Lãnh đạo bộ, ngành khi thôi giữ chức vụ không được kinh doanh ở lĩnh vực mình từng quản lý

Chính trị - Ngày đăng : 22:21, 27/03/2019

Để chuẩn bị triển khai Luật PCTN năm 2018 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2019, dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật này đang được Thanh tra Chính phủ (TTCP) xây dựng nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân cũng như các cơ quan hữu quan.

Khoảng 3,6 nghìn tỷ đô bị thất thoát do tham nhũng

Ngày 27/3, TTCP đã tổ chức hội thảo tham vấn xây dựng nghị định này. Tham dự hội thảo có đại diện TTCP, UNDP, Sứ quán Anh, các đối tác phát triển, cộng đồng doanh nghiệp và tổ chức, cơ quan liên quan.

Phó Tổng TTCP Trần Ngọc Liêm cho biết: Luật PCTN 2018 có nhiều điểm mới như việc mở rộng phạm vi điều chỉnh ra khu vực ngoài nhà nước; việc đánh giá công tác PCTN, xung đột lợi ích và kiểm soát xung đột lợi ích; xử lý hành vi vi phạm pháp luật về PCTN…để triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả và đảm bảo tính khả thi, Luật PCTN đã giao cho Chính phủ quy định chi tiết 15 điều khoản cụ thể.

TTCP đã nghiên cứu xây dựng nghị định chi tiết về việc áp dụng các biện pháp PCTN. Nghị định này có phạm vi điều chỉnh rộng, bao trùm nhiều nội dung mà trước đây đã được quy định trong nhiều nghị định và văn bản khác nhau như các quy định về kiểm soát  xung đột lợi ích; chuyển đổi vị trí công tác; tặng quà và nhận quà tặng…Bên cạnh đó, Nghị định cũng cần quy định chi tiết về việc áp dụng các biện pháp PCTN trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước. Đây có thể coi là nội dung mới và khó, lần đầu tiên Việt Nam quy định về vấn đề này. TTCP sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp để xây dựng dự thảo Nghị định này.

Lãnh đạo bộ, ngành khi thôi giữ chức vụ không được kinh doanh ở lĩnh vực mình từng quản lý

 Ông Trần Ngọc Liêm, Phó Tổng TTCP phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, Phó đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh: Tham nhũng là một trong những cản trở lớn nhất trong quá trình tiến tới đạt được mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030. Mặc dù nhiều nước đã rất nỗ lực, nhưng ước tính hàng năm có khoảng 3,6 nghìn tỷ đô la sẽ bị thất thoát do tham nhũng. Đã đến lúc cần có những hành động quyết liệt hơn.

Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực trong công tác phòng chống tham nhũng thời gian quan như: Phê chuẩn Công ước Phòng chống tham nhũng của Liên Hợp quốc năm 2009; sửa đổi Bộ luật Hình sự bao gồm những thay đổi lớn trong chính sách xử lý hình sự đối với các tội phạm về tham nhũng và thông qua Luật PCTN mới vào năm 2018. Đặc biệt, một trong những điểm mới trong Luật là việc mở rộng phạm vi phòng chống tham nhũng ra khu vực tư nhân. Tất cả những nỗ lực này thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 vì Mục tiêu Phát triển bền vững, trong đó “Giảm đáng kể tham nhũng và hối lộ dưới mọi hình thức” là một trong những chỉ số chính.

UNDP đã và đang hỗ trợ các đối tác Việt Nam trong quá trình xây dựng và thực hiện Luật PCTN. Dự thảo Nghị định được đưa ra thảo luận tại hội thảo để hướng dẫn chi tiết việc thực hiện một số điều trong Luật PCTN. Đây là bước đầu quan trọng nhằm đưa Luật vào cuộc sống, tạo nền tảng cho Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp phối hợp thực hiện Luật PCTN mới.

Xử lý việc tặng và nhận quà tặng

Giới thiệu dự thảo Nghị định, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế TTCP cho biết, có nhiều nội dung mới đáng chú ý trong 11 chương của dự thảo.

Ông Nguyễn Tuấn Anh cũng cho biết, dự thảo quy định rõ việc tặng quà và nhận quà tặng. Cụ thể, cơ quan, tổ chức, đơn vị khi nhận được quà tặng không đúng quy định thì phải từ chối; trường hợp không từ chối được thì phải giao lại quà tặng cho bộ phận chịu trách nhiệm quản lý quà tặng của cơ quan, đơn vị đó để xử lý theo quy định. Người có chức vụ, quyền hạn khi nhận được quà tặng không đúng quy định thì phải từ chối; trường hợp không từ chối được thì phải báo cáo thủ trưởng và nộp lại quà tặng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị mình trong thời hạn 5 ngày làm việc.

