Ung thư "đoạt mạng" người Việt nhiều gấp 9 lần tai nạn giao thông
Sức khỏe - Ngày đăng : 19:39, 03/11/2017
126.000 người mắc bệnh ung thư mỗi năm
Tại Hội nghị PGS.TS Trần Văn Thuấn - Giám đốc Bệnh viện K cho biết, hiện ung thư đang trở thành gánh nặng lớn tại các quốc gia trên thế giới, đặc biệt với các nước nghèo, các nước đang phát triển.
Tại Việt Nam, gánh nặng ung thư ngày càng gia tăng trên phạm vi cả nước và đòi hỏi sự quan tậm đặc biệt của toàn xã hội. Theo số liệu của tổ chức Ghi nhận ung thư toàn cầu (GLOBOCAL) và thống kê của Viện Nghiên cứu và phòng chống ung thư quốc gia, hiện mỗi năm Việt Nam có hơn 126.000 ca mắc mới và khoảng 94.000 người tử vong vì ung thư. Phần lớn người bị bệnh ung thư đến khám và điều trị ở giai đoạn muộn nên việc điều trị càng khó khăn và tốn kém.
Việt Nam ký kết thỏa thuận hợp tác với Hàn Quốc trong lĩnh vực kiểm soát và phòng chống ung thư
Bên cạnh những thành tựu phát triển về kinh tế xã hội, Việt Nam cũng đã có nhiều thành tựu trong công tác phòng chống ung thư: từ việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng chống và phát hiện sớm ung thư, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, tăng 5 – 10% tỷ lệ bệnh nhân ung thư được phát hiện sớm đồng thời giảm tỷ lệ tử vong của một số loại ung thư: vú, cổ tử cung, khoang miệng, đại trực tràng; nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân ung thư.
PGS Thuấn khẳng định, các bệnh ung thư đến nay phát hiện sớm hoàn toàn có thể chữa khỏi được. Ví dụ với bệnh ung thư vú nếu phát hiện ở giai đoạn 1 thì tỷ lệ điều trị thành công 95 %, giai đoạn 2 tỷ lệ khoảng 70- 75%, giai đoạn 3 tỷ lệ chữa khỏi đạt 65 % nhưng đến giai đoạn 4 thì chỉ đạt được 5% tỷ lệ thành công. Vấn đề là phải là người bệnh phải khám định kỳ, khi có dấu hiệu và được chẩn đoán sớm việc chữa trị sẽ mang lại hiệu quả cao.
Đề xuất bảo hiểm y tế chi trả phí tầm soát bệnh ung thư
Theo PGS Thuấn, bệnh ung thư phát hiện càng sớm việc điều trị càng đơn giản. Tuy nhiên, hơn 70% bệnh nhân ung thư đến khám và điều trị ở giai đoạn muộn nên việc điều trị càng khó khăn và tốn kém. Đây chính là lý do khiến tỷ lệ chữa khỏi ung thư tại nước ta thấp, không bằng các nước phát triển.
"Hiện nay chi phí sàng lọc, phát hiện sớm ung thư chưa được bảo hiểm y tế chi trả. Hy vọng trong thời gian tới bảo hiểm có thể chi trả phí tầm soát một số bệnh ung thư như ung thư vú, cổ tử cung, gan, ung thư đường tiêu hóa… Tầm soát giúp nâng tỷ lệ phát hiện bệnh sớm và chữa khỏi bệnh ung thư", ông Thuấn khẳng định.
Tại hội nghị, các chuyên gia chuyên về ung thư quốc tế và Việt Nam cũng đã chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm một cách toàn diện trong lĩnh vực kiểm soát ung thư bao gồm: Dịch tễ học và kiểm soát các yếu tố nguy cơ; giám sát và ghi nhận ung thư; dự phòng và sàng lọc phát hiện sớm bệnh ung thư; các tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị ung thư; chăm sóc giảm nhẹ và kiểm soát đau trong ung thư; kinh tế và chính sách trong phòng chống bệnh ung thư; hỗ trợ tâm lý xã hội cho người bệnh ung thư nhằm mục đích đưa ra đường lối và chiến lược phòng, chống ung thư tại Việt Nam.
Đặc biệt nhân dịp này, Viện Ung thư Quốc gia - Trường cao học khoa học và chính sách ung thư, Trung tâm ung thư quốc gia Hàn Quốc - Viện Y học dự phòng và Y tế công cộng, Đại học Y Hà Nội đã ký kết thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và đào tạo nhân lực trong lĩnh vực kiểm soát và phòng chống ung thư.