Gia Lai: Những sai phạm khó hiểu ở trường Tiểu học Lê Văn Tám
Nhịp cầu Công lý - Ngày đăng : 16:04, 27/05/2017
Kế toán lộng quyền, Hiệu trưởng quản lý yếu kém?
Những sai phạm có dấu hiệu tội phạm của bà Siu Huynh - Kế toán trường Tiểu học Lê Văn Tám đã được Thanh tra huyện Chư Sê chỉ ra trong báo cáo kết quả xác minh theo nội dung đơn kiến nghị số 19/BC-TTr ngày 11/4/2017.
Theo đó, nữ Kế toán này đã liên tiếp làm sai lệch giấy tờ cũng như cố tình chuyển tiền của nhà trường, của các giáo viên vào tài khoản của mình nhằm chiếm đoạt để tiêu xài cá nhân.
Bà Lưu Thị Lý - Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Văn Tám
Cụ thể, theo báo cáo kết luận Thanh tra, từ tháng 1 đến tháng 9/2014, trong quá trình làm lương giáo viên, bà Siu Huynh đã cố ý làm chênh lệch số lương thực nhận so với số tiền chuyển của nhà trường, rồi chuyển vào tài khoản cá nhân hơn 121 triệu đồng. Sau khi bị Ban giám hiệu phát hiện, bà Huynh đã hoàn trả lại số tiền trên vào tài khoản nhà trường và nhận mức kỷ luật “cảnh cáo”.
Dường như mức kỷ luật cảnh cáo không làm tỉnh ngộ nữ Kế toán này, những sai phạm vẫn liên tiếp lại xảy ra. Năm 2016, bà Siu Huynh dùng những chiêu thức khác để chiếm đoạt tiền của giáo viên. Hàng tháng Kế toán trừ lương để trả gốc và lãi cho ngân hàng (đối với những giáo viên vay qua lương) nhưng bà Huynh đã không chuyển cho ngân hàng mà chiếm đoạt hơn 131 triệu đồng.
Chưa hết, hàng năm các thầy cô giáo phải trích khoản tiền lương ít ỏi của mình ủng hộ quỹ đền ơn đáp nghĩa, nhưng sau khi thu của giáo viên, bà này cũng “ém” luôn.
Theo kết luận của Thanh tra, để chiếm đoạt được số tiền trên, ngoài việc lợi dụng chức vụ của mình, bà Siu Huynh còn làm giả “chữ ký” Hiệu trưởng, tự ý sử dụng con dấu của Hiệu trưởng.
Sau khi vào cuộc kiểm tra, Thanh tra huyện đã kết luận, với tư cách là Hiệu trưởng, bà Lưu Thị Lý đã buông lòng quản lý dẫn đến cấp dưới sai phạm liên tục trong công tác tài chính. Bên cạnh đó, lãnh đạo nhà trường đã không làm tròn trách nhiệm đối với các quyền lợi của giáo viên khi không đưa kinh phí phụ cấp thu hút vào dự toán để giải quyết quyền lợi cho các giáo viên đang công tác tại điểm làng đặc biệt khó khăn, theo Nghị định 116/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ “Về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người được hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn”.
Hiệu trưởng “thay” UBND huyện ra quyết định cho nghỉ việc Kế toán?
Mặt khác, chế độ ưu đãi cho các giáo viên đứng lớp ở các điểm làng đặc biệt khó khăn cũng không đúng khiến những giáo viên này chỉ được hưởng 50/70% theo quy định.
Điều quan trọng, Thanh tra huyện cũng đã làm rõ và yêu cầu bà Lưu Thị Lý phải có trách nhiệm thu hồi số tiền hơn 25 triệu đồng chi trả sai cho một giáo viên. Cụ thể, sau kỳ nghỉ sinh theo đúng quy định, giáo viên này đã làm đơn lên nhà trường để xin nghỉ dài hạn (9 tháng từ 1/9/2016-31/5/2017) không lương. Vậy nhưng, cô này vẫn được nhận lương từ tháng 9/2016-2/2017, đồng thời việc cho nghỉ không lương nhiều tháng như vậy, lãnh đạo nhà trường có báo cáo lên cấp trên để xin ý kiến hay tự ý quyết định?
Ngoài các sai phạm trên, một số các sai phạm khác như: giáo viên không được ký nhận vào bảng lương, tiền lớp ghép không được trả cho giáo viên đầy đủ, chậm chi trả tiền văn phòng phẩm, chậm tiền trao trả và chưa công bố các giải của cuộc thi vở sạch chữ đẹp của năm học 2015-2016.... cũng đã được Thanh tra huyện báo cáo là có cơ sở .
Đáng chú ý, việc Kế toán nhà trường vào phòng Hiệu trưởng Lý để "trộm" con dấu sử dụng sai mục đích, khiến dư luận hoài nghi việc có hay không vấn đề vi phạm trong việc quản lý và sử dụng con dấu của Hiệu trưởng?
Thêm những sai phạm cần được làm rõ
Theo điều tra riêng của PV Báo Công lý tại Bảo hiểm xã hội huyện Chư Sê, trường Tiểu học Lê Văn Tám đã chậm đóng tiền BHXH tháng 4/2017, cùng với đó là thâm niên của giáo viên không được kê khai, báo cáo qua nhiều năm nên đến ngày 24/5/2017, trường Tiểu học Lê Văn Tám đã phải đóng số tiền nợ cộng với trên 38 triệu đồng tiền lãi.
Việc chậm trễ này, nhà trường phải chịu trách nhiệm, bởi theo BHXH, hàng tháng cơ quan này đều gửi thông báo kết quả đóng BHXH cho các đơn vị nói chung và trường Tiểu học Lê Văn Tám nói riêng. Vậy ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm cho số tiền lãi này?
Số tiền gốc và tiền lãi trường Tiểu học Lê Văn Tám đóng tại BHXH huyện Chư Sê ngày 24/5.
Được biết, sau khi có báo cáo kết quả xác minh của Thanh tra huyện, Chánh văn phòng UBND huyện Chư Sê thừa ủy quyền của Chủ tịch UBND huyện đã ban hành văn bản số 495/UBND-NC ngày 18/4/2017, chỉ đạo cho Phòng Nội vụ phối hợp với Phòng GD&ĐT tham mưu cho UBND huyện để tiến hành xử lý trách nhiệm các cá nhân liên quan theo đúng quy định. Thế nhưng không hiểu sao, Hiệu trưởng lại phớt lờ ý kiến chỉ đạo, tự ý thay UBND huyện ban hành quyết định số 03/QĐ/KL-LVT ngày 12/5, cho thôi việc đối với nữ Kế toán Siu Huynh, mặc dù nữ Kế toán này do UBND huyện ký quyết định tuyển vào?!
Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc sự việc này.