Chánh án Nguyễn Hòa Bình: Tổng kết lại Luật hành chính và Tố tụng hành chính, cái gì không hợp lý thì sửa

Chính trị - Ngày đăng : 09:35, 31/10/2018

Chánh án Nguyễn Hòa Bình đưa ra ý kiến trên trong phần trả lời chất vấn xung quanh việc khởi kiện các quyết định hành chính, nhất là những vụ án hành chính liên quan đến đất đai.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình: Tổng kết lại Luật hành chính và Tố tụng hành chính, cái gì không hợp lý thì sửa

Sáng 31/10, Quốc hội tiếp tục hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn các thành viên Chính phủ bất kỳ, dựa trên lời hứa từ kỳ họp thứ 2 đến nay.

Đại biểu Phạm Thị Thanh Thủy (Thanh Hóa) chất vấn Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình xung quanh việc khởi kiện các quyết định hành chính, nhất là những vụ án hành chính liên quan đến đất đai.

Trả lời câu hỏi này Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết: Số lượng án hành chính tăng đều qua các năm, trung bình tăng 11% mỗi năm, chủ yếu liên quan đến đất đai và thường là những vụ kiện rất khó. Tuy nhiên, tỷ lệ giải quyết các vụ án này rất thấp, chỉ đạt 39%, trong khi Quốc hội yêu cầu là 60%. Tồn đọng của án hành chính rất nhiều, chủ yếu là tại các thành phố lớn, trung tâm công nghiệp và thời gian giải quyết kéo dài.

Bên cạnh hạn chế về phía Tòa án thì sự vắng mặt của đại diện các cấp chính quyền khi tham gia giải quyết các vụ án hành chính là rất phổ biến. Họ thường không có mặt tại phiên tòa cho nên phiên tòa phải hoãn. Nếu phải xử vắng mặt, bản án bất lợi cho chính quyền thì chính quyền lại kháng cáo, kháng nghị nên vụ án kéo dài...

Về giải pháp, TANDTC đã sắp xếp lại các Tòa án chuyên trách, tăng cường Thẩm phán, nhất là cán bộ có năng lực cho các tòa hành chính, đề cao trách nhiệm của các Thẩm phán khi giải quyết các vụ án hành chính, tăng cường tổng kết xét xử để đào tạo, bồi dưỡng và hướng dẫn áp dụng pháp luật thống nhất trong toàn quốc.

Thứ hai, đề nghị đối với chính quyền các cấp, Ủy ban nhân dân các cấp phải chấp hành nghiêm quy định của Luật và Chỉ thị của Thủ tướng. Theo đó, phải cung cấp đầy đủ tài liệu cho người dân để đảm bảo quyền khởi kiện của họ, tham gia các phiên đối thoại, giải quyết các tranh chấp hành chính, các vụ kiện hành chính trước khi phải xét xử (thường chính quyền không tham gia phiên đối thoại này).

Thứ ba, các cấp chính quyền phải có mặt tại phiên tòa theo đúng thành phần, đúng đối tượng, đúng yêu cầu của luật pháp.

Thứ tư, khi bản án có hiệu lực thì phải thi hành cho nghiêm túc.

"Về phía Quốc hội, đã đến lúc, chúng ta phải tổng kết lại Luật hành chính và Tố tụng hành chính bởi thực tiễn cho thấy, nếu như tất cả các khâu, các cấp mà đã nỗ lực nhưng tình hình không được cải thiện thì có thể, có điều gì đó không hợp lý trong quy định của Luật. Ví dụ như nhiều địa phương phản ánh, nếu như tất cả các vụ án hành chính mà Chủ tịch tỉnh hoặc huyện phải có mặt tại Tòa thì sẽ không có thời gian làm việc. Do đó, chúng ta cũng cần phải tổng kết. Nếu không hợp lý thì có thể sửa chữa", Chánh án Nguyễn Hòa Bình nêu ý kiến.

Thu Vân