Nghệ An: Trạm trộn bê tông trái phép trên đất nông nghiệp, chính quyền bảo kê hay bất lực?

Nhịp cầu Công lý - Ngày đăng : 06:54, 10/05/2019

Mặc dù không có trong quy hoạch, không được giao đất và các cơ quan chức năng không cấp phép xây dựng, chính quyền cấp huyện đã xử phạt nhưng trạm bê tông vẫn ngang nhiên hoạt động.

Theo phản ánh của người dân xã Hạ Sơn, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An), từ năm 2017, trên địa bàn xã bỗng xuất hiện một trạm trộn bê tông tươi với tên gọi Công ty cổ phần bê tông và xây dựng dầu khí Nghệ An. Điều đáng nói, trạm trộn bê tông này lại không được các cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng để hoạt động theo quy định. Ngoài ra, quỹ đất để xây dựng trạm trộn bê tông này cũng được chủ doanh nghiệp tự thỏa thuận và mua lại đất sản xuất nông nghiệp của người dân xã Hạ Sơn.

Được biết, từ năm 2017, khi dự án trang trại chăn nuôi lợn kỹ thuật cao của Công ty TNHH MNS FARM Nghệ An được triển khai tại xã Hạ Sơn thì cũng là lúc trạm trộn bê tông tươi này được xây dựng để cung cấp nhu cầu bê tông cho dự án. 

Khi nhận được phản ánh của người dân về việc xuất hiện trạm trộn bê tông không phép trên diện tích đất nông nghiệp ở địa bàn xã, Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Quỳ Hợp đã tiến hành kiểm tra về vấn đề đất đai đối với công trình trên và trạm trộn bê tông đã xây dựng trên diện tích đất sản xuất nông nghiệp của người dân nơi đây.

Nghệ An: Trạm trộn bê tông trái phép trên đất nông nghiệp, chính quyền bảo kê hay bất lực?

Trạm trộn bê tông bị xử phạt vì trái phép nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động.

Bà Y – một người dân sống tại đây cho biết: "Lúc đầu họ dựng một trạm thôi, nhưng sau đó lại dựng thêm. Theo đó, từ khoảng tháng 10/2018, đơn vị này tiếp tục xây dựng thêm một cặp trạm trộn ngay sát cặp trạm trộn bê tông ban đầu. Ngoài phục vụ cho việc xây dựng trại lợn thì họ còn phục vụ cho nhu cầu của người dân vùng xung quanh".

Theo ghi nhận của PV vào những ngày đầu tháng 05/2019, trên khu vực bãi đất trước đây trồng mía ngay sát tỉnh lộ 531C là hệ thống trạm trộn bê tông tươi bao gồm hai cặp. Ngoài ra còn có một khu nhà điều hành và nhà ở công nhân rộng khoảng 100m2 được xây dựng lên sát đó. Điều đáng nói thêm là nước thải, vữa xi măng thải được đơn vị này chất la liệt khắp nơi. Nước thải còn cho chảy tràn xuống đường chính và một phần chảy xuống mương thoát nước của tỉnh lộ 531C khiến cho đoạn đường khu vực này trở nên bẩn thỉu, ô nhiễm môi trường…

Trao đổi với PV, ông Lê Văn Thanh – Chủ tịch UBND Xã Hạ Sơn, xác nhận: “Công ty cổ phần bê tông và xây dựng dầu khí Nghệ An xây dựng trên địa bàn là trên đất nông nghiệp, không được cơ quan chức năng cấp phép. Công ty thuê đất của bà Dinh, là công dân của xã. Diện tích sử dụng khoảng 2000 - 3000 m2. Huyện đã xuống kiểm tra xử phạt và yêu cầu dừng hoạt động, nhưng họ vẫn ngang nhiên làm. Tôi đã nhiều lần báo cáo lên cấp huyện để phối hợp cùng giải quyết dứt điểm nhưng chưa được”.

Nghệ An: Trạm trộn bê tông trái phép trên đất nông nghiệp, chính quyền bảo kê hay bất lực?

Nghệ An: Trạm trộn bê tông trái phép trên đất nông nghiệp, chính quyền bảo kê hay bất lực?

Quyết định xử phạt của UBND huyện Quỳ Hợp.

Ông Kim Thành Xuyên – Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Quỳ Hợp, cho biết: “Về vấn đề này chúng tôi đã xuống kiểm tra và có xử phạt, yêu cầu dừng hoạt động. Việc họ vẫn lén lút hoạt động thì chính quyền địa phương cấp xã phải báo cáo để chúng tôi biết còn giải quyết, chứ địa bàn rộng làm sao chúng tôi nắm cụ thể được”.

Theo tìm hiểu được biết, ngày 4/3/2019, UBND huyện Qùy Hợp đã có quyết định số 319, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đầu tư xây dựng đối  với Công ty cổ phần bê tông và xây dựng dầu khí Nghệ An với mức phạt 35 triệu đồng. Đồng thời, yêu cầu dừng hoạt động đến khi hoàn thiện thủ tục theo đúng quy định mới được hoạt động. Tuy nhiên, việc phạt vẫn phạt và hoạt động vẫn hoạt động.  

Ông Lê Sỹ Hào – Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Quỳ Hợp chia sẻ: “Trạm bê tông này chúng tôi đã có 2 lần xuống kiểm tra và xử phạt 1 lần. Việc họ dựng trạm bê tông trên đất nông nghiệp và gây ô nhiễm môi trường là đúng. Nếu đã đình chỉ mà họ vẫn tiếp tục làm thì phải cưỡng chế, chứ không thể cứ để cho họ hoạt động sai phạm như thế được”.

Như vậy, cho đến thời điểm hiện nay, mặc dù đã kiểm tra, đã đình chỉ và xử phạt nhưng doanh nghiệp vẫn cố tình vi phạm. Một điều khá ngạc nhiên là vị trí của trạm trộn này chỉ cách trung tâm hành chính xã khoảng 2km. Chính quyền địa phương từ cấp xã đến cấp huyện đều biết sự tồn tại của nó. Tuy nhiên, lại không quyết liệt trong việc xử lý dứt điểm. Điều này không những thể hiện sự xem thường pháp luật của doanh nghiệp mà còn gây nên sự bức xúc trong nhân dân và hoài nghi về sự “dung túng” của cán bộ, tiếp tay cho sai phạm. 

Nhóm PV