Bác sĩ nhi chỉ ra sai lầm cha mẹ thường mắc khi chăm trẻ sốt cao

Sức khỏe - Ngày đăng : 04:41, 05/07/2017

Theo nguyên Trưởng khoa Nhi BV Bạch Mai, khi thấy con bị sốt, cha mẹ Việt Nam thường có những thói quen như dùng miếng dán hạ sốt, đóng kín cửa, chườm lạnh… Tuy nhiên, thế giới đã chứng minh những biện pháp đó không có tác dụng.

Những ngày nắng nóng vừa qua trẻ em bị các bệnh lý viêm đường hô hấp vào khoa khám vẫn đông, duy trì ở mức trên 40% trong tổng số trẻ đến khám. Đặc biệt, nhiều trường hợp sốt cao vì nắng nóng, mất nước, lại ở trong môi trường bức bối, ngột ngạt... nên sốt càng cao hơn.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – Nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, sốt cao thường mới chỉ là triệu chứng chứ chưa hẳn là bệnh. Vì sốt là phản ứng tốt của cơ thể trẻ nhỏ khi không may bị vi trùng thâm nhập.

Bác sĩ nhi chỉ ra sai lầm cha mẹ thường mắc khi chăm trẻ sốt cao

PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng – Nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai)

"Nếu sốt đó không làm cho em bé chán ăn, không ảnh hưởng đến sinh hoạt của cơ thể, không làm cho trẻ khó chịu  thì người ta không trị sốt mà để nguyên, phần lớn các bệnh nhiễm trùng lại nhanh khỏi", TS Dũng giải thích.

Dưới đây, TS Dũng liệt kê những sai lầm vô cùng phổ biến của các bà mẹ Việt khi chăm con sốt và cách hạ sốt đúng cách.

Dùng miếng dán thay thuốc hạ sốt

PGS Dũng cho biết, ông đã gặp rất nhiều trường hợp trẻ sốt nặng, biến chứng vì cha mẹ cho con dán miếng hạ sốt mà không cho các cháu uống thuốc hạ sốt ngay. Nhiều bậc phu huynh còn cho miếng dán vào ngăn mát rồi dán vào trán cho trẻ. Cơ chế hạ nhiệt của miếng dán được quảng cáo là hấp thu nhiệt và phân tán ra ngoài nhưng thực tế chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh tác dụng của phương pháp này.

Bên cạnh đó, khi dùng miếng dán che bít kín cả vùng da ở trán trong vòng từ 6 - 8 tiếng đồng hồ có thể khiến vùng da bị mẩn ngứa, mà đáng nhẽ vùng da đó luôn luôn phải được thông thoáng.

Chườm lạnh

Thay vì dùng khăn ấm lau người cho trẻ, chườm lạnh là biện pháp hầu như bố mẹ nào cũng áp dụng khi con sốt nhưng thực chất biện pháp này không có tác dụng mà còn gây hại.

Theo PGS Dũng, khi trẻ sốt bố mẹ thường không hiểu rõ căn nguyên từ đâu, nếu sốt do nhiễm khuẩn, viêm phổi, chườm lạnh sẽ làm bệnh trầm trọng thêm. Đặc biệt, bố mẹ tuyệt đối không dùng đá chườm vì có thể gây bỏng lạnh, khiến trẻ bị suy hô hấp.

Đắp khăn lạnh, tắm lạnh hay chườm lạnh chỉ được thực hiện trong trường hợp say nóng, say nắng. Tuy nhiên, vị chuyên gia này không khuyến khích vì hiệu quả rất thấp.

Bác sĩ nhi chỉ ra sai lầm cha mẹ thường mắc khi chăm trẻ sốt cao

Khám cho trẻ ở Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai.

Dùng tay để xác định nhiệt độ của con

Nhiều bậc phụ huynh có thói quen dùng tay để xác định nhiệt độ của con. Tuy nhiên, BS Dũng khuyến cáo cách xác định thân nhiệt cho trẻ bằng cảm quan như vậy sẽ không chính xác.

Cha mẹ phải dùng nhiệt kế để kiểm tra nhiệt độ cho trẻ. Dụng cụ có thể sử dụng là nhiệt kế thủy ngân và nhiệt kế điện tử để đo nách, đo tai, đo trán/thái dương. Tuy nhiên, hiện nay không nên sử dụng nhiệt kế thuỷ ngân vì không an toàn. Thủy ngân rất độc, nếu nhiệt kế bị vỡ sẽ gây nhiều nguy hiểm đến sức khỏe, đặc biệt là trong trường hợp trẻ nuốt phải.

Ngoài ra, cũng không nên sử dụng loại nhiệt kế điện tử dán trán vì không chính xác. Nhiệt kế điện tử đo tai cũng thường không chính xác cho trẻ dưới 3 tháng tuổi.

Uống thuốc hạ sốt

Nhiều ông bố mà mẹ đều có chung tâm lý là phải hạ sốt thật nhanh cho con bằng mọi cách như uống thuốc, đặt thuốc ở hậu môn, dùng thuốc kết hợp. Bác sĩ Dũng nhấn mạnh: “Cha mẹ không cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi nhiệt độ dưới 38,5 độ C. Cũng không cho trẻ uống thuốc co giật sớm, điều này sẽ làm khó cho bác sĩ khi thăm khám”.

Ở trẻ, thân nhiệt ở miệng từ 37,5 độ C trở lên, ở nách từ 37,2 độ C tức là bé đang sốt, song không phải trường hợp nào cũng cần dùng đến thuốc hạ sốt. Khi sốt nhẹ, thân nhiệt trẻ ở mức 37,5-38,5 độ C, chỉ cần cởi bớt quần áo, cho bé uống nhiều nước, hoặc bú mẹ nhiều hơn.

PGS. Dũng thông tin, khi đo được 38, 5 độ trở lên, nên 2 loại thuốc là Pracetamol hoặc Ibubrofen. Theo các nghiên cứu khoa học, Ibuprofen có tác dụng hạ sốt nhanh hơn, kéo dài hơn Paracetamol.

Tuy vậy, PGS. Dũng khuyến cáo cha mẹ không nên cho con uống xen kẽ 2 loại thuốc này, bởi liều lượng của 2 loại thuốc khác nhau. Ngoài ra, nếu xảy ra ngộ độc có thể khiến bác sĩ khó xác định nguyên nhân do loại thuốc nào.

Đóng kín cửa

PGS. Dũng khuyến cáo, khi trẻ sốt cha mẹ tuyệt đối không được đắp chăn, không đóng kín cửa, có thể khiến bệnh càng nặng thêm. Hãy mở cửa, bật quạt cho thông gió, để không khí trong nhà lưu thông. Với cách này chỉ một lúc sau người bệnh sẽ hết cảm giác rét, cơ thể dần ấm lên.

Ăn kiêng

PGS.Dũng khuyến cáo chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ trong và sau khi bị ốm rất quan trọng vì nó sẽ làm cho bệnh mau khỏi, mau phục hồi sức khỏe và tăng cường sức đề kháng đối với bệnh tật.

Đặc biệt, trường hợp sốt mất nước, không được bù nước (uống nước Oresol) và ăn uống thiếu chất, trẻ dễ bị nguy cơ suy dinh dưỡng, sức đề kháng yếu, lâu lành bệnh.

Thảo Nguyên