Hoàn thiện thể chế: Cần xử lý ngay các quy định “trái khoáy”
Chính trị - Ngày đăng : 09:45, 09/03/2019
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp
Chiều ngày 8/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định xây dựng, hoàn thiện thể chế là một khâu đột phá. Nhắc nhở các bộ ngành về một số vấn đề như còn tình trạng “giao khoán” công tác xây dựng thể chế cho thứ trưởng, vụ trưởng, thậm chí chuyên viên, có dự thảo còn làm sơ sài, thiếu trách nhiệm, đưa tư duy cũ hay tư tưởng bao cấp, xin cho, lợi ích nhóm vào trong văn bản, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành phải tập trung hơn, dành nhiều thời gian hơn cho công tác này, các Bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo, bảo đảm chất lượng thể chế.
“Chấm dứt việc đưa tư duy cũ, tư tưởng bao cấp, “xin-cho” vào các văn bản”, Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu phải làm tốt hơn, xử lý các quy định “trái khoáy”, giải phóng sức sản xuất, không để tình trạng “chạy qua chạy lại, xin cho, quy định không rõ ràng để người dân kêu ca, phải xếp hàng chờ đợi”, tạo môi trường phát triển tốt hơn cho đất nước.
Nhấn mạnh vai trò quan trọng của bộ chủ trì soạn thảo, của Bộ Tư pháp đối với xây dựng văn bản pháp luật, Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ phát biểu, góp ý về những vấn đề còn chưa thỏa đáng.
Dự án Luật Đầu tư công: Tăng cường trách nhiệm giám sát
Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đã thảo luận về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng; dự án Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam do Bộ Công an xây dựng; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương do Bộ Nội vụ xây dựng; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức do Bộ Nội vụ xây dựng; việc thực hiện Nghị quyết triển khai thi hành Luật Quy hoạch.
Về dự án Luật Đầu tư công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ cho ý kiến về một số nội dung như về tiêu chí phân loại dự án (dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, B, C, dự án khẩn cấp, dự án không phải quyết định chủ trương đầu tư); về quản lý dự án sử dụng nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài; về thẩm quyền xem xét, quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn; về nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực Hội đồng nhân dân…
Đối với dự án Luật này, Thủ tướng nêu rõ tinh thần tăng cường trách nhiệm của cơ quan điều hành, cơ quan hành pháp còn Quốc hội tăng cường giám sát. Chính phủ có trách nhiệm chi tiêu đúng quy định, xử lý đúng quy trình pháp luật. Trong đó, công tác chuẩn bị đầu tư vô cùng quan trọng.
Về tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, B, C theo tiêu chí giá trị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần tiếp tục phối hợp với Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội rà soát, chỉnh lý, hoàn thiện quy định, đồng bộ về tiêu chí mức vốn, tiêu chí ngành, lĩnh vực, giải trình thuyết phục căn cứ điều chỉnh tiêu chí, quy mô dự án, bảo đảm đồng bộ tiêu chí phân loại dự án gắn với thẩm quyền của mỗi cấp quyết định dự án. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần phân cấp mạnh mẽ cho các cấp, các ngành về vấn đề này.
Về trình tự, thủ tục, thẩm quyền trình, đề xuất dự án đối với nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, một vấn đề liên quan đến nợ công, Thủ tướng cho rằng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính cần có sự phối hợp chặt chẽ, phân rõ trách nhiệm, phù hợp với Luật Quản lý nợ công, bảo đảm thông suốt ngay từ đầu.
Về thẩm quyền xem xét, quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn, Thủ tướng nhấn mạnh, cần bám sát, theo đúng tinh thần Hiến pháp, vấn đề không phải là “quyền anh, quyền tôi, quyền của ai” mà là nguyên lý phân định chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan của bộ máy Nhà nước.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần tiếp tục phối hợp với cơ quan chủ trì thẩm tra để thảo luận một số tiêu chí, một số việc liên quan còn có ý kiến khác nhau.
Triệt để cải cách hành chính
Về dự án Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, tờ trình của Bộ Công an cho biết còn có ý kiến khác nhau về thời hạn của hộ chiếu phổ thông không gắn chíp điện tử và hộ chiếu phổ thông có gắn chip điện tử; về xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân…
Kết luận nội dung này, Thủ tướng cho rằng, việc gắn chip hộ chiếu chỉ là giải pháp công nghệ để quản lý, không ảnh hưởng đến giá trị hộ chiếu, do đó, hộ chiếu có gắn chip hay không đều có thời hạn như nhau, không quá 10 năm. Đây cũng là kinh nghiệm chung của các nước. Thủ tướng cũng nhất trí phương án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia chung về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân; Bộ Công an cần thống nhất với Bộ Ngoại giao về cơ chế phối hợp quản lý, chia sẻ, khai thác dữ liệu, bảo đảm hiệu quả, thông suốt.
Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ cho biết dự án Luật dự kiến sửa đổi, bổ sung 3 điều của Luật Tổ chức Chính phủ và 23 điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương theo các vấn đề đã được định hướng trong Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, các Nghị quyết Hội nghị Trung ương khóa XII và các Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị; khắc phục các bất cập, vướng mắc trong thực tiễn.
Kết luận nội dung này, Thủ tướng nhấn mạnh vấn đề phân cấp, phân quyền. Bộ Nội vụ tiếp tục rà soát, hoàn thiện thêm, với tinh thần là triệt để cải cách hành chính, làm rõ thẩm quyền, trách nhiệm, tăng cường hậu kiểm, việc gì địa phương làm tốt hơn, cấp dưới làm nhanh hơn mà vẫn bảo đảm kiểm soát tốt quyền lực thì phân cấp, không ôm đồm lên trung ương, lên cấp trên. Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ để hoàn thiện dự án luật, báo cáo Thủ tướng trước khi trình cấp có thẩm quyền.
Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, Bộ Nội vụ cho biết dự án có nhiều nội dung nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng như không thực hiện chế độ công chức trong đơn vị sự nghiệp công lập, tách người quản lý doanh nghiệp nhà nước khỏi chế độ công chức, viên chức; tạo sự đồng bộ, liên thông, nhất quán trong hệ thống chính trị và phù hợp với thực tế; phân quyền cho các bộ, ngành, địa phương; thực hiện chế độ hợp đồng viên chức có thời hạn; cùng các quy định mới về thu hút nhân tài, xét nâng ngạch công chức, bổ nhiệm lại, giải quyết nghỉ hưu với cán bộ, công chức bị kỷ luật… Thủ tướng đã cho ý kiến về một số nội dung cụ thể trong dự án Luật này.
Về thực hiện Nghị quyết triển khai thi hành Luật Quy hoạch, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần phải tích hợp quy hoạch, bỏ bớt quy hoạch không cần thiết. Cần làm đúng thẩm quyền, công khai, minh bạch rõ hơn, để không xảy ra tiêu cực, lách quy hoạch, chạy quy hoạch. Quy hoạch phải tạo điều kiện tốt nhất cho sản xuất, kinh doanh, đời sống của người dân. Cần phối hợp tốt trong lập quy hoạch.