Nâng cao hiệu quả Luật phòng chống tác hại thuốc lá: Cần tăng cường tuyên truyền bên cạnh xử phạt

Sức khỏe - Ngày đăng : 16:21, 22/05/2015

Hút thuốc lá, uống rượu, bia tại các đám hiếu, hỉ đôi khi được coi là một nét văn hóa, là một thói quen và cộng đồng dân cư mặc nhiên chấp nhận điều đó diễn ra”, đó là nhận định của ThS. Trần Thị Trang về việc hút thuốc lá nơi cộng đồng.

Mỗi năm, ở Việt Nam có tới hàng chục nghìn người chết vì những căn bệnh liên quan đến thuốc lá. Vậy, tại sao biết hút thuốc lá có hại cho sức khỏe mà người ta vẫn hút ngay cả khi Luật phòng chống tác hại thuốc lá ra đời với những chế tài xử phạt rất nghiêm minh.

Xunh quanh vấn đề này, phóng viên Báo điện tử Công lý đã có cuộc trao đổi với ThS.Trần Thị Trang - Vụ phó Vụ Pháp chế (Bộ Y tế). Đây cũng là dịp chúng ta cùng nhìn lại 2 năm Luật phòng chống tác hại thuốc lá đi vào cuộc sống.

Nâng cao hiệu quả Luật phòng chống tác hại thuốc lá: Cần tăng cường tuyên truyền bên cạnh xử phạt

ThS.Trần Thị Trang - Vụ phó Vụ Pháp chế (Bộ Y tế)

 PV: Thưa bà, nhìn lại 2 năm vừa qua kể từ khi Luật phòng chống tác hại thuốc lá bắt đầu có hiệu lực cho đến nay, bà đánh giá như thế nào về tính hiệu quả của nó?

ThS.Trần Thị Trang: Đến thời điểm hiện tại, Luật phòng chống tác hại thuốc lá đã được tuyên truyền, hướng dẫn, triển khai tới 63 tỉnh thành trong cả nước. Sau 2 năm có hiệu lực thì đến nay, Luật phòng chống tác hại thuốc lá cũng đã từng bước đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, chúng ta phải hiểu rằng, bất cứ văn bản pháp luật hay chính sách nào, để thực sự đi vào cuộc sống của người dân thì bao giờ nó cũng có từng bước và cần phải có thời gian.

Nhìn nhận một cách khách quan, việc triển khai các hình thức tuyên truyền để người dân nhận thức được tác hại của việc sử dụng thuốc lá đã được triển khai rất tốt trong thời gian qua, từ giáo dục tuyên truyền cho tới các phương tiện thông tin đại chúng. Để thấy rõ hơn hiệu quả của Luật phòng chống tác hại thuốc lá trong 2 năm qua, tới đây Bộ Y tế sẽ có đánh giá nhận thức của người dân về các quy định trong luật. Tuy nhiên, việc yêu cầu 90 triệu dân Việt Nam phải hiểu hết và răm rắp tuân theo luật ngay lập tức là rất khó.

Sau khi Luật phòng chống tác hại thuốc lá ra đời, tại các địa điểm công cộng đã được bố trí treo các biểm cấm hút thuốc lá, bảo vệ và nhân viên đã có ý thức nhắc nhở người xung quanh không hút thuốc lá. Riêng với ngành y tế, tại các cơ sở y tế bắt đầu không có khói thuốc, bản thân những cán bộ y tế hút thuốc lá thì phải thực hiện nghiêm quy định hút ở nơi không cấm.

Tương tự, ngành Giáo dục, rồi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai rất mạnh chủ trương này.

Việc in cảnh cáo sức khỏe trên các bao thuốc đến nay đã được tuân thủ 100%. Những hình ảnh cảnh báo này có tác động rất lớn đến người hút thuốc lá cũng như người dân nói chung.

Vì luật mới được triển khai 2 năm nay, nên cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền. Khi đã đạt được hiệu quả nhất định, chúng ta có thể đánh giá tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở Việt Nam có giảm đi hay không và bên cạnh đó chúng ta đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của người dân liên quan đến các quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng. Khi đó, hiệu quả của luật sẽ được đánh giá một cách định lượng hơn.

