Nỗ lực giảm nợ BHXH, đảm bảo quyền lợi người lao động
Doanh nghiệp - Doanh nhân - Ngày đăng : 07:14, 28/12/2017
Phấn đấu giảm nợ xuống còn khoảng 2,5%
Tại Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về BHXH, BHYT tháng 12/2017, ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết năm 2017, số người tham gia BHXH bắt buộc là 13,52 triệu người; BH thất nghiệp 11,72 triệu người; BHXH tự nguyện 291 nghìn người; BHYT 81 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 86% dân số.
Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về BHXH, BHYT tháng 12/2017 của BHXH Việt Nam.
Toàn ngành thu 289.349 tỷ đồng, đạt 101% so với kế hoạch giao; trong đó, thu BHXH là 194.943 tỷ đồng; thu BH thất nghiệp là 13.263 tỷ đồng; thu BHYT là 81.143 tỷ đồng. Toàn ngành cấp 13,5 triệu sổ BHXH, đạt tỷ lệ 99,3% trên tổng số đối tượng tham gia BHXH; cấp được 78,2 triệu thẻ BHYT. Thực hiện Luật BHXH, ngành BHXH đã bàn giao khoảng 9,1 triệu sổ BHXH, đạt trên 70% so với tổng số sổ BHXH phải bàn giao cho người lao động.
Đặc biệt, theo Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, năm 2017, số tiền nợ đã giảm đáng kể. Nếu như tháng 11/2017, số tiền nợ là hơn 10.000 tỷ đồng thì hiện nay đã giảm xuống còn 5.737 tỷ đồng, chiếm 3,0% số kế hoạch thu BHXH do Thủ tướng Chính phủ giao, giảm 0,8% so với năm 2016. Trước đó, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cũng đã chỉ đạo BHXH các tỉnh tập trung mọi nguồn lực để đôn đốc kiểm tra, thanh tra, đặc biệt là thanh tra đột xuất các đơn vị sử dụng lao động nợ đọng từ 03 tháng trở lên, phải đóng đủ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trước thời điểm 31/12/2017; phấn đấu phấn đấu đến hết 31/12/2017 số nợ còn khoảng 2,5%. Trường hợp cần thiết, cử cán bộ trực tiếp đi kiểm tra, giám sát tại BHXH các tỉnh đến hết ngày 31/12/2017. Vụ Thanh tra - Kiểm tra chủ trì phối hợp với Ban Thu lập danh sách, chỉ rõ các đơn vị nợ đọng cần tập trung thanh tra chuyện ngành đột xuất đặc biệt là những doanh nghiệp nợ đọng trên địa bàn các tỉnh, thành phố có số thu, số nợ lớn; thực hiện cao điểm đến hết năm 2017.
Liên quan đến việc giải quyết chế độ cho người lao động, ông Phạm Lương Sơn cho biết năm 2017, toàn ngành giải quyết cho 9,9 triệu lượt người hưởng các chế độ BHXH, trong đó: 141.695 người hưởng BHXH hàng tháng; 717.053 lượt người hưởng BHXH 1 lần; 9,1 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe.
BHXH Việt Nam đã phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội giải quyết cho khoảng 694.323 lượt người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp và 35.167 người hưởng chế độ hỗ trợ học nghề. Thanh toán chi phí KCB BHYT cho 169 triệu lượt người khám, chữa bệnh nội trú và ngoại trú.
Năm 2017, chi BHXH, BHYT, BHTN toàn ngành 270.316 tỷ đồng; trong đó, chi BHXH từ nguồn Ngân sách 45.170 tỷ đồng, chi BHXH từ Quỹ BHXH 132.474 tỷ đồng, chi Quỹ BHTN 7.422 tỷ đồng và chi KCB BHYT 85.250 tỷ đồng.
Sẽ đảm bảo quyền lợi của lao động nữ
Trả lời câu hỏi của báo chí về vấn đề có điều chỉnh tỉ lệ tính lương hưu của lao động nữ nghỉ hưu từ 1/1/2018, ông Đỗ Ngọc Thọ Phó Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH cho biết, đến thời điểm này cơ quan BHXH vẫn chưa nhận được bất kỳ ý kiến nào từ cấp thẩm quyền về việc thay đổi cách cách tính lương hưu và BHXH Việt Nam vẫn thực hiện theo quy định của Luật BHXH 2014. Theo đó, lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi thì 15 năm đóng BHXH được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Sau khoảng thời gian trên, cứ thêm mỗi năm đóng BHXH, người lao động được tính thêm 2%. Với việc thay đổi cách tính này, lao động nữ đủ 55 tuổi, nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi phải có đủ 30 năm đóng BHXH mới được hưởng tối đa 75% (so với trước năm 2018 chỉ cần có đủ 25 năm đóng BHXH là được hưởng tỉ lệ tối đa 75%). Sau ngày 1/1/2018, lao động nữ nghỉ hưu đóng đủ 25 năm BHXH thì chỉ được hưởng 65% tiền lương tháng đóng BHXH.
Thông tin thêm về vấn đề này, ông Phạm Lương Sơn cũng cho biết, năm 2018 sẽ có khoảng 50.000 lao động nữ nghỉ hưu, trong đó có trên 21.000 người có thời gian đóng BHXH dưới 30 năm, có tỉ lệ hưởng lương hưu thấp hơn từ 5- 10%. Tại thời điểm ngày 1/1/2018 sẽ có 3.000 lao động nữ bị ảnh hưởng bởi chính sách này. “Trước đó Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và BHXH Việt Nam đã tham gia trình Chính phủ đề xuất phương án áp dụng lộ trình tính lương hưu cho nữ giới để giảm thiệt thòi cho đối tượng này. Tuy nhiên, để vấn đề này được thực thi phải do Quốc hội thông qua”- ông Phạm Lương Sơn chia sẻ.
Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn cũng cho biết, trong lúc chờ quyết định của Quốc hội, cơ quan BHXH phải tuân thủ quy định của Luật BHXH và sẽ áp dụng. Trong trường hợp Quốc hội đồng ý sửa Luật BHXH, thông qua phương án điều chỉnh cách tính lương hưu cho nữ theo lộ trình và hướng dẫn hồi tố cho những người lao động bị giảm lương hưu từ 1/1/2018 do quy định của Luật BHXH thì cơ quan BHXH Việt Nam sẽ thực hiện để đảm bảo lao động nữ không bị thiệt thòi.