Chủ tịch Hồ Chí Minh những ngày sau Tết Độc lập 2-9-1945: Gian nan và vĩ đại
Chính trị - Ngày đăng : 07:12, 03/09/2012
Lần giở lại lịch sử từ tháng 9 đến cuối năm 1945, hậu thế phần nào hình dung được bối cảnh gian nan lúc bấy giờ cũng như tầm vóc vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh long trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập trên quảng trường Ba Đình tại Hà Nội, tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ và bản Tuyên ngôn Dân quyền và Nhân quyền của Pháp được trích dẫn mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng, tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Tuyên ngôn khẳng định: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn tám mươi năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe đồng minh chống phát-xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do, dân tộc đó phải được độc lập! Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Đây được xem là bản tuyên ngôn độc lập thứ ba của lịch sử Việt Nam, sau bài thơ thần Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt ở thế kỷ X và Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi viết năm 1428.
Sau niềm hân hoan của đại lễ, Chính phủ, đứng dầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh phải đối mặt với hàng loạt khó khăn cả về đối nội và đối ngoại.
Về đối ngoại, khi này Việt Nam chưa được bất cứ quốc gia nào công nhận, không phải thành viên Liên hiệp quốc, cũng như không nhận được sự ủng hộ nào về vật chất của các nước khác. Ngoài 20 vạn quân của Tưởng Giới Thạch ở miền Bắc, còn có quân Anh và quân Pháp (vào thời điểm toàn quốc kháng chiến, tháng 12-1946, Pháp có khoảng 6 vạn quân), và khoảng 6 vạn quân Nhật.
Cố vấn Vĩnh Thụy (cựu hoàng Bảo Đại) phát biểu trong buổi đấu giá tranh Chủ tịch Hồ Chí Minh trong ngày bế mạc Tuần lễ Vàng.
Vì vậy, một trong những công việc đầu tiên là Chủ tịch Hồ Chí Minh viết nhiều thư gửi cho nhiều nguyên thủ quốc gia trên thế giới kêu gọi công nhận Nhà nước Việt Nam mới được thành lập cũng như tranh thủ sự ủng hộ (Tổng thống Hoa Kỳ Harry Truman, lãnh tụ Liên Xô Stalin, Tổng thống Pháp Léon Blum, Bộ trưởng Thuộc địa Pháp Marius Moutet và Nghị viện Pháp,…). Để đối phó với giặc ngoại xâm, Chủ tịch Hồ Chí Minh thi hành một chính sách đối ngoại mềm dẻo và nhẫn nhịn. Cụ nói: Chính sách của ta hiện nay là chính sách Câu Tiễn, nhưng nhẫn nhục không phải là khuất phục.
Ngày 23-9-1945, quân Pháp tấn công Sài Gòn. Quân dân Sài Gòn cấp tập chống cự. Ủy ban kháng chiến Nam bộ được thành lập do Trần Văn Giàu làm Chủ tịch. Xứ ủy và Ủy ban nhân dân Nam bộ điện ra Trung ương xin cho được đánh. Chính phủ ra huấn lệnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen ngợi "lòng kiên cường ái quốc của đồng bào Nam bộ".
Về đối nội, "giặc đói, giặc dốt" - và ngân quỹ trống rỗng là những vấn đề hệ trọng nhất. Khi đó quốc khố chỉ có 1,2 triệu đồng. Ngày 4-9 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động Tuần lễ Vàng, kêu gọi đồng bào cả nước ủng hộ ngân sách quốc gia. Với uy tín của Chủ tịch Hồ Chí Minh và lòng yêu nước của toàn dân, Tuần lễ Vàng đã có kết quả mỹ mãn, các tầng lớp nhân dân đã quyên góp được 20 triệu đồng và 370 kilôgam vàng, trong đó giới công thương có đóng góp nhiều nhất. Một bức ảnh vừa mới được công bố cho thấy hình ảnh Cố vấn Vĩnh Thụy (cựu hoàng Bảo Đại) phát biểu trong buổi đấu giá tranh Chủ tịch Hồ Chí Minh trong ngày bế mạc Tuần lễ Vàng.
Một trong những công việc đầu tiên nữa được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm là phát triển giáo dục, mà trước hết là xóa nạn mù chữ bằng cách mở các lớp học Bình dân học vụ. Tháng 9-1945, nhân ngày khai trường, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi cho học trò Việt Nam. Thư rất tha thiết: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.
Để diệt "giặc đói", ngoài việc kêu gọi tăng gia sản xuất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị đồng bào "cứ 10 ngày nhịn ăn 1 bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa" để đem số gạo tiết kiệm được cứu dân nghèo. Bản thân Người gương mẫu thực hiện việc nhịn ăn để cứu đói này.
Với tư tưởng đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu, Người kêu gọi và thực hiện triệt để chính sách đại đoàn kết dân tộc bằng cách mời nhiều nhân sĩ, trí thức tham gia các Chính phủ và Quốc hội, tiêu biểu như: Bảo Đại, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Kế Toại, Phan Anh v.v... Trước Quốc hội, Người tuyên bố: "Tôi chỉ có một đảng - đảng Việt Nam".
