Những thói quen khó bỏ của người Việt dễ gây điếc tai
Sức khỏe - Ngày đăng : 11:10, 21/10/2016
Hút thuốc lá
Lâu nay người ta vẫn chỉ biết đến thuốc lá là tác nhân gây ra nhiều bệnh nguy hiểm cho như: Ung thư, tim mạch, viêm phổi… Nhưng rất ít người biết thuốc lá cũng là một trong những nguyên nhân gây giảm khả năng thính giác. Theo nghiên cứu của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ, hút thuốc lá tăng nguy cơ mất thính lực khi về già đến 1,3 lần so với người không hút thuốc. Mặc dù có rất nhiều tác hại đối với sức khỏe nhưng việc bỏ thuốc lá là không dễ dàng. Đáng báo động hơn hiện nay tỷ lệ người hút thuốc lá có xu hướng gia tăng đặc biệt là ở nữ giới và trẻ hóa về độ tuổi.
Uống nhiều rượu
Rượu không chỉ gây nghiện, tác động có hại đến hệ thần kinh trung ương mà còn làm hại thính giác bởi lượng rượu trong máu sẽ làm tổn thương các tế bào thính giác ở vùng ốc tai. Không chỉ có vậy, rượu là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do tai nạn giao thông. Ngoài ra, khi uống quá nhiều rượu sẽ gây ra hàng loạt các nguy cơ bệnh tật khác.
Nghe nhạc quá to
Một thực tế đang diễn ra hiện nay là các bạn trẻ có xu hướng đeo headphone khi nghe nhạc. Việc thường xuyên đeo headphone quá lâu và mở to sẽ gây tổn thương cho tai. Theo Viện Quốc gia về chứng điếc của Mỹ, khoảng 15% người Mỹ trong độ tuổi 20-69 gặp vấn đề về thính giác do tiếp xúc với âm thanh quá lớn.
Sử dụng bông ngoáy tai
Sử dụng bông ngoáy tai là thói quen lâu nay của người Việt. Việc lấy ráy ra khỏi tai khiến bạn dễ chịu tức thời, nhưng nhiều người không hề biết khi lấy hết ráy tai bụi bẩn và vi khuẩn có khả năng xâm nhập vào tai và gây bệnh. Chính vì vậy, ngay từ bây giờ hãy dừng ngay thói quen sử dụng bông ngoáy tai.
Dùng tay và các vật dụng cứng để ngoáy tai
Thói quen này gây nhiều nguy hại hơn bạn tưởng bởi móng tay chứa nhiều vi khuẩn gây nhiễm trùng. Hoặc khi sử dụng các vật cứng ngoáy tai, chúng có thể gây xước tai và đây chính là cơ hội để vi khuẩn tấn công tai của bạn.
Lười vận động
Tiểu đường, một trong những căn bệnh hay gặp khi lười vận động, có thể dẫn đến mất thính giác bởi lượng đường huyết cao gây tổn thương các mạch máu và dây thần kinh liên quan đến tai.
Lười khám tai
Hầu hết mọi người rất lười khám tai hoặc ngay cả khi tai có vấn đề thì mọi người cũng rất dễ bỏ qua các triệu chứng. Nhưng trên thực tế, đau tai còn cảnh báo vấn đề ở các bộ phận khác như hàm, răng và cổ họng vì chúng đều có liên hệ với dây thần kinh ở tai. Các bác sĩ khuyên nên khám tai thường xuyên để phát hiện sớm những bất thường.