Trẻ bị sốt xuất huyết: Hiểu để xử trí đúng cách

Sức khỏe - Ngày đăng : 10:27, 28/07/2017

Các triệu chứng sốt xuất huyết (SXH) ở trẻ em rất dễ bị nhầm lẫn với các bệnh cảm thông thường khác. Nếu cha mẹ không phát hiện sớm, bé sẽ có nguy cơ bị tử vong.

Bệnh SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do virus Dengue gây ra và muỗi vằn Aedes Aegypti là trung gian truyền bệnh. Muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus sau đó sang đốt người lành và mang bệnh.

Thống kê từ Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận gần 60.000 ca SXH, 17 người tử vong. So với cùng kỳ năm ngoái, số bệnh nhân nhập viện tăng gần 13%, số tử vong tăng 3 người. SXH ở trẻ em cũng tăng nhanh trong thời điểm này.

Biểu hiện của bệnh SXH ở trẻ

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Nguyên Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho biết, trước diễn biến thời tiết hiện nay, ngoài các bệnh về hô hấp, tay chân miệng…, trẻ mắc SXH đang có chiều hướng tăng.

Theo PGS.TS Dũng, trong giai đoạn đầu khởi bệnh, trẻ thường có các triệu chứng dễ nhầm lẫn với sốt phát ban, sốt siêu vi, tay chân miệng… nên phụ huynh cần theo dõi chặt chẽ các biểu hiện bệnh của trẻ để có hướng chăm sóc thích hợp cũng như đưa trẻ đến khám cơ sở y tế kịp thời.

Trẻ bị sốt xuất huyết: Hiểu để xử trí đúng cách

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Nguyên Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai)

Ở trẻ nhũ nhi, bệnh diễn tiến bằng biểu hiện sốt cao, có khi kèm theo triệu chứng hô hấp như ho, sổ mũi, hắt hơi hoặc triệu chứng tiêu hóa như tiêu chảy, nôn ói, dễ nhầm với bệnh lý đường hô hấp hay đường tiêu hóa.

Với những trẻ lớn thường có các dấu hiệu là trẻ đang chơi khỏe mạnh thì đột ngột sốt cao, uống thuốc sốt có bớt nhưng sau đó sốt trở lại. Thông thường 2 ngày đầu trẻ có thể kèm theo một số triệu chứng như đau đầu, biếng ăn, mệt mỏi, nhức mỏi cơ giống như cảm cúm, sau đó có thể có một số dấu hiệu như biểu hiện xuất huyết ở da, chảy máu mũi hoặc chảy máu răng, ói ra máu, đi tiêu phân đen…

Với những ca SXH nặng ở trẻ em sẽ có các triệu chứng như đau bụng vùng hạ sườn phải, trẻ nôn nhiều, kích thích vật vã, chảy máu niêm mạc mũi, răng, lợi nhiều, có đi ngoài ra máu…

PGS.TS Dũng cảnh báo, cần đặc biệt chú ý bệnh SXH trên cơ địa trẻ béo phì, trẻ dưới 1 tuổi hoặc bệnh SXH ở người già, phụ nữ có thai, người có bệnh mạn tính khác như: Bệnh tim mạch, bệnh gan… Với những đối tượng này bệnh rất dễ nặng lên nhanh chóng.

Chăm sóc trẻ SXH

PGS.TS Dũng cho hay, khi sốt trẻ dễ bị mất nước, cùng với triệu chứng mệt mỏi, kém ăn, kém uống làm cho trẻ dễ thiếu nước thêm, vì vậy nên chú ý cho trẻ uống thật nhiều nước. Lượng nước dùng đối với trẻ dưới 5 tuổi khoảng 500-1.500ml trong ngày, trẻ trên 5 tuổi khoảng 2.000 đến 2.500ml trong ngày. Tất cả các loại nước mà trẻ thích đều dùng được như nước cam, nước dừa, nước chanh, nước suối, nước sôi để nguội. Nên thay đổi các loại nước khác nhau để trẻ không thấy chán.

