"Vì một xã hội không bạo lực, không xâm hại trẻ em"

Chính trị - Ngày đăng : 06:25, 01/06/2012

Mỗi năm có khoảng 1.000 trẻ em bị xâm hại tình dục, trong đó trẻ bị hiếp dâm chiếm 65,9%. Tình trạng bạo lực đối với trẻ em vẫn diễn ra khá phổ biến, bình quân mỗi năm có từ 3.000-4.000 vụ.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa phối hợp với tỉnh Thanh Hóa tổ chức lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2012 với chủ đề "Vì một xã hội không bạo lực, không xâm hại trẻ em". Tháng hành động vì trẻ em hằng năm là tháng cao điểm của phong trào toàn xã hội tham gia bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nhằm thực hiện tốt hơn nữa các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

“Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”

Theo cơ quan chức năng, trung bình mỗi năm có khoảng 1.000 trẻ em bị xâm hại tình dục. Năm 2006-2010 có 7.861 vụ xâm hại trẻ em; bắt giữ 9.655 đối tượng gây án và 8.426 trẻ em bị xâm hại (32% là nam và 68% là nữ), trong đó, tội phạm xâm hại tình dục trẻ em chiếm 58,8% số vụ xâm hại trẻ em; Có 2.709 vụ là tội hiếp dâm trẻ em và 2.718 trẻ em trong cả nước bị cưỡng bức bị phát giác, bình quân, một năm có gần 1.000 trẻ em bị xâm hại tình dục. Chỉ tính riêng trong năm 2011, tội phạm xâm hại trẻ em trên toàn quốc phát hiện được gần 1.500 vụ, hơn 1.600 đối tượng gây án, 1.640 em bị xâm hại. Những địa phương xảy ra nhiều vụ xâm hại trẻ em là Hà Nội, Hà Nam, Sơn La, Bình Định, Tp. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Đắc Lắc, Long An, Kiên Giang, An Giang…

Các đối tượng xâm hại trẻ em chủ yếu từ 18 tuổi trở lên là những đối tượng làm nghề tự do hoặc không nghề nghiệp. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng tội phạm xâm hại trẻ em ngày càng phức tạp, một phần do mặt trái của nền kinh tế thị trường đã tác động trực tiếp đến đời sống của từng gia đình, mỗi cá nhân và những nhu cầu hưởng thụ, trong đó có nhu cầu hưởng thụ ích kỷ. Một số người có lối sống buông thả, thích đua đòi ăn chơi và một số bị suy thoái phẩm chất đạo đức dẫn đến phạm tội nhằm thỏa mãn nhu cầu dục vọng thấp hèn. Một số trẻ em bị xâm hại tình dục là do có sử dụng rượu bia dẫn đến mất tự chủ, bị tác động bởi phim ảnh đồi trụy. Một số xuất phát từ sự nuông chiều của gia đình, hẹp hòi hay hủ hóa, biến chất, hoặc phát sinh tội phạm mới như: mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em, tổ chức cho trẻ em đi ăn xin và sử dụng trái phép các chất ma túy…

Về biện pháp đề phòng “yêu râu xanh” xâm hại tình dục các em, nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng, gia đình và nhà trường nên dạy kỹ năng cho trẻ em, giúp các em phòng tránh bị xâm hại tình dục trong mọi tình huống. Nên đưa đón trẻ em đúng giờ, hướng dẫn cho các em sử dụng các loại hình giải trí lành mạnh. Giúp trẻ phân biệt ai có thể trở thành “yêu râu xanh”. Qua các vụ án được đưa ra xét xử cho thấy, phần lớn kẻ xâm hại là người mà trẻ quen biết hoặc tin tưởng như khách quen của gia đình, hàng xóm, anh chị hoặc bạn lớn tuổi, thậm chí cả họ hàng thân thích. “Yêu râu xanh” thường làm quen và dụ dỗ để tìm thời cơ tiếp cận ở trường, sân chơi, nhà hàng xóm hoặc tại chính nhà của trẻ. Bước tiếp theo là tặng quà và tìm cách đưa trẻ đi chơi, tìm cách đụng chạm, sờ mó, nếu bị phản ứng dữ dội, thông thường “yêu râu xanh” sẽ ngừng hành vi xâm hại trẻ.

Luật pháp nước ta xử lý rất nghiêm khắc tội phạm hiếp dâm trẻ em, bị cáo phải chịu hình phạt cao nhất là tử hình (khoản 3, Điều 112 BLHS). Song, công tác phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em là trách nhiệm chung của gia đình, nhà trường và xã hội. Theo ý kiến của nhiều phụ huynh học sinh, nên đưa việc phòng tránh xâm hại trẻ em, trong đó hành vi xâm hại tình dục trẻ em trở thành môn học chính của các trường tiểu học và trung học cơ sở.

Tùng Lâm