Có nên cứu các ngân hàng?
Chính trị - Ngày đăng : 10:09, 26/09/2012
Ông Quách Mạnh Hào phân tích: Khi cứu, giải quyết nợ xấu thì chúng ta có hình dung rằng bây giờ hoạt động ngân hàng (NH) đang diễn ra thế nào? Rất nhiều NH hiện nay chẳng khác mấy so với mô hình “ponzi - dùng tiền người này trả người khác”. Nhiều NH nhỏ đầu tư vào những dự án dài hạn bằng tiền ngắn hạn. Họ sa lầy vào đó thì các khoản đầu tư này trở thành nợ xấu. Và trong thời gian dài họ huy động lãi suất cao. “Về bản chất tài sản sinh lời của họ không có. Với cách tiếp cận như vậy thì nên cứu hay không?”, ông Hào đặt câu hỏi.
Một điểm quan trọng được ông Hào nhấn mạnh là trong bối cảnh các ngân hàng đang có xu hướng tiến tới “mô hình ponzi” thì chúng lại được sự bảo lãnh rất lớn của Chính phủ, NHNN là không để NH nào phá sản. Ở khía cạnh khác, ông Hào cho rằng không nên e ngại việc người dân gửi tiền vào những NH có rủi ro nên khi mất tiền sẽ gây ra những bất ổn xã hội. “Người dân quyết định gửi tiền vào những NH rủi ro để được nhận lãi suất cao. Rõ ràng là họ chấp nhận rủi ro rồi. Cho nên, chúng ta không thể bảo lãnh hành vi gửi tiền vào NH rủi ro cao, được hưởng lãi suất cao và bây giờ anh lại chắc chắn là không mất tiền. Như vậy là chúng ta đang khuyến khích cho những rủi ro trong nền kinh tế”, ông Hào giải thích.
Bình luận về quan điểm của ông Hào, có ý kiến đồng tình cho rằng, NH cũng là doanh nghiệp, kinh doanh thì cũng có lãi và lỗ. Nếu lỗ và nợ xấu của NH là do quản lý kém thì NH phải tự gánh chịu, tự xử lý. Thậm chí, để hệ thống NH có thể phát triển bền vững thì cũng không nên ngại đề cập đến từ “phá sản” đối với những NH yếu kém.
Để hạn chế nợ xấu, NHNN cần thắt chặt hơn việc kiểm soát các ngân hàng trong việc tái cơ cấu nợ. Bên cạnh đó, cần hạn chế tăng trưởng tín dụng đối với những NH đang có nợ xấu.
Trung Nguyễn