Rửa lòng chó bằng nước rửa bát có gây ung thư?

Sức khỏe - Ngày đăng : 14:23, 13/05/2016

Rửa lòng chó bằng nước rửa bát có gây ung thư không? Có nên sử dụng thực phẩm hết hạn sử dụng?...là những câu hỏi độc giả gửi tới buổi tư vấn truyền hình trực tuyến với chủ đề: “Giữ sức khoẻ trước cơn bão Thực phẩm bẩn” do Báo Sức khỏe và Đời sống tổ chức

Rửa lòng chó bằng nước rửa bát có gây ung thư?

Nhằm cung cấp cho bạn đọc kiến thức và giải đáp những thắc mắc liên quan đến cách nhận biết thực phẩm bẩn cũng như cách phòng và bảo vệ sức khỏe trước vấn nạn thực phẩm ô nhiễm... Báo điện tử Sức khỏe và Đời sống đã tổ chức buổi tư vấn truyền hình trực tuyến với chủ đề: “Giữ sức khoẻ trước cơn bão Thực phẩm bẩn” vào sáng nay (13/5). 

Buổi tư vấn có sự tham gia của GS.TS Phạm Duệ, Bác sĩ cao cấp đến từ Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai; PGS. TS Trần Văn Thuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện K, Viện trưởng Nghiên cứu phòng, chống ung thư, Chủ tịch Hội thầy thuốc trẻ; Ths. BS. Lê Thị Hải, Nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia.

Tại buổi tư vấn một bạn đọc đặt câu hỏi: Khu nhà tôi có nhà bán thịt chó, khi làm lòng họ lấy nước rửa bát hoặc lấy nước rửa tay để rửa lòng trước khi đem nhồi. Vậy xin hỏi, như thế có đủ gây nguy hại cho sức khỏe không, có gây ung thư không?

Rửa lòng chó bằng nước rửa bát có gây ung thư?

PGS. TS Trần Văn Thuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện K, Viện trưởng Nghiên cứu phòng, chống ung thư, Chủ tịch Hội thầy thuốc trẻ

PGS. TS Trần Văn Thuấn: Trước hết để biết hoá chất đó có gây ung thư hay không chúng ta cần biết, đó là hoá chất gì. Nhưng theo tôi, về nguyên lý dự phòng trước khi chúng ta chứng minh được chất nào đó vô hại thì không nên sử dụng hoá chất đó. Tôi cho rằng không nên chế biến thực phẩm như vậy.

Bạn Minh Hương ở Bắc Ninh thắc mắc: Khi chế biến thực phẩm cần phải rửa tay bằng xà phòng. Nếu tay chưa sạch mà tiếp xúc trực tiếp có gây ngộ độc không ạ? Ảnh hưởng như thế nào?

Rửa lòng chó bằng nước rửa bát có gây ung thư?

Ths. BS. Lê Thị Hải, Nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia

Ths. BS. Lê Thị Hải: Việc rửa tay là rất quan trọng. Tuy nhiên, việc rửa tay đúng cách còn quan trọng hơn. Phải rửa bằng xà phòng và quy trình rửa phải rất kỹ. Tôi từng được chứng kiến rất nhiều bà nội trợ không rửa tay, hoặc có rửa tay xong sau đó lại không lau tay bằng khăn sạch, mà lại chùi ra áo hoặc quần, do đó lại bị nhiễm khuẩn lại. Do đó chúng ta phải lưu ý việc rửa tay cho đúng cách và giữ sạch cho đôi tay.

Độc giả có địa chỉ Email nguyentribaovanphuc@gmail.com nêu vấn đề: Bác sĩ cho cháu hỏi, cháu quanh năm ăn cơm bụi vào buổi trưa, chắc chắn là rất bẩn rồi, bác sĩ cho cháu biết cách lựa chọn đồ ăn ở quán cơm bụi cho hạn chế việc ăn phải thực phẩm bẩn hoặc là có loại thuốc gì uống để thải độc ra không ạ?

Rửa lòng chó bằng nước rửa bát có gây ung thư?

GS.TS Phạm Duệ, Bác sĩ cao cấp đến từ Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai

PGS.TS Phạm Duệ: Về điểm này thì tôi thường học tập Bác Hồ, tức là đến nhà hàng nào thì tôi sẽ vào thẳng trong khu chế biến đồ ăn. Tôi khuyên rằng chúng ta nên lựa chọn những nhà hàng hoặc quán cơm bình dân có cảm quan sạch sẽ, khu chế biến bảo đảm an toàn.

