Lượng án tăng trong khi biên chế không tăng, gây nhiều áp lực với ngành Tòa án
Chính trị - Ngày đăng : 21:36, 11/09/2019
Chiều nay 11/9, UBTVQH đã thảo luận và cho ý kiến Báo cáo giải quyết khiếu nại, tố cáo của TANDTC. Phó Chánh án TANDTC Lê Hồng Quang đã có báo cáo giải trình thêm một số nội dung liên quan đến công tác này.
Tòa án đã triển khai nhiều giải pháp hiệu quả
Theo Báo cáo của TANDTC, năm 2019, tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn diễn biến phức tạp. Vẫn còn một số vụ việc khiếu nại gay gắt, đã kéo dài qua nhiều cấp giải quyết nhưng đương sự vẫn tiếp tục khiếu nại. Số đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm tăng 8% (Năm 2018 là 15.152 đơn, năm 2019 là 16.367 đơn (gồm 6.668 đơn thụ lý mới và 9.699 đơn của năm 2018 chuyển sang), tăng 1.215 đơn); Đơn khiếu nại đối với các quyết định tố tụng, hành vi tố tụng của Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán giảm 10,4% so với cùng kỳ năm 2018.
Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Nga phát biểu tại phiên họp
Thay mặt UBTP, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga đã trình bày báo cáo thẩm tra nêu rõ, UBTP nhận thấy TANDTC đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tiếp tục chỉ đạo các Tòa án thực hiện nghiêm túc Chỉ thị chuyên đề về công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; Sửa đổi quy trình xử lý đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; Yêu cầu các TAND cấp cao phối hợp với các VKSND cấp cao rà soát chính xác số đơn phải giải quyết và thực hiện phối hợp chặt chẽ giữa hai cơ quan trong trong công tác này; Bổ sung cán bộ cho các TAND cấp cao để thực hiện các nhiệm vụ, trong đó có giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.
Tổ chức các buổi làm việc chuyên đề giữa lãnh đạo TANDTC với TAND cấp cao nhằm khắc phục những hạn chế trong công tác giải quyết đơn; tổ chức các phiên đối thoại trực tuyến về nghiệp vụ giữa Hội đồng Thẩm phán TANDTC với Thẩm phán các cấp nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn. Trong năm 2019, tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm là 48,1%, tăng 13,3%. Đã khắc phục được cơ bản việc có văn bản trả lời không có căn cứ kháng nghị, sau đó người có thẩm quyền lại kháng nghị để giải quyết vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.
Công tác tiếp công dân được chú trọng, tăng 32,2% (Năm 2018 tiếp 119.512 lượt công dân; năm 2019 tiếp 158.003 lượt công dân). Việc giải quyết khiếu nại đối với các quyết định tố tụng, hành vi tố tụng của Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán TAND được quan tâm, tỷ lệ giải quyết của Tòa án các cấp đạt 95,8%, tăng 1,5%.
Về đơn tố cáo cán bộ, công chức ngành TAND: Năm 2019 TAND các cấp tiếp nhận 53 đơn, tăng 31 đơn so với năm 2018. Về cơ bản, công tác giải quyết đơn tố cáo và xử lý cán bộ được thực hiện nghiêm túc, không để tồn đọng, kéo dài. Các Tòa án có công chức bị tố cáo đã khẩn trương kiểm tra, xác minh và đã có kết luận đối với 20 trường hợp (trong đó, 18 đơn tố cáo không đúng, 02 đơn tố cáo đúng đã tiến hành xem xét xử lý trách nhiệm cán bộ).
Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, UBTP nhận thấy công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của ngành TAND vẫn còn một số hạn chế, đó là: Mặc dù tỷ lệ giải quyết đơn có tăng so với năm 2018 nhưng số đơn chưa được xem xét, giải quyết vẫn còn nhiều (8.492 đơn), số đơn đã giải quyết chỉ chiếm 48,1%, chưa đạt tỷ lệ 60% theo yêu cầu của Quốc hội. Vẫn còn 02 vụ án có đơn kêu oan kéo dài có mức án phạt tù từ 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình chưa được giải quyết dứt điểm.
Về công tác giải quyết đơn khiếu nại đối với các quyết định tố tụng và hành vi tố tụng của Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán: mặc dù tỷ lệ giải quyết đạt cao nhưng báo cáo chưa phân tích làm rõ tỷ lệ giải quyết đơn khiếu nại, đơn tố cáo ở từng cấp Tòa án. Đồng thời, từ các trường hợp khiếu nại đúng, báo cáo chưa chỉ ra các dạng vi phạm của người tiến hành tố tụng để yêu cầu rút kinh nghiệm chung trong toàn ngành.
