EVN chi hàng chục tỷ đồng xây trường học rồi tính vào giá điện

Nhịp cầu Công lý - Ngày đăng : 17:45, 16/05/2017

Tập đoàn điện lực Việt Nam đã có chủ trương hỗ trợ 50 tỷ đồng cho huyện Nậm Nhùn của Lai Châu xây trường học và hàng chục tỷ đồng cho các công trình phúc lợi khác. Thế nhưng số tiền hỗ trợ 50 tỷ trên lại được tính vào...giá điện để toàn dân phải "gánh".

“Của người phúc ta”?

Nậm Nhùn là một huyện khó khăn bậc nhất ở vùng cao Lai Châumới được thành lập hơn 3 năm, cơ sở hạ tầng còn tạm bợ. Vì thế, địa phương này mỏi mòn mong chờ có nguồn vốn xây dựng trường học nơi thủy điện Nậm Nhùn vừa hoàn thành và đã được Tập đoàn điện lực Việt Nam hỗ  trợ.

Ngày 13/1/2017, UBND tỉnh Lai Châu có công văn số 58/UBND-VX đề nghị EVN hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng trường phổ thông dân tộc nội trú tại huyện Nậm Nhùn, nơi có nhà máy thủy điện trên.

Ngày 7/3/2017, ông Đặng Hoàng An, Tổng giám đốc EVN đã có văn bản số 936/EVN-KH-TCKT thống nhất chủ trương hỗ trợ tối đa 50 tỷ đồng và không quá 70% tổng mức đầu tư của dự án xây dựng trường phổ thông trên. Theo văn bản trên, số tiền 50 tỷ đồng này sẽ được trích từ nguồn vốn chi phí sản xuất kinh doanh của EVN. UBND tỉnh Lai Châu sẽ chỉ đạo hoàn thiện hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, gửi EVN có ý kiến thỏa thuận trước khi phê duyệt và chịu trách nhiệm bố trí đủ phần vốn còn lại ngoài kinh phí EVN hỗ trợ để tổ chức triển khai thực hiện đầu tư xây dựng trường phổ thông trên.

Trăm dâu đổ đầu giá điện

Được biết, ngoài hỗ trợ cho công trình trường học trên, EVN cũng đã hỗ trợ kinh phí 72,7 tỷ đồng (khoảng 85% tổng mức đầu tư) cho công trình thủy lợi Làng Lung (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum), hỗ trợ  công trình Trường tiểu học Nguyễn Trung Trực, xã Đăk Năng, thành phố Kon Tum 3,6 tỷ đồng, Trường Tiểu học Xã Xuân Thiện (huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) và nhiều hoạt động an sinh xã hội thiết thực khác.

EVN chi hàng chục tỷ đồng xây trường học rồi tính vào giá điện

EVN từng hỗ trợ nhiều tỷ đồng xây dựng các trường học ở nhiều địa phương

Việc đưa khoản tiền hoạt động xã hội, từ thiện vào chi phí sản xuất của EVN đồng nghĩa với khách hàng, người sử dụng điện cả nước sẽ phải gánh chung các chi phí trên trong giá điện. Điều này đã khiến EVN từng vấp phải sự phản đối của dư luận khi EVN định gộp cả tiền hiếu, hỷ, chi phí nghỉ mát, khen thưởng cho con em lao động…vào chi phí sản xuất. Cuối năm 2016, một đơn vị thành viên của EVN cũng từng gây bão dư luận khi Tổng công ty Điện lực Miền Bắc (EVN) chi 31 tỷ đồng tiền biển cảnh báo nhưng lại tính vào giá điện. Ngay cả khoản lỗ tỷ giá gần 10.000 tỷ đồng, EVN cũng muốn tính vào giá điện.

Đáng tiếc là sau những sự việc gây bức xúc dư luận nêu trên, đến nay EVN vẫn né tránh dư luận và báo chí, chưa có câu trả lời thỏa đáng.

Tiêu tiền không đúng Nghị định của Chính phủ

Để làm rõ việc tiêu tiền như trên có đúng quy định của pháp luật, phóng viên đã lần giở Quy chế quản lý tài chính của EVN được ban hành kèm theo Nghị định số 10/2017/NĐ-CP của Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành.

Tại  khoản 1 Điều 25 trong Quy chế quản lý tài chính của EVN về chi phí sản xuất kinh doanh có nêu tới 18 nội dung được tính là chi phí sản xuất kinh doanh của EVN. Tuy nhiên, trong số 18 nội dung này, không có nội dung nào liên quan tới việc chi cho hỗ trợ xây trường học hay làm từ thiện, hoạt động xã hội. Vì vậy, việc HĐQT EVN ra nghị quyết sử dụng các khoản chi trên là không đúng quy định của pháp luật, thậm chí có thể nói là lạm quyền, vượt cả quyền đã được quy định trong Nghị định của Chính phủ.

Không những thế, việc EVN vẫn tính khoản hỗ trợ trên vào giá điện và người tiêu dùng sẽ phải gánh chịu là vô lý, đi ngược với nguyên tắc quản lý cũng như những yêu cầu của cơ chế thị  trường, rất cần được Chính phủ chỉ đạo rà soát, chấn chỉnh.  

Hiện EVN là tập đoàn Nhà nước có mức vay nợ lớn nhất. Vốn vay của EVN phần lớn là nợ vay được Chính phủ bảo lãnh. Theo báo cáo được Bộ Tài chính trình lên Chính phủ, công ty mẹ EVN năm 2015 vay thêm 2 tỷ USD nâng mức bảo lãnh nợ vay của Chính phủ đối với EVN lên 9,7 tỷ USD.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, EVN đang xây dựng kịch bản điều hành giá điện năm 2017 trình Thủ tướng phê duyệt. Dù EVN chưa khẳng định sẽ tăng giá điện trong năm nay, nhưng có thể thấy các yếu tố tác động đến đầu vào của ngành điện đang gây áp lực tăng giá điện trong năm 2017.

 

Quang Minh