Cho trẻ ăn lỏng, dễ tiêu như cơm nhão, cháo, súp. Tránh ăn những thức ăn quá nhiều dầu mỡ trẻ sẽ thấy đầy bụng khó tiêu. Không ăn huyết heo, huyết vịt vì trẻ sẽ đi tiêu phân có màu đen, dễ lầm tưởng bị xuất huyết tiêu hoá.

Trẻ bị sốt xuất huyết: Hiểu để xử trí đúng cách

Trẻ mắc SXH đến khám tại BV Bạch Mai

PGSTS Dũng cũng cho biết, theo khuyến cáo mới của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), với bệnh nhi mắc SXH nhẹ, đơn thuần với các triệu chứng như nổi ban, đi ngoài… có thể dùng thuốc hạ sốt paracetamol, uống oresol ngay từ đầu. 

Cha mẹ có thể theo dõi, điều trị tại nhà theo tư vấn của bác sĩ, nhưng đặc biệt lưu ý không được dùng ibuprofen khi con bị SXH dễ khiến tình trạng bệnh thêm trầm trọng. Tuyệt đối không cho bệnh nhân uống các loại thuốc khác hoặc cạo gió theo phương pháp dân gian gây biến chứng khó lường. Nếu nhận thấy có bất kỳ dấu hiệu xuất huyết nào hoặc diễn biến nặng hơn (li bì, bứt rứt, vật vã, chân tay lạnh, đau bụng, nôn nhiều) cần đưa đến bệnh viện ngay.

Theo các chuyên gia, SXH là bệnh nguy hiểm, có diễn biến cấp tính, đặc biệt là có thể dẫn tới trụy tim mạch và tử vong. "Nhiều trường hợp tử vong do SXH ở các bệnh viện theo ghi nhận của ngành y tế thì chủ yếu là do đến bệnh viện muộn, người dân khi bị SXH thì chủ quan, lơ là, tự mua thuốc về nhà điều trị, tự mời bác sĩ tư đến nhà truyền dịch và không có sự theo dõi của cơ quan y tế. Khi quá nặng mới đưa đến bệnh viện thì việc cứu chữa sẽ rất khó khăn", PGS Dũng lưu ý.

Phòng SXH cho trẻ

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết: "Bệnh xuất huyết nguy hiểm, hiện chưa có vắc xin phòng ngừa SXH. Do đó, để phòng bệnh cần nâng cao sức đề kháng cho cơ thể và thường xuyên dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, giữ gìn vệ sinh các nhân và nên nhớ cần phát quang nơi đọng nước tránh muỗi lập ổ sinh sản.

PGS.TS Dũng cũng tư vấn về cách phòng bệnh SXH đối với trẻ em (đối tượng dễ mắc bệnh) nên mặc quần áo dài tay khi thời tiết thay đổi thất thường nhất là những ngày mưa, ngủ mắc màn cả ban đêm lẫn ban ngày. Không để trẻ ở những nơi thiếu ánh sáng, ẩm thấp, đặc biệt là những nơi gần bể nước, cống nước ô nhiễm. Có thể phun hóa chất diệt muỗi, tuy nhiên, cần chọn những hóa chất đảm bảo cho sức khỏe.

Thông điệp phòng ngừa bệnh SXH từ Bộ Y tế:

Việt Nam đã thành công trong việc kiểm soát tỷ lệ tử vong do bệnh SXH Dengue. Từ năm 2005 đến nay, tỷ lệ tử vong do bệnh SXH Dengue là dưới 1/1.000 trường hợp. Tuy nhiên, kết quả phòng chống để giảm số trường hợp mắc SXH cũng còn hạn chế, đặc biệt chu kỳ bệnh SXH thường từ 3 - 5 năm.

Thông điệp phòng chống bệnh SXH được khuyến cáo như sau:

- Mọi gia đình hãy đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng nhằm ngăn chặn bệnh SXH.

- Hãy thả cá vào các lu, chum, vại, bể chứa nước để diệt bọ gậy (lăng quăng), phòng chống SXH.

- Lật úp các dụng cụ chứa nước và loại bỏ các vật liệu phế thải để loại trừ bọ gậy, phòng chống SXH.

 

Thảo Nguyên