Quốc hội thảo luận dự án Luật TTHC (sửa đổi): Khắc phục bất cập về thẩm quyền xét xử
Tiêu điểm - Ngày đăng : 22:08, 04/06/2015
Nên mở rộng quyền khởi kiện vụ án hành chính
Qua thảo luận, các Đại biểu Quốc hội (ĐB) có chung nhận định, dự thảo luật có nhiều quy định mới, cụ thể hóa nhiều quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức TAND năm 2014 và nhìn chung, bảo đảm sự thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Cơ quan chủ trì soạn thảo đã tích cực triển khai soạn thảo dự án luật, hồ sơ dự án luật cơ bản đáp ứng được yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 của Quốc hội.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình phát biểu thảo luận tại tổ
Về những khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND, đa số ý kiến cho rằng nên giữ nguyên các quy định của Luật Tố tụng hành chính hiện hành. Đối với việc quy định cụ thể danh mục các quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật Nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao, UBTP đề nghị không quy định chi tiết trong Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) mà quy định trong các văn bản pháp luật về quốc phòng, an ninh, ngoại giao…
Đối với việc khởi kiện quyết định xử lý hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của TAND, nên loại trừ việc khởi kiện loại quyết định này ra Tòa hành chính. Bởi vì, nếu giao thẩm quyền cho TAND giải quyết khiếu kiện quyết định xử lý hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng hành chính của TAND, thì sẽ dẫn đến tình trạng Tòa án vừa ra quyết định xử lý hành chính vừa tiến hành thụ lý để giải quyết vụ án hành chính đối với chính quyết định của Tòa án đó, do đó không bảo đảm tính khách quan.
ĐB Đỗ Thị Hoàng (Quảng Ninh) cho rằng, thời gian qua số lượng khiếu kiện hành chính nhiều nhưng giải quyết không dứt điểm, tốn thời gian của cả cơ quan hành chính và người dân. Thực tế có những vụ việc liên quan đến lợi ích của nhiều người, thậm chí cả của xã hội, Nhà nước, chứ không thuần túy một cá nhân nên quy định như Điều 5 về quyền khởi kiện vụ án hành chính để yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình là chưa đủ. Nhiều vụ án hành chính không làm thiệt hại lợi ích của cụ thể một cá nhân nào nhưng có thể ảnh hưởng đến xã hội như việc giải phóng mặt bằng nên phải bổ sung thêm “ ...quyền và lợi ích hợp pháp của cộng đồng, của xã hội”. Sẽ khắc phục những bất cập hiện hành
Báo cáo thẩm tra của UBTP thể hiện, nhiều ý kiến không tán thành quy định mở rộng thẩm quyền cho TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xét xử sơ thẩm các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện như dự thảo luật.
Tuy nhiên, khi thảo luận tại tổ, các ý kiến lại cho rằng cần thiết phải giao cho TAND cấp tỉnh giải quyết các quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện.
Theo Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình, về mặt lý luận có thể còn có vấn đề này vấn đề kia. Nhưng để khắc phục những hạn chế từ thực tiễn của việc Tòa án cấp huyện giải quyết các khiếu kiện hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện (chất lượng giải quyết chưa đảm bảo, tỷ lệ án bị hủy, sửa đối với loại việc này còn cao và đã tồn tại từ nhiều năm nay) nên việc sửa đổi luật cũng phải hướng tới việc khắc phục những tồn tại, bất cập từ thực tiễn. Nếu giao cho Tòa án cấp tỉnh giải quyết là phù hợp với điều kiện hiện nay và cũng không gây quá tải cho Tòa án cấp huyện, vì tính trung bình Tòa án cấp tỉnh chỉ giải quyết tăng thêm khoảng 60 vụ/năm so với trước đây.
Phó Chủ nhiệm UBTP Nguyễn Văn Luật cũng đồng tình và cho rằng, số lượng các vụ án hành chính của Tòa cấp huyện nhiều nhưng kết quả xử lý không cao, nên cử tri bức xúc. Bởi có một thực tế là với cơ chế hiện nay, việc tác động của chính quyền đến Tòa án vẫn còn, nên Tòa án khó độc lập, Thẩm phán ngại va chạm, nên giao cấp tỉnh giải quyết là khách quan hơn. Tuy nhiên, về lâu dài đây cũng chưa phải là biện pháp khả quan, nhất là với chủ trương tăng thẩm quyền của Tòa cấp huyện như hiện nay. Nên cần cải tiến hơn nữa để đáp ứng yêu cầu giải quyết khiếu kiện hành chính.
