Đề nghị công khai thông tin các đơn vị nhập khẩu chất tạo nạc
Sức khỏe - Ngày đăng : 10:43, 26/08/2016
Salbutamol là là chất tạo nạc đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấm sử dụng trong chăn nuôi theo Thông tư số 28/2014/TT-BNNPTNT ngày 4/9/2014 ban hành danh mục hóa chất, kháng sinh cấm nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng trong thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm tại Việt Nam. Ngoài ra, thường xuyên phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan kiểm tra, giám sát việc sử dụng trong sản xuất thuốc có chứa Salbutamol.
Để quản lý, giám sát việc sử sụng chất Salbutamol đúng mục đích, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị Bộ Y tế công khai thông tin về các đơn vị được phép nhập khẩu chất tạo nạc (Salbutamol) . Đồng thời giám sát chặt chẽ việc nhập khẩu và quản lý nghiêm ngặt việc sử dụng Salbutamol theo tinh thần quản lý kiểm soát đặc biệt. Ngoài ra, thường xuyên phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan kiểm tra, giám sát việc sử dụng trong sản xuất thuốc có chứa Salbutamol.
Theo thông tin từ Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), trên cơ sở đề nghị của các cơ sở sản xuất, cân đối giữa lượng nguyên liệu Salbutamol còn tồn tại, căn cứ nhu cầu điều trị bệnh của người dân, Cục đã cấp phép cho 2 đơn vị nhập khẩu lượng tối thiểu nguyên liệu Salbutamol đáp ứng nhu cầu điều trị trước mắt cho người dân. Đó là Công ty CP Dược Vacopharm và Công ty CP Dược phẩm T.Ư I – Pharbaco để sản xuất thuốc cung cấp cho các bệnh viện. Mỗi công ty được phép nhập khẩu 50kg. Đồng thời, giao Sở Y tế tại địa bàn giám sát, kiểm tra việc nhập khẩu, sử dụng nguyên liệu của 2 đơn vị này.
Việc cho phép nhập khẩu trở lại nguyên liệu Salbutamol thời điểm này là do các doanh nghiệp sản xuất thuốc, buôn bán nguyên liệu làm thuốc đã nghiêm túc thực hiện, đáp ứng đúng các quy định về sản xuất, kinh doanh nguyên liệu Salbutamol. Đặc biệt, nhiều cơ sở khám, chữa bệnh hiện nay thiếu Salbutamol để điều trị và tổ chức đấu thầu.
Thời gian trước đây, Bộ Y tế đã tham mưu đưa nguyên liệu làm thuốc Salbutamol (cùng các hoạt chất sử dụng làm thuốc nhưng bị cấm sử dụng trong các ngành khác) vào danh mục nguyên liệu làm thuốc phải kiểm soát đặc biệt quy định tại Luật Dược 2016. Luật này đã được Quốc hội thông qua vào tháng 4/2016 và có hiệu lực từ 1/1/2017.