Thanh Hóa: Buông lỏng quản lý trong đào tạo liên kết?
Nhịp cầu Công lý - Ngày đăng : 09:29, 12/04/2018
Về đào tạo và liên kết đào tạo, Thanh Hóa được nhắc đến nhiều tại vụ việc đầy tai tiếng trong vấn đề đào tạo theo địa chỉ của trường Trung cấp Văn Hiến với ĐH Y Dược Hải Phòng. Trong vụ việc này nhiều đối tượng đã bị truy tố hình sự, tuy nhiên hậu quả của vụ việc này tới nay vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Ngoài ra còn có vụ việc liên quan đến đề án đào tạo nhân lực với các trường ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước nhưng sau khi trở về đã “khó” tuyển dụng công việc phù hợp, gây lãng phí cho ngân sách nhà nước. Sau những vụ việc này, những tưởng, công tác quản lý đào tạo và đào tạo liên kết của tỉnh sẽ được quản lý chặt chẽ hơn, nhưng những gì PV ghi nhận được lại trái ngược hoàn toàn.
Tràn lan đào tạo chui
Theo ghi nhận của PV, tại tỉnh Thanh Hóa, việc liên kết đào tạo đang diễn ra với đủ các hệ đào tạo từ trung cấp đến Đại học, không chỉ dừng lại ở những trường trong tỉnh mà còn lan ra cả các trường ngoài tỉnh cũng tham gia vào công tác này.
Thông báo tuyển sinh sau đại học của ĐH Kinh Doanh Công nghệ Hà Nội tại Thanh Hóa
Cụ thể: Trường bồi dưỡng cán bộ quản lý doanh nghiệp vừa và nhỏ tại địa chỉ tầng 3 trường Thanh Hoa, Đại lộ Lê Lợi, phường Đông Dương, TP Thanh Hóa có đào tạo nhiều hệ từ Cao đẳng, Đại học kể cả sau Đại học, đơn vị này cũng tham gia đào tạo luôn. Các trường đơn vị này tham gia đào tạo chủ yếu với các trường ngoại tỉnh, như ĐH Kinh doanh và Công nghệ, Học viện Hành chính quốc gia ….
Khoan nói về việc đơn vị này đã được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động chi nhánh hay chưa. Tuy nhiên, Trường bồi dưỡng cán bộ quản lý doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ có chức năng bồi dưỡng nghiệp vụ và không thuộc đối tượng được liên kết đào tạo theo quy chế của Bộ GD&ĐT.
Có một thực tế đang diễn ra là, không chỉ đơn vị không đủ chức năng mới phải đào tạo chui, kể cả các trường đầy đủ pháp nhân cũng “lười” xin phép mà muốn đào tạo chui cho nhanh, hay muốn né tránh sự quản lý từ các cơ quan nhà nước.
Trường ĐH Thể thao Văn hóa Du lịch Thanh Hóa là trường đầy đủ pháp nhân nhưng nhiều năm nay cũng đang đào tạo chui nhiều khóa thạc sỹ ngành kinh tế với trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Không chỉ vậy, trường này còn khá nhiều lớp liên thông ĐH đặt tại các đơn vị giáo dục cấp huyện tại huyện Hà Trung, Hoằng Hóa, Nga Sơn….
Thông báo tuyển sinh sau đại học của Học viện Hành chính Quốc gia
Trường ĐH Hồng Đức cũng có nhiều lớp tại các huyện, tập trung nhiều ở khu vực miền tây Thanh Hóa; trường Trung cấp y dược Hợp lực với trường ĐH Đại Nam về các mã ngành chăm sóc sức khỏe….
Đào tạo theo địa chỉ còn nhiều bất cập
Được biết, năm 2006, UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt “Đề án liên kết đào tạo nguồn nhân lực trình độ đại học và sau đại học với các trường đại học nước ngoài”, với mục tiêu đào tạo 360 cán bộ đạt trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ có chất lượng cao, nhằm phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, chỉ có những học viên trước khi đi học đang công tác ở các cơ quan nên khi quay về, họ làm việc ở đơn vị cũ còn các học viên khác cũng đang” bơ vơ”.
Bên cạnh đó, cũng nhiều cử nhân sau khi đào tạo theo ngân sách nhà nước, được hưởng nhiều ưu tiên trong tuyển sinh, đào tạo khi tham gia các đề án đào tạo theo địa chỉ, không ít các học viên đã từ chối về tỉnh công tác gây lãng phí lớn cho tỉnh. Những đối tượng này chủ yếu trong ngành chăm sóc sức khỏe.
Kiến nghị của Sở Y tế thanh Hóa về việc một số sinh viên không nhận công tác trước đó
Từ những vấn đề này, đáng lẽ, tỉnh Thanh Hóa phải rất thận trọng trong việc phê duyệt các chỉ tiêu cho loại hình đào tạo này, nhưng trên thực tế, hiện nay tại tỉnh này, PV vẫn ghi nhận được rất nhiều chỉ tiêu đào tạo theo địa chỉ nhưng thiếu kiểm soát về đối tượng đủ điều kiện như trong đề án trình Bộ GD&ĐT.
Đơn cử, trường Cao đẳng y tế Thanh Hóa liên kết đào tạo theo địa chỉ với ĐH Y dược Hải Phòng, Trung cấp y dược Thanh Hóa với ĐH Điều dưỡng Nam Định, ĐH Thể thao Văn hóa du lịch với trường ĐH Kinh tế quốc dân…
Vậy các đơn vị này đang hoạt động như thế nào, các quy chế đào tạo được các đơn vị này lách luật, xé rào ra sao? Các đơn vị đang lợi dụng chính sách như thế nào? Chúng tôi sẽ làm rõ và chuyển tới bạn đọc ở những bài viết sau.