Diệt bọ gậy đúng cách để tránh phát sinh các ổ sốt xuất huyết mới

Sức khỏe - Ngày đăng : 10:24, 21/08/2017

Đã có những cách thức thực hiện chưa đúng trong việc phun hóa chất diệt muỗi nên công tác phòng chống dịch của ngành y tế vẫn chưa hiệu quả, trong đó nổi lên nghi vấn muỗi Ades truyền bệnh đã kháng lại hóa chất diệt muỗi đang sử dụng.

Rút kinh nghiệm việc phun hóa chất

Tại cuộc làm việc với lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội về công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết sau buổi thị sát của Bộ trưởng Bộ Y tế, PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) đề nghị Hà Nội họp chấn chỉnh các đội xung kích diệt bọ gậy, vì trên thực tế vẫn phát hiện thấy bọ gậy. Theo thống kê của ngành y tế Hà Nội, đến thời điểm này, Hà Nội đã có trên 18.000 ca mắc SXH, 7 trường hợp tử vong.

Diệt bọ gậy đúng cách để tránh phát sinh các ổ sốt xuất huyết mới

Phun hóa chất diệt muỗi ở Hà Nội

Các chuyên gia cho rằng, đã có những cách thức thực hiện chưa đúng trong việc phun hóa chất diệt muỗi nên công tác phòng chống dịch của ngành y tế vẫn chưa hiệu quả, trong đó nổi lên nghi vấn muỗi Ades truyền bệnh đã kháng lại hóa chất diệt muỗi đang sử dụng.

Đó là việc phun hóa chất không đúng giờ, pha hóa chất không đúng cách, phun không đúng mục tiêu, phun qua loa cho xong việc và trước khi phun không tiến hành diệt lăng quăng, giảm mật độ lăng quăng tại khu vực phun.

Đáng lưu ý là mặc dù là điểm nóng của dịch SXH, nhưng nhiều người dân vẫn không hợp tác trong việc phòng, chống dịch. Nhiều gia đình khi đội phun thuốc diệt muỗi đến thì chỉ cho phun ở bên ngoài chứ không cho vào trong nhà, hay chỉ cho phun ở tầng một, không cho phun cả nhà. Thậm chí, có gia đình còn từ chối cho phun thuốc với lý do gia đình không có muỗi, không có bọ gậy.

Trong tuần này, Sở Y tế sẽ triệu tập cuộc họp với Giám đốc Trung tâm y tế các quận huyện để rút kinh nghiệm về việc phun hóa chất diệt muỗi vì vẫn còn tình trạng phun hóa chất mà không mở cửa lớp học và nhà dân. Đồng thời chấn chỉnh hoạt động của các đội xung kích diệt bọ gậy, quyết tâm hạ hỏa dịch SXH trên địa bàn.

Hiện 12 quận, huyện của Hà Nội vẫn ở trong mức báo động đỏ về SXH. Một số quận, huyện vẫn là điểm nóng với số ca mắc cao như  Đống Đa, Hoàng Mai, Hà Đông, Thanh Xuân... tập trung đến 90% bệnh nhân toàn thành phố.

Diệt bọ gậy, muỗi truyền bệnh thế nào cho hiệu quả?

Bọ gậy muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết Aedes aegypti và Aedes albopictus có thể phát triển ở các dụng cụ chứa nước trong nhà và chung quanh nhà. Vì vậy, xử lý dụng cụ chứa nước để làm giảm nguồn sinh sản của muỗi là biện pháp đơn giản và hiệu quả trong phòng chống muỗi truyền bệnh. Xử lý dụng cụ chứa nước sinh hoạt như chum, vại, bể nước ngoài trời, chậu cây cảnh... bằng cách dùng các biện pháp ngăn ngừa muỗi sinh sản với nắp đậy kín, thả cá ăn bọ gậy...

Diệt bọ gậy đúng cách để tránh phát sinh các ổ sốt xuất huyết mới

Diệt bọ gậy ở các dụng cụ chứa nước để phòng chống sốt xuất huyết.

Đồng thời lật úp các dụng cụ sử dụng trong gia đình như xô, chậu, bát, máng ăn gia cầm... Loại trừ ổ bọ gậy muỗi ở các bẫy kiến, lọ hoa, chậu cây cảnh, khay nước tủ lạnh hoặc điều hòa nhiệt độ... bằng cách đổ dầu hoặc cho muối vào, thay nước mỗi tuần một lần, cọ rửa thành dụng cụ chứa nước để diệt trứng muỗi truyền bệnh.

Ngoài ra, cần thu dọn, phá hủy các ổ chứa nước tự nhiên hoặc nhân tạo như chai lọ, lu vò bị vỡ; vỏ đồ hộp, lốp xe hỏng, vỏ dừa... bằng cách cho vào các túi chứa rồi chuyển tới nơi thu gom đồ phế thải của địa phương hoặc hủy bỏ bằng cách chôn, đốt. Các hốc chứa nước tự nhiên như hốc cây, kẽ lá, gốc tre nứa... phải được loại bỏ, lấp kín, chọc thủng hoặc làm biến đổi để nước không đọng lại tạo điều kiện sinh sản cho muỗi. Có thể sử dụng các loại hóa chất diệt ấu trùng muỗi tại các ổ nước đọng như hố ga ngăn mùi, bể chậu cây cảnh, lọ hoa...

Trước diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng yêu cầu thành phố tập trung phun thuốc diệt muỗi trên diện rộng, ở các chợ, phòng khám đa khoa, bệnh viện, rạp chiếu phim, nơi công cộng tập trung đông người trên địa bàn, đồng thời, tiếp tục tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức phòng chống dịch, loại bỏ các tác nhân chứa lăng quăng, bọ gậy thì việc phòng chống dịch mới hiệu quả.

Việc phun thuốc cần phải hoàn thành trước khi năm học mới bắt đầu, nếu không kiểm soát kịp thời, dịch bùng phát ở trường học là điều có thể xảy ra. Chợ là nơi đông người lui tới, nên phải tiến hành phun thường xuyên.

“Riêng ngành y tế và các ngành vào cuộc mà người dân không hợp tác thì khó khống chế được dịch SXH.”- Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

 

 

Thảo Nguyên