Những đối tượng nên tránh xa “thần dược” để không rước họa vào thân

Sức khỏe - Ngày đăng : 09:05, 19/04/2016

Nghệ vốn được mệnh danh là “thần dược” bởi những tác dụng tuyệt vời mà nó đem lại, tuy nhiên không phải ai cũng có thể sử dụng hoặc sử dụng thường xuyên loại “thần dược” này.

Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng khi sử dụng nghệ sẽ có một số tác dụng phụ như kích thích dạ dày, tiêu chảy, chóng mặt và buồn nôn, hạ đường huyết, giảm đông máu... Những tác dụng phụ này đặc biệt nguy hiểm với người bị bị tiểu đường, người sắp phẫu thuật, bị rong kinh… Vì vậy, có một số đối tượng nên hạn chế tối đa hoặc tuyệt đối không được sử dụng nghệ để đảm bảo sức khỏe.

1. Những người bị tiểu đường

Những đối tượng nên tránh xa “thần dược” để không rước họa vào thân

Nghệ được mệnh danh là "thần dược", nhưng không phải ai cũng có thể sử dụng nghệ 

Nghệ có khả năng giảm lượng đường huyết trong cơ thể. Vì vậy, những người mắc bệnh tiểu đường nên cân nhắc khi sử dụng nghệ.

2. Những người sắp phẫu thuật

Những người sắp phẫu thuật nên dừng ăn nghệ 2 tuần trước khi tiến hành phẫu thuật bởi nghệ ngăn cản việc đông máu, do đó có thể dẫn đến chảy máu trong và sau khi phẫu thuật.

3. Người bị rong kinh

Đối với nữ giới bị rong kinh kéo dài không nên sử dụng tinh bột nghệ. Bởi vì tinh bột nghệ có tác dụng khai thông khí huyết do đó chỉ có tác dụng chữa tích huyết, bế kinh chứ không có lợi cho người bị rong kinh.

4. Phụ nữ mang thai

Những đối tượng nên tránh xa “thần dược” để không rước họa vào thân

 Nghệ có thể gây kích thích tử cung nên dễ gây ra các cơn co thắt và dẫn đến sinh non

Các hợp chất trong nghệ có thể gây kích thích tử cung nên có lợi cho chu kì kinh nguyệt. Tuy nhiên, điều này lại có thể gây ra nguy hiểm cho người mẹ trong thời gian mang thai. Tiêu thụ nghệ có thể gây kích thích tử cung nên dễ gây ra các cơn co thắt và dẫn đến sinh non.

5. Người bị trào ngược acid dạ dày

Dạ dày là nơi sản xuất các acid để tiêu hóa thức ăn. Tuy nhiên, acid dư thừa có thể gây ra các triệu chứng như đau dạ dày, ợ nóng (trào ngược) khi acid dạ dày. Ợ nóng là triệu chứng đặc trưng của bệnh trào ngược dạ dày - thực quản (GERD), có thể gây hại cho thực quản và cổ họng. Giảm acid dư thừa là cách tốt nhất để quản lý các vấn đề này. Nghệ có thể làm tăng sản xuất acid dạ dày và làm giảm hiệu quả của thuốc giảm acid.

6. Người bị sỏi mật và tắc nghẽn đường mật

Theo nghiên cứu gần đây, nghệ có thể kích hoạt các cơn đau ở những người bị sỏi mật. Vì vậy, nếu bạn có các dấu hiệu của căn bệnh này, hãy tránh xa nghệ. Tuy nhiên, chất curcumin trong nghệ lại cải thiện chức năng gan, ngăn ngừa sự hình thành sỏi mật và ung thư túi mật.

Vì vậy, các chuyên gia vẫn khuyến cáo những người có vấn đề liên quan đến sỏi mật và tắc nghẽn đường mật nên thận trọng khi sử dụng sản phẩm chứa chất curcumin.

7. Những người bị sỏi thận

Khi dùng với số lượng lớn, nghệ có thể dẫn tới việc hình thành sỏi thận. Nghệ giàu oxalat hòa tan, chất này khi kết hợp với canxi sẽ tạo thành hợp chất oxalat canxi trong cơ thể, làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận trong cơ thể. Chính vì vậy, những bệnh nhân nên cắt giảm oxalat tối đa trong chế độ ăn uống của mình hoặc tránh sử dụng nghệ. 

Đ.C(TH)