VKSND chỉ nên tham gia những vụ án quan trọng
Về địa vị pháp lý của VKSND trong tố tụng hành chính, các ý kiến cho rằng, trong tố tụng hành chính, VKSND không thực hiện nhiệm vụ công tố (đây là điểm khác biệt cơ bản với tố tụng hình sự), cũng không phải người tham gia tố tụng, mà thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn kiểm sát hoạt động tư pháp. Do vậy, dự thảo Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) cần cụ thể hóa quy định nêu trên của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức VKSND năm 2014 về việc VKSND kiểm sát hoạt động tư pháp trong tố tụng hành chính bảo đảm không làm ảnh hưởng tới tính khách quan của việc giải quyết vụ án hành chính của TAND.
Tuy nhiên, theo quan điểm của ĐB Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TANDTC, Chánh án TAQSTW thì cần tăng cường sự có mặt của VKS trong tố tụng hình sự, còn trong tố tụng hành chính, dân sự thì VKS chỉ nên có mặt ở vụ án nào đặc biệt quan trọng. Vì tố tụng hình sự cần giám sát nhất là bức cung, nhục hình, làm sai lệch hồ sơ, không nên cái dễ thì tham gia, cái khó thì thôi là không ổn.
Về việc bổ sung phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận và công khai chứng cứ, UBTP thấy rằng, đây là quy định mới so với Luật Tố tụng hành chính hiện hành, cần phải được nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng. Mặt khác trong báo cáo tổng kết không thể hiện khó khăn vướng mắc về vấn đề này. Việc quy định thêm thủ tục Thẩm phán phải tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận và công khai chứng cứ sẽ làm kéo dài thêm quá trình tố tụng trong khi yêu cầu của việc giải quyết án hành chính phải nhanh chóng và kịp thời để tránh khiếu nại, khiếu kiện gay gắt, kéo dài.
ĐBQH tỉnh Long An, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình cho rằng, Tòa án tổ chức phiên họp này nhằm góp phần vào việc thực hiện tốt nhiệm vụ tranh tụng trong xét xử. Đề chuẩn bị cho phiên tòa xét xử vụ án hành chính, vấn đề chứng cứ cần phải được công khai để các bên biết chứng cứ của nhau, tránh tạm ngừng phiên tòa vì các bên chưa tiếp cận chứng cứ. Việc tổ chức phiên họp này sẽ đảm bảo cho các bên có cơ hội được đối thoại, xuất trình công khai chứng cứ cho nhau; phiên họp này không làm kéo dài quá trình tố tụng, vì được tổ chức trong thời hạn chuẩn bị xét xử, vẫn được giữ nguyên như quy định hiện hành.
Về người đại diện, dự thảo luật quy định “trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho người được quyền xử lý đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khởi kiện”. Nhiều ý kiến đề nghị dự thảo cần quy định chế định ủy quyền trong tố tụng hành chính theo hướng người được ủy quyền phải tham gia vào quá trình giải quyết toàn bộ vụ án, thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người bị kiện theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.
Từ thực tiễn xét xử, Chánh án TAND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Thành Bộ cho biết, việc thi hành Luật Tố tụng hành chính có nhiều bất cập. Đó là phân định thẩm quyền của TAND tỉnh và huyện. “Nhiều nơi quan niệm Tòa án chỉ là một cấp phòng ban thuộc UBND huyện, nên khi Tòa triệu tập Chủ tịch UBND cùng cấp ra tòa là rất khó. Tôi theo dõi nhiều năm, chỉ có một đồng chí phó Chủ tịch dự tòa thôi”, ĐB Bộ nói và cho biết thường chỉ có người được ủy quyền dự tòa. Trong khi đó, người được ủy quyền lại không thể thay mặt lãnh đạo để quyết định được mà phải về báo cáo xin ý kiến, khiến cho việc giải quyết án hành chính thường bị kéo dài.
Phó Chủ nhiệm UBTP Nguyễn Văn Luật đồng ý phương án người bị khiếu kiện được cử người đại diện tham gia tố tụng, nhưng tránh tình trạng người bị kiện là Chủ tịch UBND cử cán bộ bình thường dễ dẫn đến kéo dài vụ án. Như vậy khác gì Tòa án chỉ mở phiên tòa để giải quyết đối thoại của các bên, người đi dự về báo cáo lãnh đạo... khiến nhân dân rất bức xúc và không biết bao giờ vụ án kết thúc.