Sáng kiến 'giải khó' cho bảo hiểm thất nghiệp

Doanh nghiệp - Doanh nhân - Ngày đăng : 06:30, 15/10/2018

Quá trình triển khai và thực hiện công tác chi trả bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) hiện nay còn nhiều vướng mắc, bất cập và cần có những sáng kiến hợp lý để giải bài toán này.

Nhận diện vướng mắc trong thực tế

Vấn đề thất nghiệp và đảm bảo cuộc sống của người thất nghiệp từ trước đến nay luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Các chính sách đều hướng đến đảm bảo an sinh xã hội cho người dân. Qua đó, giúp người dân ổn định cuộc sống trong thời gian tìm công việc mới phù hợp.

BHTN được xem là “cứu cánh” cho người lao động. Tuy nhiên, quá trình triển khai và thực hiện công tác chi trả BHTN hiện nay còn nhiều vướng mắc, bất cập gây khó khăn cho phía BHXH cũng như lòng tin của người dân. Điều đó cũng phần nào lý giải được tại sao người dân không “mặn mà” với BHTN.

Sáng kiến 'giải khó' cho bảo hiểm thất nghiệp

Anh Nguyễn Công Chánh, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Kiên Giang

Nhiều năm kinh nghiệm công tác trong Bảo hiểm xã hội (BHXH), hơn ai hết anh Nguyễn Công Chánh, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Kiên Giang là người thấu hiểu sự bất cập và khó khăn của người dân khi nhận bảo hiểm thất nghiệp. Để phần nào góp phần giải quyết khó khăn đó, anh đã ấp ủ và hình thành sáng kiến “Đẩy mạnh công tác phối kết hợp trong quản lý chi trả kịp thời người hưởng chế độ BHTN hàng tháng trên địa bàn tỉnh Kiên Giang”

Hiện tại mỗi tháng, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang có khoảng 4.000 người hưởng trợ cấp BHTN hàng tháng, với số tiền gần 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc chuyển tiền và vận chuyển tiền về các điểm chi trả lại  tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vừa tốn công sức, tiền của nhưng thủ tục lại rườm rà, kém hiệu quả. Phí chuyển tiền, rút tiền cao cho từng món dịch vụ. Hàng ngày phải cập nhật số liệu và danh sách chi trả từ phía Trung tâm dịch vụ việc làm chuyển sang nên tốn rất nhiều thời gian. Đồng thời, tạo sự phiền hà và chậm trễ, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người lao động.

Anh Nguyễn Công Chánh, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Kiên Giang cho biết, theo quy trình, ngay khi người lao động nghỉ việc thì trong vòng 3 tháng sẽ đến Trung tâm dịch vụ việc làm đăng ký hưởng trợ cấp BHTN. Sau khi có quyết định hưởng trợ cấp thì trong vòng 5 ngày (kể từ ngày trình diện là chưa có việc làm) thì BHXH tỉnh lập danh sách, chuyển cho bưu điện để chi trả tiền và in cấp thẻ BHYT cho người hưởng.

Như vậy, khi Trung tâm gửi quyết định hưởng trợ cấp về BHXH tỉnh thì sẽ tiến hành rà soát, đối chiếu, phân loại xem người lao động đã có việc làm chưa. Nếu chưa thì lập danh sách chuyển bưu điện chi trả. Nếu đã có việc làm, thì báo về Trung tâm thu hồi quyết định hưởng trợ cấp.

“Quy trình trên mất khá nhiều thời gian. Hơn nữa, số người hưởng rất nhiều nếu không có động thái trong quản lý sẽ khó kiểm soát và gây khó khăn trong chi trả. Đồng thời, công tác nhập liệu, theo dõi chỉ bằng thủ công, thời gian lại gấp rút chỉ trong vài ngày nên dễ dẫn đến sai sót và chậm trễ việc cấp tiền và thẻ BHYT đến tận tay người hưởng. Điều đó làm ảnh hưởng đến quyền lời của người dân lao động”, anh Chánh nói.