UBTP cơ bản tán thành với đánh giá của Chánh án TANDTC về nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế và các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thời gian tới. UBTP đề nghị TANDTC khẩn trương áp dụng các giải pháp để khắc phục những nguyên nhân chủ quan liên quan đến trình độ, trách nhiệm chưa cao của một số cán bộ được phân công làm công tác này.
Ngành Tòa án đang chịu nhiều áp lực
Thảo luận tại phiên họp, các ĐB đánh giá cao việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan tư pháp, trong đó có ngành Tòa án. Báo cáo đã nêu lên được tình hình khiếu nại, tố cáo phức tạp nhưng các cơ quan đã nỗ lực giải quyết và giảm như hiện nay.
Chủ nhiệm Ủy ban GD-TN-TN-NĐ Phan Thanh Bình cho rằng, các cơ quan cần có những số liệu so sánh của 2 năm trước đó để thấy được những chuyển biến tích cực trong giải quyết đơn thư. Qua đó, có thể đánh giá những lĩnh vực nổi cộm, có nhiều đơn thư liên quan đến lĩnh vực hay Bộ ngành nào nhiều nhất để có phương án giải quyết, như vậy sẽ hiệu quả hơn.
Giải trình thêm một số nội dung liên quan, Phó Chánh án TANDTC Lê Hồng Quang cho biết: Đối với đề nghị trong báo cáo thẩm tra của UBTP về việc phải nâng cao chất lượng, số lượng giải quyết đơn giám đốc thẩm, tái thẩm, thời gian qua TANDTC đã hết sức nỗ lực và đề ra 14 giải pháp, quyết liệt thực hiện trong toàn hệ thống nhằm giải quyết tình trạng này. Tuy nhiên, theo Phó Chánh án TANDTC Lê Hồng Quang ngành Tòa án có những khó khăn, mong có sự chia sẻ của UBTVQH và Quốc hội, đó là:
Biên chế Tòa án hiện nay so với năm 2012 không tăng, nhưng số lượng án lại tăng lên 55%. Cụ thể, năm 2012, Tòa án thụ lý khoảng 360.000 vụ, nhưng đến nay lượng án tăng lên 558.000 vụ (tăng 55% so với năm 2012), và hiện nay lượng án tăng lên 9% hàng năm, tạo áp lực rất lớn.
Ngoài ra, số lượng án tăng nhiều liên quan đến việc giải quyết án dân sự, kinh doanh thương mại, án hành chính… Tất cả các vụ án này gần như sau khi xét xử phúc thẩm rồi đương sự vẫn tiếp tục gửi đơn khiếu nại, với hy vọng tiếp tục có 1 cấp nữa xem xét đối với bản án mà họ bị thua kiện. Vì vậy áp lực đối với việc giải quyết đơn giám đốc thẩm, tái thẩm cũng rất lớn.
Thống kê cho thấy, trong 10 tháng qua Tòa án đã thụ lý 16.367 vụ. Hiện nay biên chế của 3 Tòa cấp cao và TANDTC- người thực hiện việc xem xét thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm chỉ có 154 người. Thẩm phán cấp cao, ngoài việc xử phúc thẩm phải xem xét đơn giám đốc thẩm, tái thẩm. Như vậy, 154 người xem xét 16.367 đơn của 10 tháng là con số rất lớn.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại phiên họp
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá các báo cáo của các cơ quan tư pháp công phu, nghiêm túc phản ánh khách quan tình hình khiếu nại tố cáo trong quản lý nhà nước hiện nay. Tình hình khiếu nại, tố cáo theo báo cáo có phức tạp, một số lĩnh vực đơn thư có giảm, nhưng một số địa phương tăng do công tác chỉ đạo, lãnh đạo, tổ chức việc tiếp công dân…
Vì vậy cần có giải pháp đồng bộ như tăng biên chế, sắp xếp cán bộ có năng lực, trình độ, kinh nghiệm, bản lĩnh... Tuy nhiên, việc tăng biên chế thời điểm hiện nay sẽ không đúng với chủ trương của Đảng, Quốc hội. Nên vấn đề tháo gỡ bắt đầu từ việc tiếp công dân, phải đúng quy định; tăng cường đối thoại và bố trí sắp xếp người trong cơ quan có thể đáp ứng được việc này. Còn điều kiện kinh phí, vật chất, nhất là vấn đề xây dựng hệ thống dữ liệu kết nối giữa các cơ quan, Chính phủ Quốc hội cần có chỉ đạo về vấn đề này.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị UBTVQH tiếp thu ý kiến của các ĐB, hoàn thiện báo cáo để trình Quốc hội kỳ họp tới.