Dự án Bảo tàng 11.000 tỷ ở Hà Nội: Khoan khoan để đó chớ xây!
Chính trị - Ngày đăng : 10:13, 19/09/2012
Bảo tàng Lịch sử quốc gia mới nếu xây dựng đúng tiến độ thì sẽ hoàn thành vào năm 2016.
Ðịa điểm xây dựng bảo tàng được xác định tại khu đô thị mới Tây Hồ Tây, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Diện tích sử dụng đất của bảo tàng là 10ha, trong đó diện tích xây dựng công trình khoảng 30.000m2, diện tích trưng bày ngoài trời khoảng 30.000m2, diện tích dành cho hoạt động văn hóa cộng đồng khoảng 10.000m2, diện tích cây xanh, sân vườn, đường giao thông nội bộ khoảng 30.000m2.
Thời gian thực hiện dự án được đề xuất từ tháng 11-2012 đến tháng 5-2016. Tổ chức nghiệm thu và bàn giao cho chủ quản lý sử dụng công trình từ tháng 7-2016.
Thông tin về dự án đang gây bàn cãi rộng rãi trong dư luận cũng như trong giới xây dựng, văn hóa. Người ta chợt nhớ đến công trình 1000 năm Thăng Long Hà Nội là Bảo tàng Hà Nội, có vỏ mà chưa có ruột vì hiện vật trưng bày còn đơn sơ, nghèo nàn, không hấp dẫn khách. Thậm chí từ khi mở cửa vào dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đến nay, cung cách và hiện vật trưng bày gần như không có gì thay đổi. Vẫn chỉ là những bộ sưu tập cá nhân và những hiện vật cũ bày từ tháng này qua tháng khác. Chỉ sau khoảng thời gian ngắn đến tháng 7-2011, UBND Tp. Hà Nội đã phải kiểm điểm các đơn vị về sự cố thấm dột tại công trình này... Chưa kể nghe đâu kiến trúc cũng nhái từ một công trình bên nước láng giềng.
Về dự án này, các chuyên gia cho rằng hiện nay các bảo tàng của chúng ta xây dựng đã quá nhiều rồi, chúng ta không hề thiếu bảo tàng. Có những bảo tàng chỉ trưng bày phiên bản trùng lặp, sơ sài thậm chí bỏ không, chẳng có hiện vật để mà trưng bày. Đó là sự lãng phí ghê gớm. Nếu xây dựng bảo tàng chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu là lưu giữ bảo quản hiện vật lịch sử mà không đảm bảo được yếu tố văn hóa và kiến trúc lại càng lãng phí. Nhà sử học Lê Văn Lan bày tỏ, việc xây dựng bảo tàng để lưu giữ lại những hiện vật lịch sử là tốt, song sẽ tốt hơn nữa khi chúng ta nghĩ ra cách làm thế nào để hàng năm, sau mỗi kỳ thi tốt nghiệp và đại học sẽ không còn cảnh hàng nghìn thí sinh bị điểm “0” môn Lịch sử mà không cần phải tốn kém đến hàng chục nghìn tỷ đồng như dự án xây dựng bảo tàng nói trên”.
Các chuyên gia còn chỉ ra rằng bên cạnh việc chi ra một số tiền quá lớn vào lúc cần tiết chế đầu tư công thì vấn đề vận hành bằng một bộ máy tương xứng chưa được tính đến. Hình như chưa có kế hoạch đào tạo, chuẩn bị nhân lực tiếp quản cái cơ ngơi vĩ đại này. Có vẻ như người ta chỉ nhăm nhăm giải ngân để xây nhanh cái vỏ bảo tàng để rồi cái ruột lại diễn ra y chang như thảm trạng của Bảo tàng Hà Nội. Lại có ý kiến cho rằng đây là quy trình ngược, xây bằng được cái vỏ mà chưa biết sẽ bày cái gì ở trong.
Tóm lại, trong khi thóc cao gạo kém thế này thì khoan hãy xây bảo tàng. Khoản tiền khủng này nên tạm dành để cứu doanh nghiệp, cứu sản xuất thì hơn. Thập kỷ sau hãy tính đến “cờ hoa loa đài” cũng chưa muộn!
Bảo Dân