Đê Sông Bùng bị sạt lở, đất sản xuất của người dân nguy cơ bị cuốn trôi
Nhịp cầu Công lý - Ngày đăng : 08:22, 23/03/2018
Theo phản ánh của người dân xóm 6, xã Diễn Hoa (huyện Diễn Châu - Nghệ An) khoảng 2 – 3 năm nay, một phần bờ đê sông Bùng đoạn giáp ranh với địa bàn xã đang bị sạt lở từng ngày, nguy cơ sạt lở vẫn còn tiếp diễn khi mùa mưa bão về, khiến nhiều diện tích lúa của người dân trước nguy cơ bị “hà bá” nuốt gọn không biết lúc nào.
Dẫn chúng tôi đi về phía đoạn bờ đê đang bị khoét vào từng ngày, từng mét đất bờ đang bị nước sông “gặm nhấm” vào phần diện tích ít ỏi còn lại, ông Vũ Sỹ Lục - xóm trưởng xóm 6 không khỏi lo lắng: “Vấn đề này, tôi cũng như người dân đã phản ánh lên xã tại các cuộc tiếp xúc Đại biểu hội đồng xã, huyện nhiều lần.Tôi nghe đâu chưa có kinh phí nên chưa thực hiện được, cứ thế này chắc năm nay ruộng lúa của người dân gần bờ sông nhất có lẽ cũng chẳng còn mà sản xuất nữa”.
Theo ông Lục, bờ đê Sông Bùng trước kia bề mặt rộng khoảng 4m, chưa kể phần chân đê, thế nhưng đến nay có những đoạn chỉ rộng khoảng 40-50 cm. Qua 2- 3 năm bị sạt lở, khoảng 300m đê Sông Bùng giáp ranh với phần đất sản xuất của người dân đã bị sạt lở, khiến người dân hết sức lo lắng.
Bờ đê sông Bùng đang bị sạt lở từng ngày đe dọa hàng chục ha lúa của người dân
Hộ ông Cao Xuân Mạnh, trú ở xóm 6 có phần diện tích đất lúa được nằm sát mép sông Bùng không khỏi lo lắng nói: “Cứ mỗi năm bờ đê sông bị gặm đi một ít, năm nay nếu Nhà nước không xử lý kịp thời thì có thể ruộng lúa của nhà tôi cũng biến mất. Nguy hiểm không kém đó là phần bề rộng bờ đê ít ỏi còn lại, nếu không may người đi làm ruộng hay trẻ con sẫy chân xuống sông, lúc đó ai sẽ chịu trách nhiệm?”.
Ông Lục chỉ tay về phía lò gạch cũ trước đó ở sát bên đê sông, thế nhưng đến giờ lò gạch và cái sân phơi đã “biến mất” không để lại một dấu tích. Thay vào đó là tiếng con nước vỗ bờ liên hồi, kéo theo từng khối đất xuống lòng sông sâu thẳm.
Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Giáp – Chủ tịch UBND xã Diễn Hoa cho biết: “Việc người dân phản ánh về tình trạng sạt lở sông Bùng là đúng. Xóm 5 và 6 là hai xóm bị ảnh hưởng trực tiếp. Trước tình hình như vậy, địa phương cũng đã làm tờ trình báo cáo lên huyện. Các đoàn của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Diễn Châu cũng đã về kiểm tra thực tế. Năm 2017, huyện Diễn Châu cũng đã tiến hành khắc phục tạm thời được khoảng 150m đê ở xóm 5 với kinh phí 300 triệu đồng. Còn phần còn lại kinh phí sẽ rất tốn kém nên địa phương cũng đang chờ đợi các cấp có thẩm quyền xử lý”.
Ông Vũ Sỹ Lục – Xóm trưởng xóm 6 chỉ tay ra phía lò gạch cũ, bây giờ nước sông đã nhấn chìm
Ông Cao Văn Thái – Chuyên viên phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Diễn Châu cho biết: “Tuyến đê Sông Bùng qua xã Diễn Hoa thuộc dự án Cải tạo, nâng cấp Kênh Vách Nam – Sông Bùng do Sở Nông nghiệp và PTNT làm chủ đầu tư triển khai thực hiện từ năm 2012, tuy nhiên đã phải dừng lại từ năm 2015 vì không được bố trí vốn do Nhà nước thực hiện cắt giảm đầu tư công”.
Phòng cũng rất lo lắng về thực trạng sạt lở ở bờ đê Sông Bùng, tuy nhiên kinh phí để thực hiện là không thể. Về hướng xử lý, UBND huyện sẽ báo cáo trình UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT về tình trạng sạt lở để xin ý kiến xử lý, ông Thái cho biết thêm.
Nhìn từng khối đất bị mất đi từng ngày, bờ sông Bùng lại bị thu hẹp lại, tiềm ẩn những rủi ro không ai có thể lường trước được, những người nông dân chất phác nơi đây không khỏi bất an, lo lắng vì một mùa mưa bão lại sắp đến. Vấn đề này rất cần sự vào cuộc khẩn trương, quyết liệt của các cơ quan chức năng.