Xử lý hình sự tội phạm lĩnh vực BHXH: Nhiều DN nợ BHXH, BHYT kéo dài
Doanh nghiệp - Doanh nhân - Ngày đăng : 08:00, 27/11/2019
Tình trạng nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đang xảy ra ở nhiều địa phương trên cả nước, trong đó hai thành phố lớn là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh có nhiều đơn vị nợ “khủng”.
Theo công bố của BHXH TP Hà Nội, tính đến hết tháng 9/2019, tổng số nợ BHXH phải tính lãi trên địa bàn thành phố là 1.989,4 tỉ đồng.
BHXH thành phố Hà Nội cho biết, trong số các doanh nghiệp nợ BHXH có 500 doanh nghiệp có số nợ lớn, kéo dài từ 6 đến 24 tháng, xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của 13.346 lao động với số tiền hơn 274 tỷ đồng. Đây đều là những doanh nghiệp có xu hướng gia tăng nợ theo thời gian do phát sinh lãi chậm đóng, gây ảnh hưởng xấu đến an sinh xã hội trên địa bàn.
Ảnh minh họa
Theo BHXH Hà Nội, nhiều doanh nghiệp cố tình trốn đóng, tìm mọi cách lách luật để không tham gia BHXH, BHTN cho người lao động. Cũng có những đơn vị sử dụng lao động không chấp hành quyết định thanh tra, kiểm tra; không phối hợp cung cấp hồ sơ, tài liệu khi đoàn thanh tra đến làm việc; không chấp hành nộp tiền phạt theo các quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã ban hành...
Cuối tháng 10/2019, BHXH Hà Nội cũng đã làm việc với 5 doanh nghiệp để nợ kéo dài, dẫn đến số tiền nợ đọng, chậm đóng BHXH đã nhiều càng nhiều hơn gồm Công ty Cổ phần Cơ khí Xây dựng 121 – CIENCO1; Công ty Cổ phần LILAMA3.3; Công ty Cổ phần Hoàng An; Công ty Cổ phần Kỹ thuật nền móng và Xây dựng 20; Công ty Cổ phần LILAMA3.
Tại TP Hồ Chí Minh, đến nay, cơ quan BHXH đã đề nghị Công an vào cuộc điều tra tổng cộng hơn 30 DN có dấu hiệu trốn đóng BHXH. Còn tại Đồng Nai, tình trạng nợ BHXH cục bộ trong 9 tháng của năm 2019 trên địa bàn tỉnh này vẫn ở mức cao, thời gian nợ kéo dài. Trong tổng số 495,5 tỷ đồng tiền nợ bảo hiểm, có 357,1 tỷ đồng là nợ BHXH, còn lại là nợ bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), nợ lãi.
Cả nước hiện có 610.000 doanh nghiệp đang hoạt động, thế nhưng theo số liệu của BHXH Việt Nam thì chỉ 327.000 doanh nghiệp tham gia BHXH. Như vậy, còn tới 283.000 doanh nghiệp chưa tham gia BHXH cho người lao động. Đương nhiên, trong số đó có những doanh nghiệp nhỏ, số lao động thời vụ, nhưng cũng có doanh nghiệp cố tình né đóng BHXH cho người lao động.
Một thông tin được Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đưa ra tại phiên họp thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH và quản lý, sử dụng Quỹ BHXH năm 2018 của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, đến nay Quỹ BHXH đang có tổng số nợ khó thu lên đến 2.500 tỷ đồng vì doanh nghiệp “mất tích”, phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn.
Theo Báo cáo số 1387 ngày 2/5/2019 của BHXH Việt Nam gửi Bộ LĐ-TB&XH, đến tháng 12/2018, cả nước có 23.784 DN phá sản, giải thể, có chủ là người nước ngoài bỏ trốn; DN mất tích; DN chờ phá sản, giải thể không còn khả năng giao dịch. Những DN này còn nợ BHXH, BHYT với tổng số tiền trên 2.902,1 tỉ đồng và có 76.253 lao động bị ảnh hưởng.
Trước tình trạng nợ BHXH, BHYT, BHTN có diễn biến ngày càng phức tạp, BHXH các địa phương đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt nhằm thu hồi nợ đọng, trong đó có biện pháp kiên quyết chuyển hồ sơ DN nợ BHXH, BHYT, BHTN kéo dài sang cơ quan công an đề nghị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.
Trước đó, lãnh đạo BHXH Việt nam cũng đã yêu cầu đến hết năm 2019, BHXH các địa phương tập trung tập trung triển khai hiệu quả công tác thu và phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT và BHTN. Trong đó, tập trung khai thác dữ liệu thuế phục vụ phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thanh tra chuyên ngành, thanh tra đột xuất đối với các đơn vị nợ, đơn vị chưa tham gia BHXH hoặc tham gia chưa đủ số lao động; kiên quyết chuyển cơ quan điều tra xử lý đối với các đơn vị cố tình vi phạm.
Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bổ sung thêm 3 tội danh liên quan đến lĩnh vực BHXH, gồm: Tội gian lận BHXH, BHTN (Điều 214); Tội gian lận BHYT (Điều 215); Tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động (Điều 216). Để các quy định được áp dụng thống nhất, đúng pháp luật trong thực tiễn, Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã quy định rõ những hình phạt cho tội danh gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; gian lận bảo hiểm y tế và trốn đóng BHXH, BHYT cho người lao động. Nghị quyết là cơ sở để xử lý các vụ việc nợ đọng BHXH, bảo đảm quyền lợi cho người lao động, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, là công cụ quan trọng để cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện hiệu quả công tác quản lý BHXH, BHYT, BHTN. |