đòi tài sán” giữa nguyên đơn là cụ Trần Thị Xăng với bị đơn là chị Phan Thị Cẩm Vân… có nhiều ý kiến nhất trí đề xuất là án lệ; tuy nhiên cũng có ý kiến không nhất trí vì cho rằng các quyết định này chưa đáp ứng được tính chuẩn mực để làm án lệ.

Đối với Quyết định giám đốc thẩm số 143/2013/DS-GĐT ngày 13/11/2013 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về vụ án “Tranh chấp hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn là bà Văn Anh Muội với bị đơn là bà Văn Anh Kim thì hầu hết các ý kiến không nhất trí đề xuất làm án lệ vì đường lối giải quyết của Tòa án trong vụ án trên sẽ dẫn đến cách hiểu là người nước ngoài (nhất là Việt kiều) không được đứng tên khi điều kiện đứng tên ngày nay đã hội đủ, đồng thời mâu thuẫn với chính đường lối giải quyết của Hội đồng Thẩm phán liên quan đến người Việt Nam đứng tên hộ mua bất động sản.

Kết luận buổi Hội thảo, Phó Chánh án TANDTC Tống Anh Hào đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu, mặc dù còn có quan điểm khác nhau về 12 quyết định giám đốc thẩm được đưa ra để xem xét, nhưng nhìn chung đều mang tính xây dựng tích cực. Phó Chánh án TANDTC Tống Anh Hào đề nghị Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học tổng hợp các ý kiến của đại biểu để tiếp tục xem xét, chỉnh lý để làm sao khi chính thức ban hành án lệ phải đảm bảo đây là những bản án, quyết định có tính điển hình để làm nổi bật nội dung và giá trị của án lệ; bảo đảm những lập luận, phán quyết được công nhận là án lệ phải có tính chuẩn mực, có giá trị hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử; bảo đảm công bằng; bảo đảm những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý tương tự thì phải được giải quyết như nhau.

Trần Quang Huy