Google và “cơn ác mộng” mang tên “mạng xã hội”

Đời sống - Ngày đăng : 11:26, 13/04/2012

Luôn đánh giá cao thị trường mạng xã hội và luôn “thèm muốn” được thống trị thị trường này, tuy nhiên, Google dường như luôn phải “nếm trái đắng” mỗi khi bước chân vào cuộc chạy đua trên thị trường mạng xã hội.

Với lượng người dùng đông đảo trên toàn thế giới, dường như “gã khổng lồ tìm kiếm” Google luôn đạt được những thành công tại mỗi thị trường mà Google đặt chân đến. Tuy nhiên, Google vẫn luôn ngậm ngùi, thậm chí là thất bại tủi hổ mỗi khi bước chân vào lĩnh vực mạng xã hội. Đích thân lãnh đạo của Google phải thừa nhận, mạng xã hội không phải là lĩnh vực dễ xâm chiếm.

Dưới đây là những “vũ khí” mà Google đã sử dụng để tấn công thị trường mạng xã hội, và tất cả chúng đều chỉ làm cho “cơn ác mộng” của Google thêm kéo dài.

Orkut - Lớn mạnh tại Brazil, yếu kém tại những thị trường tiềm năm

Ngay từ đầu những năm 2000, khi Facebook chưa ra đời, khi MySpace còn thống trị trên lĩnh vực mạng xã hội, Google từng đưa ra ý định mua lại mạng xã hội Friendster vào năm 2004, là một trong những mạng xã hội lớn mạnh nhất thời bấy giờ, tuy nhiên đã phải nhận câu từ chối.

Do vậy, hãng đã quyết định xây dựng riêng mạng xã hội cho mình mang tên Orkut như 1 đối thủ cạnh tranh với Friendster. Tuy nhiên, đây được xem là 1 trong những quyết định sai lầm của hãng. Mặc dù Orkut vẫn đang còn hoạt động, nhưng thay vì mục đích ban đầu của Google là nhắm đến thị trường Mỹ giàu tiềm năng, nhưng giờ đây, Orkut lại chỉ nổi tiếng ở thị trường Brazil và Ấn Độ kém tiềm năng hơn.

Một sự thất bại cho mạng xã hội được đặt nhiều kỳ vọng.

Dodgeball - Từ bỏ sau 4 năm

Google đã mua lại mạng xã hội dành cho thiết bị di động Dodgeball vào năm 2005. Người dùng của mạng xã hội này sẽ gửi đoạn văn bản về nơi họ sống đến dịch vụ, sau đó, họ sẽ nhận được thông tin về khu vực, về những người bạn và những thông thú vị về khu vực xung quanh.

Tuy nhiên, những tính năng và dịch nghèo nàn đã khiến Google phải từ bỏ mạng xã hội này vào năm 2009, trong khi đó, nhà sáng lập Dennis Crowley đã từ bỏ Google và thành lập nên mạng xã hội mới với ý tưởng tương tự Foursquare và trở thành 1 trong những mạng xã hội lớn nhất hiện nay.

Picase Web Album - Thất bại trước Facebook Photo

Google mua lại công ty Picasa, công ty chuyên cung cấp công cụ biên tập ảnh trực tuyến vào năm 2004. Vài năm sau đó, Google cho ra mắt dịch vụ Picasa Web Albums vào tháng 6 năm 2006, dịch vụ mạng xã hội cho phép người dùng đăng tải và chia sẻ ảnh với nhau.

Tuy nhiên, nhiều người thấy không có lý do gì phải sử dụng 1 dịch vụ chia sẻ ảnh mới, khi họ có thể dễ dàng đăng tải và chia sẻ ảnh của mình lên Facebook và chia sẻ chúng nhanh chóng thông qua mạng xã hội này.

Giới thiệu OpenSocial - Facebook “làm ngơ”, Google “ngậm ngùi”

Tháng 1/2007, Google giới thiệu nền tảng lập trình OpenSocial cho các lập trình viên để phát triển các ứng dụng chung cho mạng xã hội. OpenSocial được phát triển bởi Google cùng với MySpace và 1 số mạng xã hội khác như Hi5, Orkut, Friendster…

Ý tưởng của Google là cho phép người dùng có thể truy cập dữ liệu xuyên suốt trên mọi mạng xã hội.

Tuy nhiên, Google đã gặp phải 1 vấn đề khi Facebook, lúc đó đang dần trở thành 1 thế lực, lại bận rộn với việc phát triển nền tảng lập trình của riêng mình và không ngó ngàng gì đến OpenSocial. Không được sự hỗ trợ của mạng xã hội lớn nhất thế giới, OpenSocial nhanh chóng thất bại trong vài tháng sau khi ra mắt, và giờ đây, rất ít lập trình viên sử dụng nền tảng OpenSocial để xây dựng ứng dụng, và thay vào đó sử dụng nền tảng của chính Facebook.