Theo kinh nghiệm của bản thân tôi khi vào ăn ở các quán bình dân thì tôi thường lựa chọn các món luộc như thịt luộc, rau luộc, trứng luộc, đậu luộc… Còn về câu hỏi của bạn có loại thuốc thải độc nào không, khi bạn đã ăn cơm ở các quán ăn bình dân hoặc cơm bụi mà bạn vẫn ăn mà bị các triệu chứng ngộ độc như đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, sốt… mà bạn nghi ngờ là do thực phẩm nhiễm độc thì biện pháp đầu tiên bạn nên làm là uống một ngụm nước to, vào nhà vệ sinh móc họng ra để gây nôn.

Thứ hai, chuyên môn hơn là ở nhà nên có sẵn một ít than hoạt (than có hoạt tính hấp phụ cao) để khi chúng ta không nôn được thì uống một liều than hoạt. Hiện, Việt Nam đã sản xuất được than hoạt đóng trong lọ dạng nhũ tương, có liều lượng và hướng dẫn cách sử dụng trên đó.

Khi chúng ta chẳng may ăn phải thực phẩm bẩn hoặc uống nhầm thuốc mà không thể nôn ra được thì chúng ta uống một liều than hoạt cũng giải quyết được ngộ độc thuốc mà chúng ta uống nhầm.

Ths. BS. Lê Thị Hải: Tôi cũng đồng quan điểm với BS. Duệ là tôi cũng sử dụng nhiều món luộc, vì các món mỡ như ở các quán ăn vì lợi nhuận họ rất có thể dùng mỡ “bẩn”, ngoài ra kinh nghiệm của BS. Duệ khi đi ăn ở các quán ăn thì vào thẳng khu chế biến để kiểm tra cũng là một cách hay giúp giảm nguy cơ ngộ độc.

Một độc giả gọi điện đến buổi tư vấn đặt câu hỏi: Kính thưa bác sĩ Thuấn, rất nhiều lần tôi mua thực phẩm đóng sẵn thấy hạn sử dụng bị mờ, tôi nghi ngờ hết hạn sử dụng nhưng tiếc nên vẫn ăn. Vậy xin bác sĩ có thể cho biết thực phẩm quá hạn đóng gói, sử dụng có gây ung thư không ạ, có thể gây bệnh gì?

PGS. TS Trần Văn Thuấn: Về nguyên tắc, chúng ta không nên sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc và quá hạn sử dụng. Thực phẩm đó sẽ gây nhiều độc tố và có khả năng gây ung thư như tôi đã trình bày ở trên.

Bạn đọc nữ đặt câu hỏi với bác sĩ Hải: Bác sĩ cho em hỏi rau sạch và rau an toàn khác nhau như thế nào? Làm sao để nhận biết được thế nào là rau sạch? Thế nào là rau an toàn?

Ths. BS. Lê Thị Hải: Những người trồng rau thường dùng những thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích... phun lên rau để rau lớn nhanh, lá xanh mượt hơn, đặc biệt là thuốc trừ sâu.

Có một thời gian dài, các chuyên gia hay tư vấn cho người tiêu dùng là khi đi chợ thì nên chọn những lá rau có con sâu, có vết lỗ chỗ sâu ăn, thì rõ ràng là rau không bị tưới thuốc trừ sâu. Vì vậy, giờ đây người trồng rau lại nghĩ ra cách làm rách tờ rau đi, giống như là rau bị sâu ăn để đánh lừa người tiêu dùng.

Song song với việc kiểm tra, việc tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người trồng rau rất quan trọng. Có thể, chúng ta mới có thể giải quyết mọi vấn đề về thực phẩm bẩn.

Theo tôi, để phân biệt rau sạch không quá khó. Vết sâu ăn thì lỗ chỗ, nham nhở, nếu tinh ý thì rất dễ nhận ra. Rau quá xanh mướt hoặc có mùi lạ thì không nên mua. Ngoài ra, chúng ta nên mua rau tại các cửa hàng rau an toàn với hy vọng có thể an toàn hơn.

Đ.C