Nguồn lực dự trữ quốc gia chỉ nên sử dụng trong trường hợp nghiêm trọng, cấp bách

Chính trị - Ngày đăng : 22:41, 15/08/2012

Sáng 15-8, UBTVQH thảo luận, cho ý kiến về 2 dự án Luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Quản lý thuế và dự án Luật Dự trữ quốc gia. Cả hai dự án Luật đều đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII.

Tại phiên họp, UBTVQH tập trung thảo luận về 3 nội dung có ý kiến khác nhau về Luật sửa đổi, bổ sung 1 số điều Luật Quản lý thuế, đó là: trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế trong giải quyết hồ sơ hoàn thuế; thẩm quyền của Quốc hội, UBTVQH trong việc quyết định gia hạn nộp thuế; hiệu lực thi hành của Luật.

Về trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế trong giải quyết hồ sơ hoàn thuế (Điều 60), có ý kiến đề nghị quy định: Mọi trường hợp hoàn thuế theo phương thức “hoàn trước, kiểm sau” phải được kiểm tra trong thời hạn 1 năm hoặc không quá 6 tháng. Đối với những trường hợp rủi ro cao phải kiểm tra trong thời hạn 3 tháng để bảo đảm hiệu quả quản lý thuế.

Nguồn lực dự trữ quốc gia chỉ nên sử dụng trong trường hợp nghiêm trọng, cấp bách

Gạo trong kho dự trữ quốc gia được mang ra cứu đói đồng bào gặp thiên tai, lũ lụt. Nguồn: Internet

Thường trực Ủy ban Tài chính-ngân sách có quan điểm cho rằng công tác quản lý thuế nói chung, kiểm soát hoàn thuế nói riêng được thực hiện theo nguyên tắc giao cho doanh nghiệp tự giác trong kê khai thuế, lập hồ sơ hoàn thuế, vì vậy về nguyên tắc, nhất thiết phải gắn liền với cơ chế hậu kiểm, tăng cường công tác kiểm tra nhằm bảo đảm hiệu lực thực tế của công tác quản lý thuế.

Về việc kiểm tra hồ sơ hoàn thuế (trong trường hợp hoàn thuế trước, kiểm tra sau), Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cho biết cơ quan thuế sẽ thực hiện phân loại, những đối tượng rủi ro cao sẽ kiểm tra trước, hoàn thuế sau. Chỉ những doanh nghiệp tuân thủ pháp luật về thuế, đạt tín nhiệm cao mới được hoàn thuế trước. Cơ quan quản lý không kiểm tra toàn bộ hồ sơ hoàn thuế mà chỉ chọn một số trường hợp để kiểm tra. Tuy nhiên, để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, chặt chẽ trong công tác quản lý thuế đồng thời cũng bảo đảm tính khả thi trong tổ chức thực hiện, Thường trực Ủy ban Tài chính - ngân sách là cơ quan tiến hành thẩm tra dự án Luật đề nghị quy định chặt chẽ hơn.

Đối với hiệu lực thi hành của Luật, đa số ý kiến tán thành với phương án Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2013 nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn. Cơ quan soạn thảo đề nghị giữ nguyên thời điểm luật có hiệu lực thi hành như quy định của Dự thảo luật (1-1-2014) vì cho rằng, Luật Quản lý thuế là Luật hướng dẫn hành thu, cần thiết phải có thời gian để triển khai xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành; xây dựng cơ sở hạ tầng truyền thông để thực hiện quản lý thuế điện tử;...

Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ việc xây dựng pháp luật về thuế phải cân bằng giữa hai mục tiêu là tạo điều kiện thuận lợi cho người đóng thuế và cơ quan thu thuế; đồng thời tăng cường kiểm soát, hạn chế gian lận về thuế. Đơn giản, minh bạch sẽ tránh tiêu cực trong quản lý thuế - Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Tại phiên họp, UBTVQH thảo luận về dự án Luật Dự trữ quốc gia. Các ý kiến thảo luận tập trung vào một số nội dung còn có ý kiến khác nhau về mục tiêu của dự trữ quốc gia; ngân sách nhà nước chi cho dự trữ quốc gia; thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan...

Thảo luận về mục tiêu của dự trữ quốc gia (Điều 1), nhiều ý kiến cho rằng, mục tiêu trong Dự thảo luật là quá rộng, chưa phù hợp với bản chất của dự trữ quốc gia, đề nghị chỉ tập trung vào mục tiêu phòng, chống và khắc phục những bất trắc, hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh. Theo đó, nguồn lực dự trữ quốc gia chỉ được sử dụng trong trường hợp đột xuất, cấp bách, bất khả kháng, ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế, đời sống, an sinh xã hội trên phạm vi rộng mang tính vùng, miền, toàn quốc và quốc phòng, an ninh quốc gia. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cần cân nhắc đề xuất của cơ quan soạn thảo đề nghị giữ quy định mục tiêu “tham gia bình ổn thị trường và góp phần bảo đảm an sinh xã hội“ trong một số trường hợp cụ thể.

Xung quanh nội dung quy định ngân sách nhà nước chi cho dự trữ quốc gia, khoản 1 Điều 24 quy định: "Chi cho tăng dự trữ quốc gia và mua bù hàng dự trữ quốc gia đã xuất trong năm kế hoạch thuộc nhiệm vụ chi thường xuyên của ngân sách nhà nước", nhiều ý kiến tán thành với quan điểm của cơ quan thẩm tra cho rằng, trước mắt nên giữ như quy định hiện hành vì xét về bản chất, chi cho dự trữ quốc gia có đặc thù riêng và không hẳn là chi thường xuyên. Do đó, nếu quy định trong luật chi dự trữ quốc gia là chi thường xuyên sẽ không hợp lý. Hơn nữa, Luật ngân sách Nhà nước đang trong quá trình soạn thảo và dự kiến trình Quốc hội trong nhiệm kỳ này. Do vậy, nên chỉnh sửa nội dung này cùng với quá trình sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước, theo đó sẽ quy định thành một mục riêng trong chi ngân sách Nhà nước, như vậy sẽ bảo đảm tính chuẩn xác và phù hợp với đặc thù của dự trữ quốc gia...

Q. Hoa

(TH)