Việc xử lý quà tặng được nêu rõ, quà tặng bằng tiền, giấy tờ có giá, thủ trưởng nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định; quà tặng bằng hiện vật thì xác định giá trị và bán công khai để nộp vào ngân sách nhà nước…Cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn chỉ được sử dụng tài chính công, tài sản công để làm quà tặng vì mục đích từ thiện, đối ngoại và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ cao cấp, người có công với cách mạng. Việc tặng quà phải theo đúng quy định của pháp luật về chế độ, tiêu chuẩn, đối tượng.

Cơ quan, tổ chức, đơn vị khi nhận được quà tặng không đúng quy định thì phải từ chối; trường hợp không từ chối được thì phải giao lại quà tặng cho bộ phận chịu trách nhiệm quản lý quà tặng của cơ quan, đơn vị đó để xử lý theo quy định tại dự thảo Nghị định này.

Cũng theo ông Nguyễn Tuấn Anh, tiêu chí đánh giá công tác PCTN khó khăn do thu thập dữ liệu, phương pháp tổ chức, quá trình thẩm định, nguồn lực thực hiện... Quy định về nhận quà và nhận quà tặng trên cơ sở kế thừa Quyết định 64 của Chính phủ. Riêng đối với trường hợp nhận quà tặng, Luật quy định cấm tất cả các trường hợp.Tuy nhiên, dự thảo Nghị định cũng quy định đối với một số trường hợp tặng vì mục đích đối ngoại.

Trong các quy định của dự thảo nghị định, đáng chú nữa ý là quy định các trường hợp người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành DN tư nhân sau khi thôi giữ chức vụ.

Cụ thể: Dự thảo quy định lãnh đạo, quản lý của 14 bộ, ngành thôi giữ chức vụ không được kinh doanh ở lĩnh vực mình quản lý được chia làm 4 nhóm.

Nhóm 1 quy định, quan chức về hưu hoặc thôi việc không được kinh doanh lĩnh vực mình quản lý trong thời gian 12-24 tháng. Đó là các Bộ: Công Thương; GTVT; KH-ĐT; LĐ-TB-XH; NN-PTNT; Tài chính; TN&MT; TT&TT; Xây dựng; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN; Bộ Tư pháp;Thanh tra Chính phủ; Văn phòng Chính phủ.

Nhóm 2 gồm 6 bộ ngành: Bộ GG-ĐT; Bộ KH-CN; Bộ VH-TT-DL; Bộ Y tế; Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Ủy ban Dân tộc, quan chức đã nghỉ không được kinh doanh trong 6-12 tháng.

Nhóm 3 gồm các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của các Bộ: Công an; Quốc phòng; Ngoại giao sẽ do Bộ trưởng của 3 bộ này ban hành thời hạn không được kinh doanh đối với người thôi giữ chức vụ thuộc lĩnh vực đặc thù.

Nhóm 4 gồm chương trình, dự án, đề án, kế hoạch do người thôi giữ chức vụ khi đang là cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp nghiên cứu, xây dựng hoặc thẩm định, phê duyệt.

Góp ý để xây dựng dự thảo, TS Cartherine Phương, chuyên gia của UNDP cho rằng: Dự thảo Nghị định cần có một số mục tiêu thực hiện và để đảm bảo sự tuân thủ pháp luật phải có sự hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.

Tại Pháp, khi hướng dẫn về vấn đề này đã đưa ra quy định cụ thể về đối tượng điều chỉnh, những hành vi bị cấm, những hành vi được thực hiện… Hay về hoạt động thanh tra, thủ tục tiến hành trên thực tế như thế nào, phạm vi thanh tra đến đâu, để các doanh nghiệp biết cách ứng xử.

Dẫn ra kinh nghiệm PCTN của Hàn Quốc, chuyển đổi tất cả các giao dịch bằng tiền mặt sang giao dịch điện tử; họ đưa cho các công ty sử dụng loại thẻ tín dụng chỉ dùng trong một số mục đích cụ thể mà thôi. Nhiều quốc gia khác, họ đều có hướng dẫn mang tính tích cực, họ cũng đưa ra các hệ quả pháp lý để các DN cân nhắc thực hiện, nên Việt Nam cũng cần tham khảo.

Với dự thảo Nghị định của Việt Nam, cần quan tâm đặc biệt đến lĩnh vực ngoài nhà nước, cần rà soát những quy định hiện hành bởi: Một công ty tư nhân hoạt động ở Việt Nam, họ phải hiểu được cụ thể điều khoản nào, quy định nào và nghĩa vụ thực hiện của họ ra sao trong quá trình thực thi Luật PCTN, bà Cartherine Phương nhấn mạnh.

Mai Thoa