Chế tạo thang máy lên vũ trụ, tham vọng lớn của người Nhật Bản

Đời sống - Ngày đăng : 12:56, 11/07/2016

Theo Techtimes, các nhà khoa học tại đại học Shizuoka đã phối hợp với Cơ quan Thám hiểm Vũ trụ Nhật Bản để chuẩn bị thử nghiệm thang máy đi lên vũ trụ.

Về lý thuyết, một chiếc thang máy vũ trụ sẽ hoạt động như sau: hành khách di chuyển trên phương tiện kết nối với cáp treo, cáp treo này lại được gắn vào vật đối trọng đặt trong môi trường không trọng lực trên vũ trụ.

Vì công nghệ này không sử dụng tên lửa nên không tiêu tốn lượng lớn nhiên liệu đốt, giá thành cũng sẽ rẻ hơn. Nếu cần, phương tiện có thể di chuyển lên hoặc xuống nhờ vào cáp treo.

Từ đó, một nhóm các nhà nghiên cứu ở Đại học Shizuoka đã tạo ra công nghệ thang máy vũ trụ mang tên Space Tethered Autonomous Robotic Satellite-Cube hay còn gọi là STAR-C. STAR-C được chế tạo dưới dạng một vệ tinh siêu nhỏ cung cấp cáp treo nối giữa Trái Đất và trạm vũ trụ quay theo quỹ đạo, cao bên trên bầu khí quyển.

Nguyên mẫu của STAR-C có chứa một tàu thăm dò nặng 2,66 kg. Vệ tinh này gồm hai khối lập phương 10 cm được gắn với dây dẫn dài 100 m làm từ sợi Kevlar, loại vật liệu có độ bền cao.

Chế tạo thang máy lên vũ trụ, tham vọng lớn của người Nhật Bản

Ý tưởng thang máy lên vũ trụ

STAR-C sẽ được đưa lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) và sau đó thả xuống từ Kibo, một khối khoang sở hữu bởi Cơ quan Thám hiểm Vũ trụ Nhật Bản (JAXA). Khi bay trong vũ trụ, hai khối lập phương của STAR-C sẽ tách khỏi nhau để kiểm tra tính an toàn của dây cáp Kevlar.

Kết quả của thí nghiệm sẽ cung cấp thông tin hữu ích về tiềm năng cải tiến thang máy vũ trụ, cũng như những cân nhắc trước khi thiết kế và phát triển phiên bản đầy đủ của công nghệ này. Bên cạnh đó, thí nghiệm cũng thu thập dữ liệu nhằm phát triển công nghệ dọn rác thải vũ trụ quay quanh Trái Đất. STAR-C sẽ gửi dữ liệu về Trái Đất thông qua tần số sóng radio.

Ngoài nghiên cứu của Đại học Shizuoka, năm 2014, các giáo sư Masahiro Nomi và Yoshiki Yamagiwa cũng đã trình sáng kiến về thang máy vũ trụ lên JAXA. Cũng trong thời gian đó, cơ quan này cũng đang tìm kiếm vệ tinh thích hợp để phóng từ Kibo đến trạm không gian ISS.

Đại học Kagawa tại Nhật Bản cũng đã tiến hành hai thí nghiệm sử dụng mô hình giống với STAR-C, nhưng chúng đều thất bại trong việc thu thập dữ liệu thông tin. Không những thế, một công ty khác tại Nhật Bản tên là Obayashi tuyên bố sẽ xây dựng thang máy vũ trụ vào giữa thế kỷ 21.

Mặc dù cho đến nay vẫn chưa có thí nghiệm nào thành công, nhưng không có nghĩa những ý tưởng này sẽ rơi vào quên lãng, nhất là đối với các nhà khoa học tại Nhật Bản.

Hà Kim