Hướng đi nào cho cho gạo Việt Nam

Doanh nghiệp - Doanh nhân - Ngày đăng : 18:44, 08/10/2016

Xu hướng thị trường thế giới đang hướng đến sản phẩm sạch, nông sản an toàn hữu cơ trong đó có gạo. Tuy nhiên, gạo Việt Nam dường như chưa bắt kịp với những yêu cầu của thực tế đời sống.

Việt Nam là một trong những quốc gia cung cấp gạo hàng đầu thế giới. Tuy nhiên sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đang có dấu hiệu giảm sút.

Hướng đi nào cho cho gạo Việt Nam

Theo GS Võ Tòng Xuân, hàng gạo bán lẻ cho NTD Việt phần lớn không nhãn mác không rõ nguồn gốc. Ảnh minh họa

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 9 tháng đầu năm 2016, khối lượng xuất khẩu gạo ước đạt 3,76 triệu tấn, thu về 1,69 tỷ USD. So với cùng kỳ, gạo xấu khẩu năm nay đã giảm 16,4% về khối lượng và giảm 12,5% về giá trị.

Một vấn đề đáng lo ngại là ngoài việc giảm sút về số lượng, gần đây, gạo Việt đã bị đối tác trả về do không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Theo báo cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), 6 tháng đầu năm 2016, đã có hơn 500 container gạo thơm của Việt Nam bị đối tác trả về do không đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Theo thông tin từ trang cảnh báo của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) được VFA dẫn lại cho biết, chỉ tính riêng trong 4 tháng đầu năm 2016, đã có 95 container (tương đương với hơn 1.700 tấn) gạo của Việt Nam bị trả về, chủ yếu là gạo thơm jasmine, gạo tấm jasmine, gạo lứt và gạo trắng chất lượng cao.

Qua kiểm tra, FDA kết luận có 8 hoạt chất có trong gạo Việt Nam khi xuất sang Mỹ vượt mức giới hạn cho phép. Tuy nhiên, cả 8 hoạt chất đều có trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam. Còn tại Mỹ, có 5 hoạt chất chưa có quy định giới hạn cho phép đối với hoạt chất bảo vệ thực vật trên thực phẩm.

Bên cạnh việc đối tác nước ngoài từ chối gạo Việt, ngay chính nhiều người tiêu dùng trong nước cũng không thích sử dụng gạo nội địa mà tìm đến với những hạt gạo của các nước khác như Thái Lan, Nhật Bản, Campuchia.

Theo các chuyên gia, nếu không có đột phá về thị trường, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2016 từ kế hoạch 6,5 triệu tấn sẽ giảm mạnh còn khoảng 5,7 triệu tấn theo đường chính ngạch.

Chia sẻ tại Hội thảo “Phát triển thị trường cho gạo Việt sạch và nông sản an toàn hữu cơ” diễn ra sáng 7/10 tại Hà Nội, Giáo sư Võ Tòng Xuân nhận xét mặt hàng gạo bán lẻ cho người tiêu dùng Việt Nam phần lớn không nhãn mác không rõ nguồn gốc. Trong khi đó, gạo có bao bì có nhãn hiệu chủ yếu là của Thái Lan, Campuchia, Nhật. Gạo Việt xuất khẩu chủ yếu theo hình thức qua hợp đồng chính phủ mang nhãn hiệu của khách hàng, vài doanh nghiệp tư nhân có xuất khẩu riêng nhưng sản lượng còn khiêm tốn. 

Theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, để có hướng đi vững chắc của gạo ngon thì trong quần thể các giống đang phổ biến cần chọn ra 2-3 giống/mỗi nhóm được ưa chuộng nhất mang thương hiệu Việt Nam. Về lâu dài, sẽ áp dụng công nghệ lai tạo nhằm cải tiến các giống đã chọn để có thêm đặc tính giống theo nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, cần tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị mỗi loại gạo trong số các giống đã chọn. Quan trọng nữa là gạo Việt Nam cần được Nhà nước quan tâm tổ chức sản xuất theo đúng chuẩn thương mại quốc tế mới đảm bảo lương thực lành mạnh cho nhân dân và sản phẩm xuất khẩu được thế giới tin dùng.

 “Giải pháp thuận lợi nhất là tổ chức gắn nhà nông với nhà nông trong hợp tác xã kiểu mới; gắn hợp tác xã với doanh nghiệp trong một cơ chế theo chuỗi giá trị. Chấm dứt kiểu làm chụp giựt, pha trộn, sản phẩm không rõ nguồn gốc như hiện nay.” – Giáo sư Võ Tòng Xuân chia sẻ.

Ở vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, Thứ Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng nhận xét sản xuất nông sản an toàn – hữu cơ không còn là vấn đề kỹ thuật mà là vấn đề chính sách. Các chính sách cụ thể để hỗ trợ phát triển hầu như chưa đủ mạnh, sự hiểu biết của người sản xuất, người tiêu dùng và cộng đồng về nông sản an toàn – hữu cơ còn hạn chế, người dân không dễ dàng nhận biết được sự khác biệt.

Theo Thứ trưởng, các bộ ngành liên quan cần sớm ban hành các chính sách cụ thể, khả thi để hỗ trợ nông sản an toàn – hữu cơ phát triển. Các chính sách nên tập trung vào quy hoạch và bảo vệ đất đai và nguồn nước hiện chưa hoặc ít bị ô nhiễm và còn thích hợp cho sản xuất nông nghiệp an toàn – hữu cơ theo hướng sản xuất hàng hóa. Đặc biệt thời gian đầu cần có chính sách hỗ trợ sản xuất, ưu đãi trong giao và cho thuê đất và miễn giảm thuế thu nhập cho các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn.

Lan Trần