Sáng kiến giải quyết khó khăn

Để giải quyết vấn đề đó, anh Chánh cho rằng, cần nâng cao trách nhiệm và vai trò của người quản lý, viên chức trong thực thi nhiệm vụ. Đồng thời, đảm bảo độ chính xác trong quản lý người hưởng cũng như việc sử dụng nguồn quỹ.

Theo đó, anh đề nghị sử dụng mã vạch trong trợ cấp BHTN cho người lao động. Cụ thể, khi người dân đăng ký hưởng trợ cấp thì Trung tâm sẽ cấp cho 1 mã vạch để giúp cho công tác đọc dữ liệu khi người lao động đến trình diện và khai báo chưa có việc làm. Khi có quyết định được hưởng trợ cấp thì chuyển danh sách cho BHXH tỉnh rà soát và phản hồi kịp thời thông tin hai chiều.

“Nên phối hợp với ngân hàng mở thẻ miễn phí và phát ngay cho người lao động khi đến đăng ký hưởng trợ cấp. Cạnh đó, phối hợp bưu điện quản lý người hưởng qua phần mềm đọc mã vạch không cần nhập lại thông tin sẽ tiết kiệm thời gian. Theo đó, khi người lao động trình diện lần đầu tiên thì toàn bộ dữ liệu sẽ được chuyển ngay đến BHXH và cơ quan này có 3 ngày để hoàn thiện danh sách và chuyển sang bưu điện để kịp thời chuyển tiền cho người lao động”, anh Chánh chia sẻ.

Nói về hiệu quả của sáng kiến này, anh Chánh cho rằng, nếu đưa vào áp dụng sẽ góp phần kiểm soát rủi ro, ngăn chặn việc lạm dụng trong quá trình xét duyệt hồ sơ. Từ đó, tạo niềm tin cho người lao động vào các chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.  Đồng thời, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung theo tiến trình phát triển của xã hội.

Với sáng kiến trên, anh Chánh tin tưởng chỉ cần 3-5 ngày thì tiền sẽ đến tận tay người lao động. Đồng thời cắt giảm được thời gian của người quản lý, thời gian đi lại của người lao động.

“Nếu như trước đây người lao động hàng tháng phải đi trình diện đến 5 lần tại các điểm mới nhận được tiền và thẻ BHYT (1 lần khai báo, 1 lần trình diện chưa có việc làm, 1 lần trình diện Bưu điện, 1 lần nhận tiền, 1 lần nhận thẻ) nhưng với sáng kiến này mỗi tháng chỉ mất có 2 lần trình diện (1 lần khai báo, 01 lần trình diện)”, anh Chánh cho biết

Ngoài ra, công tác phối hợp giữa 4 bên cũng sẽ nhẹ nhàng hơn nhưng hiệu quả lại tăng cao và cắt giảm được chi phí, thời gian lao động. Sau khi có danh sách của người hưởng và đã được chi trả 100% qua thẻ ATM, bưu điện chỉ thực hiện chuyển 1 lần danh sách từ tỉnh đến các huyện làm giảm đáng kể chi phí chuyển tiền. Đồng thời, khắc phục được tình trạng quản lý thất thoát tiền mặt, chi phí bảo quản vận chuyển tiền cũng lớn. Đảm bảo an ninh trong công tác quản lý nguồn vốn chặt chẽ.

Sáng kiến trên còn góp phần đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm thời gian và ngày giờ công của công chức quản lý và viên chức thực hiện chuyên môn. Đồng thời, giúp nâng cao trách nhiệm của công chức, viên chức trong đạo đức công vụ, thực thi nhiệm vụ được giao. Đảm bảo đúng đối tượng thụ hưởng, tránh được những trường hợp lạm dụng, lãng phí tiền Nhà nước. Qua đó, góp phần nâng cao uy tín và tạo sự tín nhiệm đối với người tham gia, tạo sự đồng tình ủng hộ cao của cộng đồng xã hội.
 

L.Đ-Đ.T