Những điều chưa biết về một cơ quan "siêu tuyệt mật"
Chính trị - Ngày đăng : 11:15, 01/09/2012
Diệm ra sức chống phá cách mạng, thực hiện chiến dịch “tố cộng”, “diệt cộng”; vây bắt, tàn sát, tù đày những người kháng chiến cũ với phương châm “thà giết lầm còn hơn bỏ sót”… Chính quyền Diệm đã ra sắc lệnh “đặt cộng sản ngoài vòng pháp luật” vào tháng 5-1959, ra đạo luật 10/59, lê máy chém khắp miền Nam giết hại những người yêu nước vô tội. Trong bối cảnh đó, ông Lê Duẩn, Bí thư Xứ ủy Nam bộ (sau này là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam) đã từ Đồng bằng sông Cửu Long về nội thành Sài Gòn lãnh đạo phong trào cách mạng. Ông Lê Duẩn sống và sinh hoạt tại căn nhà số 29 Huỳnh Khương Ninh. Đó chính là “trụ sở” của một cơ quan “siêu tuyệt mật” có tên: Văn phòng Xứ ủy Nam bộ...
Giữa “nanh vuốt” kẻ thù
Chiến tranh đã lùi xa hàng chục năm nhưng cho đến nay, có một văn phòng hoạt động âm thầm, bí mật trong lòng nội thành Sài Gòn, qua mắt các cơ quan an ninh, mật vụ của chế độ cũ vẫn là điều ít ai biết đến. Đó là Văn phòng Xứ ủy Nam bộ đặt tại số 29 Huỳnh Khương Ninh (nay thuộc phường Đa Kao, quận 1, Tp. Hồ Chí Minh), nơi ông Lê Duẩn, lúc đó là Bí thư Xứ ủy đã sống, lãnh đạo phong trào cách mạng, viết bản dự thảo “Đề cương đường lối Cách mạng Việt Nam ở miền Nam”.
Sự ra đời của Văn phòng Xứ ủy Nam bộ trong giai đoạn cách mạng sau Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 cũng rất nhiều sóng gió, gian truân do chính sách khủng bố, tàn sát phong trào cách mạng yêu nước của chế độ Ngô Đình Diệm. Để tránh sự bố ráp điên cuồng của cảnh sát, mật vụ, từ tháng 10-1954 đến tháng 6-1956, cơ quan Xứ ủy Nam bộ phải tạm chia làm hai bộ phận: bộ phận “cơ bản” nằm trong vùng có căn cứ cũ ở Cà Mau, giữ mối liên lạc với Trung ương và các địa phương, gọi là “Xứ ủy I”, Bộ phận trực tổ chức gọn nhẹ, gọi là “Xứ ủy II”, do ông Hoàng Như Khương, Ủy viên thường vụ, Thường trực Xứ ủy phụ trách. Tháng 3-1955, Xứ ủy cử cán bộ móc nối xây dựng cơ sở cưa xẻ gỗ làm bình phong cho hoạt động của Văn phòng Xứ ủy Nam bộ tại ngã ba ông Tạ (nay là đường Phạm Văn Hai, Tân Bình). Văn phòng do ông Hoàng Như Khương, Thường vụ Xứ ủy lãnh đạo và chỉ đạo.
Bí thư Thành ủy Tp. Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Văn phòng xứ ủy Nam Bộ
Cuối năm 1955, ông Hoàng Như Khương bị bắt do một tên phản bội khai báo. Mặc dù Văn phòng Xứ ủy ở Sài Gòn chưa bị lộ nhưng theo nguyên tắc, địa điểm Văn phòng cũ phải di chuyển. Nhiệm vụ quan trọng là phải tìm ra một địa chỉ an toàn, bí mật để lập văn phòng. Ông Lê Toàn Thư, Ủy viên Thường vụ Xứ ủy nhờ một quần chúng có cảm tình với cách mạng là chị Nguyễn Thị Danh tìm thuê một căn nhà. Nhờ quen biết rộng, chị Danh đã tìm được căn nhà số 29 Huỳnh Khương Ninh (nay là phường Đa Kao quận 1) với các lợi thế để đặt cơ sở bí mật: gần chợ Đa Kao, đường nhỏ một chiều, khu vực yên tĩnh, kín đáo, có thêm lối đi phía sau nhà.
