Bản tin Sống khỏe 06/5/2015: BV 19-8 lần đầu thực hiện nối liền ngón tay đứt lìa
Sức khỏe - Ngày đăng : 21:24, 06/05/2015
Vụ 28 người ngộ độc: Bánh mì bị nhiễm tụ cầu vàng
Cuối tháng 4/2015 vừa qua, 28 người ăn bánh mì tại tiệm bánh của bà Võ Thị Minh Nga (Quảng Ngãi) đã bị ngộ độc và được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Sáng nay (06/5), ông Nguyễn Văn Oai, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Ngãi cho biết kết quả kiểm nghiệm xác định 10 mẫu thực phẩm trong bánh mì bị nhiễm khuẩn, trong đó có 8 mẫu bị nhiễm tụ cầu vàng.
Nhiễm khuẩn tụ cầu vàng thường xuất hiện ở khâu chế biến, tay bị mụn nhọt hoặc lở loét tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm.
Nạn nhân bị nhiễm tụ cầu vàng ở mức độ nhẹ, có triệu chứng cảm sốt, nôn ói, khó thở… Nếu bị nhiễm nặng, nguy cơ bị nhiễm vào máu, gây áp xe phổi, viêm tủy xương hoặc bị viêm màng não mủ và có thể tử vong.
Năm 2014, toàn cầu tốn 100 tỉ USD để mua thuốc trị ung thư
Con số trên do Công ty Nghiên cứu IMS Health vừa công bố. Theo đó, chi phí mua thuốc trị ung thư của thế giới trong năm qua là 100 tỉ USD, tăng mạnh so với con số 75 tỉ USD của bốn năm trước.
Dự báo khoản chi này có thể tăng lên đến 147 tỉ USD vào năm 2018.
Y tá thực hiện truyền thuốc cho bệnh nhân ung thư. Ảnh: USA News
Quốc gia chi nhiều tiền nhất để mua thuốc chống ung thư là Mỹ, chiếm 42,2% khoản chi trên, tiếp đó là Đức, Pháp, Anh, Tây Ban Nha và Ý.
Giám đốc điều hành IMS Health, ông Murray Aitken, cho biết khoản chi này tăng do nhu cầu tăng cao, xuất phát từ việc y học tiến bộ đã tìm ra nhiều loại thuốc trị ung thư tốt hơn, tỉ lệ sống sót sau khi mắc ung thư cao hơn cũng như thu nhập người dân được cải thiện hơn.
Áp dụng kỹ thuật oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể
Kỹ thuật này sẽ lấy máu từ cơ thể bệnh nhân chạy tuần hoàn bên ngoài để thay thế cho phổi, hỗ trợ cho tim điều trị viêm cơ tim cấp, suy hô hấp cấp.
Từ khi áp dụng kỹ thuật mới này, Bệnh viện Chợ Rẫy đã cứu sống hơn 20 bệnh nhân có nguy cơ tử vong.
Trong khi đó, Bệnh viện Đà Nẵng cho biết đã triển khai thành công kỹ thuật trao đổi oxy qua màng lọc ngoài cơ thể kết hợp siêu lọc máu liên tục, cứu sống bệnh nhân H.B.P. (17 tuổi, trú huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).
Kỹ thuật này có sự hỗ trợ bước đầu của các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) trong việc cứu bệnh nhân bị thương tổn nặng hai lá phổi, chỉ số oxy hóa máu xuống thấp.
Bệnh nhân được chẩn đoán viêm phổi nặng do nhiễm cúm AH3-bội nhiễm phổi với biến chứng suy hô hấp cấp tiến triển. Sau 7 ngày điều trị, chăm sóc đặc biệt, phổi bệnh nhân được cải thiện, bệnh nhân đã được cai máy thở và có thể ăn uống.
Bệnh viện 19-8 lần đầu thực hiện nối liền ngón tay đứt lìa
Thượng tá Vũ Hải Nam, Trưởng khoa Chấn thương và bỏng Bệnh viện 19-8 Bộ Công an kiểm tra tiến trình hồi phục của bệnh nhân Khu. Ảnh: Công an Nhân dân
Ngày 05/5, Thượng tá Vũ Hải Nam, Trưởng khoa Chấn thương và bỏng Bệnh viện 19-8 trực thuộc Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật, Bộ Công an cho biết, các cán bộ, bác sĩ của Khoa lần đầu tiên thực hiện kỹ thuật vi phẫu nối thành công ngón tay cái bị đứt lìa cho một bệnh nhân nam.
Ngày 26/4, anh Nguyễn Tiến Khu (19 tuổi, ở Thanh Lâm, huyện Mê Linh, Hà Nội), trong lúc lao động đã bị máy cắt giấy cuốn vào làm đứt lìa ngón cái bàn tay phải.
Anh Khu được sơ cứu, bảo quản ngón tay cái đứt lìa và lập tức được chuyển đến Bệnh viện 19-8 Bộ Công an cấp cứu.
Sau 8 giờ vi phẫu nối lại mạch máu, thần kinh cũng như gân cơ, các bác sĩ Khoa Chấn thương và bỏng, dưới sự hướng dẫn của GS.TS Nguyễn Việt Tiến đã nối thành công ngón tay cái cho bệnh nhân...
Khai mạc chương trình bệnh viện bay Orbis 2015
Bắt đầu từ ngày 05/5, Tổ chức phòng chống mù lòa quốc tế (Orbis) chính thức triển khai Chương trình Bệnh viện Bay 2015 tại tỉnh Thừa Thiên - Huế. Chương trình gồm hơn 20 chuyên gia về nhãn khoa của Bệnh viện Bay Orbis đến từ các nước Anh, Mỹ, Australia, New Zeland, Ireland và Canada.
Ngay sau đó, Bệnh viện Bay Orbis cùng đội ngũ y, bác sĩ và chuyên gia hàng đầu đã tiến hành chẩn đoán, phẫu thuật và điều trị miễn phí các bệnh về mắt cho các đối tượng bệnh nhân nghèo. Đây là những đối tượng đã được Bệnh viện T.Ư Huế và Bệnh viện Mắt Huế khám sàng lọc.
Đồng thời, Bệnh viện Bay Orbis cũng thực hiện chuyển giao kỹ thuật nhãn khoa cho các bác sĩ nhãn khoa của Bệnh viện Mắt Huế.