Trước đó, được tin Tađêô Lê Hữu Từ trở thành Giám mục, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư chúc mừng. Trong thư có đoạn: "Có một nhà lãnh đạo mới của người Công giáo đi theo chân Đức Giê-su, chịu đóng đinh hầu giúp giáo dân biết hy sinh và chiến đấu bảo vệ tự do và độc lập của đất nước". Về những lá thư của Người viết cho Tađêô Lê Hữu Từ, Viện sĩ Viện hàn lâm Hoàng gia Canada đồng thời giáo sư Đại học Lavát (Québec) - linh mục Trần Tam Tỉnh có nhận định: "Cụ Hồ Chí Minh rất thành thật tôn trọng tín ngưỡng và tin tưởng người Công giáo. Không có một dấu hiệu nào cho phép trách được rằng, Người nói dối".
Và chỉ sau ngày 2-9 có 11 ngày, ngày 13-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 33C thành lập Tòa án quân sự ở Bắc bộ: tại Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Ninh Bình; ở Trung bộ: tại Vinh, Huế, Quảng Ngãi; ở Nam bộ: tại Sài Gòn, Mỹ Tho, để “xử tất cả các người nào vi phạm vào một việc gì có phương hại đến nền độc lập của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà”. Sắc lệnh này đánh dấu sự ra đời của ngành TAND. Và chỉ sau đó 2 tuần, ngày 29-9, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại ký tiếp Sắc lệnh số 40, về việc lập thêm một Toà án quân sự ở Nha Trang và quy định các địa phương thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án quân sự này. Từ nền móng đầu tiên do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, giữa mùa thu cách mạng ấy, đến nay, ngành Tòa án đã có hơn 12.000 biên chế, trong đó có 4.500 Thẩm phán có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ được giao…
Những Sắc lệnh do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký trong thời gian từ 2-9-1945 đến 31-12-1945 liên quan đến tư pháp
1- Sắc lệnh số 29B, ký ngày 10-9-1945, về việc lưu dụng và cho nghỉ việc một số quan chức cũ ngành Toà án ở Hà Nội.
2- Sắc lệnh số 33A, ký ngày 13-9-1945, quy định về quyền hạn của Ty Liêm phóng.
3- Sắc lệnh số 33B, ký ngày 13-9-1945, về trình tự thủ tục khi bắt người của Sở Liêm phóng và Sở Cảnh sát.
4- Sắc lệnh số 33C, ký ngày 13-9-1945, về việc lập Toà án quân sự ở Bắc bộ, Trung bộ, Nam bộ và quy định quyền hạn xét xử của các Toà án đó.
5- Sắc lệnh số 33D, ký ngày 19-9-1945, về việc phóng thích tội nhân bị kết án trước ngày 19-8-1945.
6- Sắc lệnh số 37, ký ngày 26-9-1945, quy định các địa phương thuộc thẩm quyền xét xử của các Toà án quân sự theo Sắc lệnh số 33C ngày 13-9-1945.
7- Sắc lệnh số 40, ký ngày 29-9-1945, về việc lập thêm một Toà án quân sự ở Nha Trang và quy định các địa phương thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án quân sự này.
8- Sắc lệnh số 48, ký ngày 9-10-1945, quy định về việc tạm thời áp dụng đạo luật cũ đối với các công ty, các hãng kỹ nghệ, thương mại ngoại quốc ở Việt Nam.
9- Sắc lệnh số 46, ký ngày 10-10-1945, quy định thể thức tổ chức đoàn thể luật sư, những tiêu chuẩn của luật sư trong Toà thượng thẩm Hà Nội và Sài Gòn.
10- Sắc lệnh số 47, ký ngày 10-10-1945, về việc tạm thời sử dụng bộ luật cũ, trừ một số điểm thay đổi được ấn định trong sắc luật này.
11- Sắc lệnh số 52, ký ngày 20-10-1945, về việc xá tội cho các tội phạm bị kết án trước ngày 19-8-1945.
12- Sắc lệnh số 57, ký ngày 10-11-1945, nghiêm cấm sản xuất, tàng trữ, tiêu thụ, mua bán rượu được chế từ ngũ cốc và mức phạt khi phạm các tội trên.
13- Sắc lệnh số 60, ký ngày 16-11-1945, quy định về trình tự tiến hành trước Toà tại Hà Nội, Hải Phòng, Nam bộ, Đà Nẵng.
14- Sắc lệnh số 64, ký ngày 23-11-1945, về việc thành lập và quy định quyền hạn Ban Thanh tra đặc biệt và Toà án đặc biệt.
15- Sắc lệnh số 77B, ký ngày 24-12-1945, uỷ quyền cho Uỷ ban nhân dân Nam bộ xét ân giảm cho tội nhân.
16- Sắc lệnh số 77C, ký ngày 28-12-1945, về việc thiết lập Toà án quân sự tại Phan Thiết.
Trường Sơn