Từ tháng 3-1956 đến khoảng giữa năm 1957, Văn phòng Xứ ủy đã thành lập một chi bộ hoạt động bí mật dưới hình thức một gia đình trung lưu gồm sáu thành viên, mỗi người một “vai diễn”, một nhiệm vụ rõ ràng. Người lãnh đạo Văn phòng là bà Nguyễn Thị Một - Bí thư Chi bộ, Chánh Văn phòng, vào vai một bà dì khó tính ở quê lên; ông Trịnh Long Nhi từ Ban Tuyên huấn Xứ ủy đóng vai một nhà giáo ngày ngày đi dạy học; bà Nguyễn Thị Loan, một đầu mối liên lạc từ Ban Tuyên huấn Xứ ủy về Thường vụ Xứ ủy, đóng vai em gái của ông Nhi, đồng thời là vợ của một sĩ quan quân đội Sài Gòn, chồng thường vắng nhà trong thời chinh chiến, bà Loan cùng hai con (cháu Công lên 7 tuổi và cháu Bình mới tập đi) phải ở dựa vào anh Hai; ông Phan Kim Thảo (Tám Thảo) công tác ở bộ phận mật mã từ Văn phòng Xứ ủy trước đó đóng vai anh nuôi, ngày ngày đi chợ lo cơm nước cho cả nhà; bà Nguyễn Thị Danh, vợ ông Nhi, một công chức thuế quan của chính quyền Sài Gòn ở sân bay Tân Sơn Nhất; người em trai của ông Nhi là Trịnh Long Việt đang làm tư chức ở hãng Olympic đứng làm chủ hộ về hành chính. Bà Danh và ông Việt tình nguyện làm bình phong che giấu cho Văn phòng. Chi bộ Văn phòng do Thường vụ Xứ ủy Lê Toàn Thư trực tiếp chỉ đạo.
Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình chụp ảnh lưu niệm tại buổi lễ
Những người hàng xóm láng giềng nhìn vào gia đình bà Nguyễn Thị Một không mảy may nghi ngờ có người dưới quê lên thăm. Tuy nhiên, phía sau “vỏ bọc” đó, dưới sự dẫn dắt của bà Một, Văn phòng đã trở thành một trung tâm liên lạc hai chiều từ Thường vụ Xứ ủy đến các liên tỉnh ủy, các ban chuyên môn của Xứ ủy - giữ được mạch máu lưu thông trong cơ thể Đảng, để tập trung được thông tin, giúp Đảng nắm tình hình để kịp thời chỉ đạo phong trào trên phạm vi toàn Nam bộ; chăm sóc và bảo vệ an toàn cho các đồng chí trong Xứ ủy mỗi khi hội họp...
Do tính chất là một cơ quan lãnh đạo của Đảng đang hoạt động trong lòng địch, đồng thời còn là nơi hội họp của các đồng chí Thường vụ Xứ ủy nên những nhiệm vụ đặt ra cho Văn phòng hết sức nặng nề, đặc biệt siêu tuyệt mật. Văn phòng Xứ ủy đã hoạt động một cách an toàn, hiệu quả trong suốt thời gian dài giữa vòng vây dày đặc của hệ thống cảnh sát, mật thám của chính quyền Sài Gòn.
Hơn một năm hoạt động, Văn phòng xứ ủy đã đạt nhiều chiến công, xây dựng một cơ sở hội tụ nhiều mặt thuận lợi, khéo tạo lớp bình phong hợp pháp che giấu hoạt động của một cơ quan lãnh đạo. Văn phòng đã móc nối lại, gây dựng và giữ gìn các đầu mối liên lạc trọng yếu của Đảng sau khi một cơ sở trước đó bị bể, góp phần hạn chế thiệt hại, khôi phục sự tồn tại và hoạt động của Văn phòng Xứ ủy trong lòng địch.
Ngỡ ngàng với thủ thuật viết “bạch chỉ”
Một chiến công thầm lặng nhưng quan trọng là văn phòng đã chăm sóc, phục vụ chu đáo cho đồng chí Bí thư Xứ ủy Lê Duẩn (sau này là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam) từ Đồng bằng sông Cửu Long lên Sài Gòn. Các cán bộ văn phòng trở thành đội cận vệ trung thành, bảo đảm an toàn trọn vẹn các đồng chí lãnh đạo và các đồng chí trong Xứ ủy đến làm việc. Việc nghi trang và bảo vệ an toàn cho Bí thư Lê Duẩn nói giọng Quảng Trị giữa lòng Sài Gòn là chuyện không dễ. Ông Tám Thảo nhớ lại: “Đồng chí Lê Duẩn đóng vai người cậu trong gia đình, nhưng có giọng nói của người Bắc Trung bộ, khi phải hớt tóc, cạo râu cho đồng chí, cũng như đi may bộ đồ âu phục cho đồng chí chuẩn bị đi K… làm thế nào để người ngoài khỏi phát hiện? Chọn thợ như thế nào để đảm bảo? Cần chụp ảnh để làm giấy tờ cho đồng chí, tính cách sao cho ảnh đồng chí không bị lọt ra ngoài khi các hiệu ảnh có lệ không giao phim âm bản. Những ngày anh Ba Duẩn ở 29 Huỳnh Khương Ninh, chúng tôi cố gắng hết sức bảo vệ an toàn tuyệt đối”. Ông Lê Toàn Thư - Thường vụ Xứ ủy Nam bộ đã từng có lần phát biểu rằng: “Tất cả chúng ta đều một lòng lo lắng đầy trách nhiệm đối với việc bảo vệ lãnh tụ của cách mạng... Anh Ba có tinh thần cảnh giác rất cao… không bao giờ anh Ba ở lâu một chỗ được năm, mười ngày, có khi anh tới chỗ này được một, hai hôm rồi lại rời đi chỗ khác... Anh Ba ở với cơ quan chúng ta lâu như thế là đã có một sự tin cậy rất cao…”.
