Hồng Kông lắp 48 camera trên cầu mới Hồng Kông-Chu Hải-Ma Cao để phòng chống khủng bố
Chuyện lạ bốn phương - Ngày đăng : 20:52, 13/10/2018
Các cơ quan chức năng Hồng Kông lo lắng về khoảng 12km trên cầu khi tài xế về mặt kỹ thuật vẫn nằm trong giới hạn thành phố nhưng lại chưa đến các điểm kiểm soát biên giới. Vì thế họ đã cài đặt camera giám sát độ nét cao để ngăn chặn khủng bố trên phần cầu nằm trong địa bàn thành phố dẫn tới Chu Hải và Ma Cao.
Những cảnh quay trong khoảng 30 ngày sẽ được lưu trữ trong khi các sĩ quan chống khủng bố sẽ liên tục tuần tra bằng xe hơi dọc theo cây cầu qua biển dài nhất thế giới này.
Chính phủ cho hay, cây cầu này là một trường hợp rất đặc biệt. Tại các điểm kiểm soát biên giới khác, hành khách khi bước chân vào đất Hồng Kông đều được kiểm soát chặt chẽ. Nhưng vào Hồng Kông qua cây cầu này thì khác. Sau khi khách đặt chân vào phần cầu thuộc thành phố Hồng Kông, họ vẫn còn phải đi 12km nữa mới tới các cơ sở kiểm soát biên giới.
Các nhà chức trách cho hay: “Chúng tôi không thể để họ không bị giám sát suốt 12km đó được. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu ai đó đột nhiên rời khỏi xe của họ ở giữa cầu, chặn đứng giao thông và bắt đầu tấn công mọi người? ”.
Cây cầu lớn dài 55km trị giá nhiều tỉ đô la này bao gồm 3 cầu dây văng và 1 đường ngầm qua biển. Các đoạn được nối với nhau bằng 2 hòn đảo nhân tạo. Cây cầy này sẽ giúp rút ngắn thời gian đi lại giữa ba thành phố lớn chỉ trong vòng 1 giờ đồng hồ. Dự kiến lễ thông cầu sẽ diễn ra vào cuối tháng 10 này, nhưng đoạn cầu chính dẫn tới cảng Hồng Kông được hoãn lại sang tháng 1 năm 2019.
Nguồn tin cho biết 48 camera giám sát đã được thử nghiệm và có chi phí 1,3 triệu đô la Hồng Kông (165.900 USD). Mỗi camera sẽ theo dõi 200 đến 300 mét trên đoạn cầu thuộc thành phố Hồng Kông.
Theo các nhà chức trách: “Hiện tại, Sở Giao thông vận tải vận hành các camera theo dõi giao thông đô thị nhưng chất lượng hình ảnh thấp và chỉ chủ yếu sử dụng với mục đích điều khiển giao thông. Sở Giao thông vận tải cũng vẫn sẽ cài đặt các camera bình thường của họ dọc theo cây cầu, nhưng những hình ảnh không đủ rõ để giám sát các tình huống khẩn cấp. Đó là lý do cảnh sát cần cài đặt những cái tốt hơn.”
Cảnh sát nói rằng cảnh quay được thu thập bởi những chiếc camera này sẽ được sử dụng để phát hiện tội phạm và một số hình ảnh cụ thể sẽ được sử dụng cho những mục đích khác.
Hôm thứ Tư, Văn phòng An ninh đã đệ trình một văn bản cho cơ quan lập pháp của Hồng Kông đưa ra các sáng kiến của mình về việc bảo vệ an ninh tại các cơ sở hạ tầng quan trọng. Chính phủ Hồng Kông vẫn coi trọng việc bảo vệ các cơ sở hạ tầng quan trọng và các nhà chức trách sẽ đánh giá mối đe dọa của các cuộc tấn công khủng bố vào các cơ sở cụ thể và thiết lập các dự án cần thiết cho việc chống khủng bố.
Văn phòng an ninh cho biết họ sẽ kết hợp cả chức năng ghi âm của camera dọc theo cây cầu để tăng cường khả năng giám sát chống khủng bố.
Phát ngôn viên cảnh sát đã xác nhận việc cài đặt hệ thống camera này và nói rằng hậu quả sẽ rất khủng khiếp nếu một cuộc tấn công khủng bố hoặc tội phạm nghiêm trọng xảy ra trên phần Hồng Kông, bởi đoạn cầu này là kết nối duy nhất giữa cầu chính và biên giới của thành phố.
Công trình xây dựng cây cầu lớn này bắt đầu vào năm 2011 và ban đầu dự kiến sẽ được đưa vào sử dụng năm 2016 nhưng vì một vài lí do như tai nạn tại nơi làm việc, một cuộc điều tra tham nhũng, những trở ngại kỹ thuật và vượt quá ngân sách nên tiến độ thi công bị chậm lại tới tháng 1/2018 mới hoàn thành. Tháng trước, ba thành phố đã tổ chức một cuộc thử nghiệm ba ngày để đảm bảo cơ sở hạ tầng đã sẵn sàng để khởi động.
Trước đó, một nhà lãnh đạo nhà nước cho biết dự kiến sẽ làm lễ khai mạc ở Chu Hải vì chính quyền trung ương coi đó là một dự án cấp quốc gia. Chính quyền trung ương và chính quyền tỉnh Quảng Đông đã đóng góp 7 tỷ nhân dân tệ (1 tỷ đô la Mỹ) cho cây cầu, chiếm 44,5 phần trăm trong tổng số 15,73 tỷ nhân dân tệ từ chính phủ đại lục, Hồng Kông và Ma Cao.