Dự án Luật Đất đai (sửa đổi): Làm rõ định giá đất hợp với giá thị trường

Chính trị - Ngày đăng : 22:48, 17/09/2012

Ngày 17-9, UBTVQH tiếp tục chương trình phiên họp thứ 11, cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Đây là dự án luật quan trọng, liên quan đến nhiều lĩnh vực phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng được nhân dân quan tâm.

Dự án Luật đất đai (sửa đổi) có 14 chương, 190 điều, so với Luật hiện hành thì có 21 điều giữ nguyên, 101 điều sửa đổi, bổ sung, 68 điều bổ sung mới.

Trong buổi thảo luận đầu tiên, các thành viên UBTVQH đã thảo luận về các nội dung như quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; cơ chế thu hồi đất; việc bồi thường, hỗ trợ đối với trường hợp thu hồi đất do vi phạm; thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất và cho thuê đất; giá đất; thời hạn giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân; hạn mức nhận chuyển quyền đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại ngân hàng ở nước ngoài để vay vốn và giải quyết tranh chấp đất đai.

Dự thảo Luật quy định lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất gồm 3 cấp: cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện để khắc phục tình trạng thiếu tính liên kết, đồng bộ trong quy hoạch giữa các tỉnh, các vùng, đồng thời tiết kiệm được chi phí và rút ngắn thời gian lập quy hoạch sử dụng đất, nhất là cấp xã.

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi): Làm rõ định giá đất hợp với giá thị trường

UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Tuy nhiên, theo ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - ngân sách: quy hoạch sử dụng đất cấp xã là quy hoạch chi tiết để phục vụ cho công tác quản lý đất đai. Do đó, nếu chỉ quy hoạch ở 3 cấp như quy định trong dự thảo Luật sẽ dễ dẫn đến tình trạng quy hoạch “treo”, gây lãng phí tài nguyên đất và làm cản trở sự phát triển.

Đa số thành viên UBTVQH đồng tình với quy định thời hạn giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân là 50 năm, không phân biệt đất trồng cây hàng năm và cây lâu năm. Việc kéo dài thời hạn sử dụng đất lên 50 năm sẽ khắc phục được sự bất bình đẳng giữa thời hạn sử dụng đất của nông dân với doanh nghiệp, làm cho nông dân gắn bó hơn với đồng ruộng, yên tâm đầu tư sản xuất, nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

Vấn đề được thu hút nhiều ý kiến thảo luận là quy định trong dự thảo Luật về nguyên tắc định giá đất: "Giá đất do Nhà nước quyết định bảo đảm nguyên tắc phù hợp với giá thị trường".

Trưởng ban công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương thẳng thắn đặt câu hỏi với đại diện cơ quan soạn thảo: Thế nào là giá thị trường? Hiện nay trên thực tế có nhiều loại giá đất như giá do Nhà nước quy định; giá thị trường; giá thỏa thuận của chủ đầu tư với người dân khi đền bù, giải tỏa, vậy giải quyết tính hài hòa giữa các loại giá này như thế nào.

Dẫn chứng trên thực tế có nhiều trường hợp, một số nhà đầu tư sau khi chi phí để Nhà nước thu hồi đất, đền bù cho người dân thì lại bán lại với giá rất cao so với chi phí bỏ ra để kiếm lời, bà Nguyễn Thị Nương tiếp tục nêu vấn đề: Tại sao ở Việt Nam hiện nay có những khu giá đất giá đắt ngang với đất Thủ đô của những nước phát triển trên thế giới, cá biệt có những nơi là đất đắt nhất thế giới?

Cho ý kiến về dự thảo Luật, Chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, đây là dự luật lớn liên quan trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp của người dân, do vậy việc soạn thảo cần bám sát thực tiễn, mang hơi thở cuộc sống để sau khi ban hành có thể đi vào đời sống một cách dễ dàng, thuân tiện. Mục tiêu quan trọng của việc sửa đổi lần này là cố gắng giải quyết cao nhất hạn chế, tồn tại về giá, công tác đền bù, giải tỏa; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao đất của Nhà nước và các quyền lợi của người dân. Đồng thời, dự án Luật phải cố gắng giải quyết việc 70% các khiếu nại tố cáo hiện nay đều liên quan đến đất đai.

Về quy định "Giá đất do Nhà nước quyết định bảo đảm nguyên tắc phù hợp với giá thị trường, Dự thảo xây dựng định giá phù hợp giá thị trường", Chủ tịch Quốc hội cho rằng, quy định như vậy chưa sát với thực tế, phải quy định cụ thể là thị trường nào, thị trường lúc định giá hay thị trường lúc thu hồi để từ đó làm căn cứ đền bù người dân theo giá mới hay giá cũ. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị phải nghiên cứu kỹ căn cứ thu hồi đất; đảm bảo giảm thiểu được tình trạng khiếu kiện về đất đai.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị cơ quan soạn thảo chủ động nắm bắt chủ trương sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để thiết kế các quy định của dự án Luật phù hợp với Hiến pháp (sửa đổi) và vẫn giữ đúng tiến độ, thời gian thông qua dự án Luật, đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng của cử tri cả nước.

P.Lan

(TH)