Trong những ngày ở Văn phòng Xứ ủy, đồng chí Lê Duẩn đã viết bản Đề cương cách mạng Việt Nam ở miền Nam, gọi tắt là Đề cương cách mạng miền Nam. Ông Tám Thảo được phân công viết lại trên giấy bạch chỉ rồi đem cất giấu, chờ chuyển đi. “Chúng tôi lấy trái ngũ bội ngâm lấy nước để viết bạch chỉ, một loại mực viết lên giấy, khi để khô, chữ lặn mất, khi phết nước pha hóa chất lên, chữ sẽ hiện ra. Những trang bản thảo đề cương được viết xen vào giữa các dòng chữ in sẵn trong cuốn tiểu thuyết. Việc này sẽ giúp qua mắt địch nếu không may bị phát hiện. Những lần viết chủ yếu là ban đêm, anh Ba còn sửa đi sửa lại nhiều lần cho đến khi hoàn chỉnh”. Sau 6 tháng, bản đề cương đã hoàn thành, góp phần làm cơ sở lý luận và tư tưởng chính trị để hình thành Nghị quyết Trung ương 15 Đảng Lao động Việt Nam sau này. Những nhiệm vụ của Văn phòng Xứ ủy Nam bộ kết thúc sau khi ông Lê Duẩn sang Campuchia vào thời điểm tháng 4-1957.
Bà Nguyễn Thị Loan xúc động kể lại: “Nhìn lại quãng thời gian ấy, chúng tôi rất vui sướng, tự hào vì đã không để xảy ra một thiếu sót, sai lầm nào khả dĩ đưa đến hậu quả không hay. Bao nhiêu suy tư, lo lắng, bao giờ phút căng thẳng trí óc đã đem lại kết quả vô cùng to lớn: địch như đui, như điếc, đồng chí Lê Duẩn thời gian ở đây được tuyệt đối an toàn, cơ quan này của Xứ ủy Nam bộ không hề bị lộ… Tôi xin thành tâm tri ân sâu sắc các đồng chí đã hy sinh, đã mất”. Qua quá trình tồn tại và hoạt động của văn phòng này, có thể nói, đây là một trong những văn phòng “có một không hai” trong cả hai cuộc đấu tranh kháng chiến của nhân dân ta chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Với những đóng góp lớn lao trên, Văn phòng Xứ ủy xứng đáng với danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đặc biệt của mình, góp phần vào thành công chung của cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc.
Ngày 12-6-2012, Văn phòng Trung ương Đảng đã tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân của Chủ tịch nước trao tặng cho Văn phòng Xứ ủy Nam bộ thời kỳ 1956-1957. Với những chiến công thầm lặng, vẻ vang giữa lòng địch, các đảng viên Chi bộ Xứ ủy Nam bộ đã góp phần quan trọng đưa phong trào cách mạng miền Nam vượt qua giai đoạn đầy cam go, thử thách. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ông Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Tp. Hồ Chí Minh phát biểu: “Văn phòng Xứ ủy Nam bộ tại số 29 Huỳnh Khương Ninh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao với sự mưu trí, sáng tạo rất cao. Bí thư Xứ ủy Lê Duẩn được bảo vệ an toàn tuyệt đối để hoàn chỉnh bản dự thảo quan trọng “Đề cương đường lối cách mạng Việt Nam ở miền Nam”, tạo cơ sở trực tiếp hết sức quan trọng để xây dựng Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương (năm 1959) và tiếp theo là Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng (năm 1960). Văn phòng Xứ ủy Nam bộ xứng đáng là một tập thể trung kiên, dũng cảm, mưu trí, hoạt động chiến đấu ngay giữa Sài Gòn, sào huyệt đầu não của quân thù ở giai đoạn cách mạng miền Nam còn trong những ngày đen tối, đầy thử thách”. |
Đắc Minh - Lê Hoàng