Jaiku - “Khai tử” sau 2 năm

Năm 2007, Google mua lại Jaiku, dịch vụ mạng xã hội tương tự như Twitter, nhưng có 1 vài sự khác biệt, như cho phép chèn biểu tượng vào trong các đoạn thông điệp. Tuy nhiên, Twitter nhanh chóng trở thành 1 hiện tượng và vượt qua Jaiku, khiến Google không còn cách nào khác là ngừng phát triển Jaiku và phát hành mã nguồn của nó dưới dạng mã nguồn mở.

Wave - Không ai hiểu đó là gì

Giao diện của Wave quá phức tạp với 1 người dùng thông thường

Google ra mắt Google Wave vào năm 2009, như 1 công cụ để giao tiếp trực tiếp giữa mọi người dùng được tích hợp vào trong Gmail. Đó hẳn là 1 ý tưởng tuyệt vời, nhưng Google lại mang đến cho Wave quá nhiều tính năng thừa thãi, vô tình khiến dịch vụ của mình trở nên quá phức tạp cho những người dùng phổ thông, khiến nó nhanh chóng bị quay lưng và dường như quên lãng.

Google đã phải ngừng dịch vụ này vào năm 2010, chỉ 1 năm sau khi được trình làng.

Buzz - Sai lầm nghiêm trọng của Google

Buzz là dịch vụ mạng xã hội tương tự như tính năng cập nhật tin tức từ bạn bè trên Facebook, được Google tích hợp vào Gmail vào tháng 2 năm ngoái, cho phép người dùng chia sẻ thông tin với danh sách địa chỉ trong hộp thư Gmail.

Tương tự như Wave, đây là 1 ý tưởng nghe chừng hâp dẫn, nhưng Google đã sai lầm trong việc thiết lập các chế độ bảo mật - Buzz mặc định chia sẻ luôn cả những thói quen sử dụng Gmail của người dùng và không rõ ràng trong việc ai có thể xem những thông tin đó.

Kết quả không mấy tốt đẹp cho Google khi Ủy ban thương mai Liên bang tiến hành điều tra và ra lệnh quản chế trong suốt 20 năm tới.

Aardvark - “Ném tiền qua cửa sổ”

Dường như nhận thấy tiềm năng của mạng xã hội hỏi đáp, tháng 2/2010, Google đã bỏ ra đến 50 triệu USD để mua lại mạng xã hội hỏi đáp Aardvark, cho phép người dùng đăng tải các câu hỏi và nhận được câu trả lời từ những người dùng khác.

Tuy nhiên, sau khi bỏ ra số tiền khổng lồ như vậy, nhưng dường như Google không mấy mặn mà với mạng xã hội này của mình, khi không tích hợp các kết quả hỏi đáp vào công cụ tìm kiếm chính của Google, và Aardvark đã nhanh chóng bị đánh bại bởi Quora, 1 mạng xã hội hỏi đáp với quy mô và tầm vóc lớn hơn, ra đời vào năm 2009.

Cuối cùng, Google đành phải quyết định ngậm ngùi chia tay với Aardvark và sẽ đóng cửa mạng xã hội vào cuối tháng 9 này.

Google+ - Bong bóng xì hơi

Chưa bao giờ từ bỏ giấc mơ mạng xã hội, Google tiếp tục trình làng mạng xã hội Google+ vào cuối tháng 6 vừa qua.

Được xem là 1 “bom tấn” ngay khi trình làng, Google+ nhanh chóng thu hút hàng chục triệu thành viên chỉ trong 1 thời gian ngắn xuất hiện. Tuy nhiên, có vẻ như đó là tất cả những gì mà Google+ có thể làm được.

Không có tính năng đột phá so với đối thủ chính Facebook, rắc rối trong chính sách riêng tư (phải sử dụng tên thật để đăng ký) và quan trọng hơn, Google vẫn giữ thoái quen của mình đó là đóng cửa với người dùng, chỉ cho phép những ai được mời mới tham gia Google+. Dường như, “gã khổng lồ tìm kiếm” quên rằng, mạng xã hội là 1 môi trường mở, chứ không phải là 1 môi trường để “đóng cửa thử nghiệm”.

Ngay cả người dùng trung thành và hy vọng vào việc soán ngôi Facebook của Google+ cũng dần bắt đầu chán nản và quay lưng lại với mạng xã hội mới tinh này của Google.

Vẫn còn quá sớm để có thể nói đây lại tiếp tục là 1 thất bại của Google hay không, nhưng có nhiều khả năng, Google lại phải tiếp tục nối dài “cơn ác mộng” mang tên “mạng xã hội” của mình.

Thế Huy

congly.com.vn