PV: Trong luật phòng chống tác hại thuốc lá, các hình thức và mức độ xử phạt cũng như nơi quy định cấm hút thuốc lá được quy định rất rõ ràng. Vậy, theo bà tại sao người dân vẫn vi phạm?

ThS.Trần Thị Trang: Như chúng ta cũng biết, thuốc lá là một sản phẩm gây nghiện, hơn nữa nó là thói quen đã ăn sâu rất lâu vào người tiêu dùng, nên những quy định pháp luật điều chỉnh hành vi như thế sẽ cần rất nhiều thời gian. Để người dân thay đổi nhận thức và thay đổi hành vi thì đó là một quá trình rất dài.

Hơn nữa, trong bất cứ một xã hội nào vấn đề vi phạm pháp luật có và tiềm ẩn ở tất cả các lĩnh vực, chứ không chỉ riêng Luật phòng chống tác hại thuốc lá. Ngoài ra, chúng ta cũng thấy rõ, ở Việt Nam tỷ lệ sử dụng thuốc lá là rất cao, còn lực lượng thanh tra kiểm tra thì quá mỏng. Ví dụ, cả ngành y tế chỉ có gần 300 thanh tra viên.

Xét về chức năng, tham gia kiểm tra, giám sát, xử phạt còn có lực lượng quản lý thị trường, nhưng họ phải tập trung vào công tác kiểm soát hàng lậu, hàng giả rồi gian lận thương mại. Xử phạt hút thuốc lá nơi công cộng chủ yếu là UBND các cấp, mà đứng đầu là Chủ tịch UBND, nhưng các họ lại quá nhiều việc ở địa phương.

Nâng cao hiệu quả Luật phòng chống tác hại thuốc lá: Cần tăng cường tuyên truyền bên cạnh xử phạt

Mỗi năm, ở Việt Nam có tới hàng chục nghìn người chết vì những căn bệnh liên quan đến việc hút thuốc lá thuốc lá

PV: Để Luật phòng chống tác hại thuốc lá được thực hiện một cách triệt để và giảm tải cho các cơ quan chức năng, theo bà có nên tăng mức xử phạt?

ThS.Trần Thị Trang: Để người dân thực hiện nghiêm túc các quy định trong Luật phòng chống tác hại thuốc lá bên cạnh việc tuyên truyền thì các biện pháp mạnh vẫn là cần thiết.

Song song với việc tuyên truyền, nhắc nhở thì khi phát hiện hành vi vi phạm đương nhiên là sẽ bị xử phạt. Tuy nhiên, phải nhấn mạnh rằng, xử phạt không phải là biện pháp hàng đầu, mà là khi phát hiện ra hành vi vi phạm, cần cảnh báo nhắc nhở và tuyên truyền để lần sau họ không vi phạm nữa.

Tăng nặng hình phạt không phải là biện pháp có thể xử lý triệt để vấn đề này. Ở đây, vấn đề chính là ý thức tuân thủ của người dân. Chúng ta cần tuyên truyền để người dân và người đứng đầu các địa điểm cấm hút thuốc lá thực sự vào cuộc cùng các cơ quan ban ngành. Kinh nghiệm cho thấy, nơi nào mà người đứng đầu quyết liệt, thì nơi đấy thực hiện được nghiêm các quy định của luật.

Nếu có chú trọng xử phạt thì phải xử phạt chính những người đứng đầu các địa điểm công cộng để xảy ra các tình trạng vi phạm. Chúng ta cần hướng đến đối tượng mà họ có điều kiện tăng cường tính thực thi của luật. Nhưng, xin nhấn mạnh là để luật được thực hiện nghiêm túc thì vẫn cần thời gian tuyên truyền bên cạnh các biện pháp mang tính chế tài.

PV: Theo nhận định của bà, sau khi Luật phòng chống tác hại thuốc lá đi vào cuộc sống thì có nảy sinh bất cập gì không?

ThS.Trần Thị Trang: Luật phòng chống tác hại thuốc lá qua 2 năm triển khai thực hiện thì chưa thấy nảy sinh bất cập gì, quốc tế họ cũng đánh giá rất cao các quy định của luật.

Thứ nhất, luật mang tính toàn diện, mạnh mẽ và bảo đảm nguồn tổ chức thực hiện bằng việc cho ra đời Quỹ phòng chống tác hại thuốc là và có nghị định xử phạt vi phạm hành chính về phòng chống tác hại thuốc lá.  Như vậy, các quy định của luật là phù hợp với yêu cầu phòng, chống tại hại thuốc lá ở Việt Nam và xu hướng của quốc tế.

Thứ hai, từ khi triển khai đến nay thì duy chỉ có một khó khăn lớn nhất là làm sao để người dân tự nguyện tuân thủ luật. Điều này là rất khó bởi ý thức chấp hành luật pháp nói chung và Luật phòng chống tác hại thuốc lá nói riêng của người dân Việt Nam còn chưa cao.

PV: Vừa qua, Bộ Y tế có khuyến khích các địa phương đưa quy định cấm hút thuốc lá ở các đám hiếu, hỉ, nơi công cộng vào hương ước của các địa phương mình. Bà đánh giá như nào về tính khả thi của nó?

ThS.Trần Thị Trang:  Bộ Y tế khuyến khích người dân không sử dụng thuốc lá ở đám ma, cưới hỏi và các sinh hoạt cộng đồng chính là làm mạnh mẽ hơn các quy định của Luật phòng chống tác hại thuốc lá.

Hiện, luật chỉ cấm hút thuốc lá ở các địa điểm công cộng trong nhà và một số các địa điểm có ảnh hưởng đến sức khỏe như trong khuôn viên bệnh viện, trường học hay là các địa điểm khác. Còn các hoạt động ngoài trời họ vẫn được hút thuốc, chính vì thế Bộ Y tế khuyến khích các địa phương đưa quy định cấm hút thuốc ở những nơi này vào hương ước, nội quy của cộng đồng dân cư.

Tại các sinh hoạt cộng đồng, lâu nay các vấn đề như sử dụng thuốc lá, uống rượu, bia đôi khi được coi là một nét văn hóa, là một thói quen và cộng đồng dân cư mặc nhiên chấp nhận điều đó diễn ra. Chính vì thế, chúng ta không thể cấm mà chỉ có thể khuyến khích và tuyên truyền người dân hạn chế hút thuốc lá, uống rượu, bia để bảo đảm sức khỏe cho bản thân và cộng đồng.

Hơn nữa, một lễ hội, một đám cưới đông như thế có cả người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai… việc sử dụng thuốc lá tràn lan ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của người dân, nên việc đưa quy định không hút thuốc lá ở đám hiếu, hỉ vào hương ước là hết sức cần thiết.

PV: Để người dân thực sự ý thức được việc hút thuốc lá có hại cho sức khỏe không chỉ bản thân người hút, mà còn có hại cho cả cộng đồng thì ngoài tuyên truyền, áp dụng các chế tài xử phạt chúng ta còn cần phải làm gì nữa thưa bà?

ThS.Trần Thị Trang: Hiện nay, để giải quyết triệt để vấn đề hút thuốc lá nơi công cộng bên cạnh vận động, tuyên truyền cho người dân hiểu thì phải có lực lượng thường xuyên nhắc nhở, kiểm tra và có biện pháp cứng rắn như xử phạt hay mời người vi phạm nhiều lần ra khỏi địa điểm cấm.

Chúng ta nên công khai các đơn vị thường xuyên để xảy ra tình trạng hút thuốc lá nơi công cộng trên các phương tiện truyền thông đại chúng để nhắc nhở, cảnh báo.

Theo dõi báo chí những ngày qua, hẳn ai cũng biết rất nhiều vụ buôn lậu thuốc lá với số lượng "khủng" bị bắt giữ, đó là một tín hiệu đáng mừng trong công cuộc phòng chống tác hại thuốc lá.

Xin cám ơn bà!

Hoài Đan