Nhân Festival Huế lần thứ 8 (từ ngày 12 đến 20/4/2014): Xây dựng Thừa Thiên - Huế thành trung tâm du lịch lớn của cả nước
Văn hóa - Du lịch - Ngày đăng : 14:14, 11/04/2014
Với lợi thế có nguồn tài nguyên du lịch vô giá, cùng sự kiện Festival Huế hai năm tổ chức một lần đã tạo cho Thừa Thiên Huế sức hút lớn để phát triển nhiều loại hình du lịch, dịch vụ; trên cơ sở đó, phát triển kinh tế và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; tiếp tục hoàn thiện các thiết chế văn hóa để nâng cao vị thế của Huế trong nước và quốc tế.
Văn hóa năm châu hội tụ về Huế
Festival Huế là lễ hội đương đại đầu tiên ở Việt Nam được phát triển trên khái niệm mới về lễ hội theo mô hình festival của các thành phố nổi tiếng trên thế giới. Đây là sự kiện văn hóa - du lịch đặc thù, diễn ra hai năm một lần với quy mô quốc gia, quốc tế. Festival Huế lần đầu tiên được tổ chức năm 2000, từ đó đến nay, Festival Huế đã thành nơi quy tụ, gặp gỡ nhiều chương trình nghệ thuật, đại diện và mang dấu ấn của nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới. Festival Huế thu hút hàng trăm chương trình nghệ thuật khắp năm châu lục, trở thành điểm hẹn di sản văn hóa và nghệ thuật đương đại. Tinh hoa văn hóa của các nước cùng hội tụ góp phần quảng bá tiềm năng du lịch vùng đất Cố đô Huế. Mỗi kỳ Festival, có hàng trăm ngàn lượt du khách từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đến Huế. Thông qua hoạt động giao lưu giữa các quốc gia tại các kỳ Festival Huế, các giá trị văn hóa Huế và Việt Nam tiếp tục lắng đọng, lan tỏa.
Tại Festival Huế lần thứ 8 - 2014 có 38 quốc gia ở khắp châu lục đăng ký (tăng 9 quốc gia so với năm 2012) với 68 đoàn nghệ thuật và hơn 1.400 nghệ sĩ, diễn viên tham gia biểu diễn. Trong đó, có sự góp mặt của nhiều đoàn nghệ thuật đẳng cấp quốc tế, như: Đoàn nghệ thuật trống Bati-holic đến từ Cố đô Kyoto (Nhật Bản), nhóm vũ nhạc Tararam của Israel, ban nhạc Sururu na Roda của Braxin, dàn nhạc OSP Nadarzyn - một trong những ban nhạc nổi bật nhất của đất nước Ba Lan… Đặc biệt, chương trình xiếc “Làng tôi” của Việt Nam, sau trên 300 suất diễn thành công lớn ở Pháp và châu Âu sẽ lần đầu tiên có mặt tại Festival Huế.
Ngọ Môn - Huế
Hiệp hội khách sạn tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, để chuẩn bị cho Festival lần này, địa phương đã chuẩn bị 526 cơ sở lưu trú, với khoảng hơn 10.000 phòng nghỉ để phục vụ du khách. Có 11 khách sạn lưu trú hạng từ 3 đến 5 sao trên địa bàn đã đăng ký tài trợ gần 1.000 phòng nghỉ với tổng giá trị 1 tỷ đồng cho Festival.
Cùng với cùng sự kiện Festival Huế hai năm tổ chức một lần đã tạo cho Thừa Thiên Huế sức hút lớn để phát triển nhiều loại hình du lịch, dịch vụ. Du lịch phát triển cả về quy mô và chất lượng, ngày càng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Năm 1990, từ chỗ chỉ chiếm 25-35%, đến nay tỷ trọng dịch vụ du lịch chiếm trên một nửa trong cơ cấu các ngành kinh tế.
Lượng khách du lịch đến tỉnh Thừa Thiên Huế ngày càng tăng. Nếu như năm 2010, khách tham quan là 1,7 triệu, năm 2012 là 2,5 triệu thì năm 2013 là 2,59 triệu, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2012; ngày khách lưu trú bình quân 2,2 ngày, tổng thu từ du lịch ước đạt 6.100 tỷ đồng.
Xây dựng Thừa Thiên Huế thành trung tâm du lịch lớn của cả nước
Thừa Thiên Huế Nằm ở vị trí trung độ của cả nước, gắn liền với các trục giao thông chính trên đường quốc lộ Bắc - Nam, có cảng biển Thuận An, cảng nước sâu Chân Mây, cảng hàng không Phú Bài, là một cực phát triển quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và là cửa ngõ nối liền với tuyến hành lang thương mại Đông - Tây, nối Myanmar, Thái Lan, Lào với biển Đông. Thừa Thiên Huế có đủ điều kiện phát triển kinh tế hàng hóa và dịch vụ, du lịch, mở rộng giao lưu kinh tế, văn hóa với cả nước và quốc tế.
Trung tâm của tỉnh Thừa Thiên Huế là TP Huế, một thành phố cố đô có nhiều di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Quần thể di tích cố đô Huế với những kiệt tác về kiến trúc nghệ thuật độc đáo, đã được UNESCO xếp hạng là một trong những di sản văn hóa vật thể, Nhã nhạc cung đình Huế - di sản văn hóa UNESCO công nhận là kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại. Di sản Huế cùng với những di sản thế giới khác ở khu vực miền Trung Việt Nam như Quảng Bình, Quảng Nam hình thành nên “con đường di sản miền Trung”.
Hơn nữa, Huế là vùng đất có nhiều loại hình nghệ thuật cung đình, nghệ thuật dân gian, lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa Huế; các loại hình ca Huế, hò Huế cùng với văn hoá ẩm thực Huế, kiến trúc Huế, y phục cổ truyền Huế và nhiều làng nghề truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa độc đáo của riêng Huế. Huế còn nhiều di sản văn hoá, di tích lịch sử và cách mạng; trong đó có di tích ghi lại Bác Hồ và gia đình sinh sống tại Huế; có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp; môi trường sống trong lành, an toàn và thân thiện. Nhiều nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế đã nhận định: “Thiên nhiên Huế, cảnh vật Huế, con người Huế, tiếng nói Huế, phong cách Huế, tất cả đã tạo nên một bản sắc dân tộc, bản sắc văn hóa Huế độc dáo, hiếm vùng đất nào có được”. Cùng với hệ thống kinh thành, Huế cũng đang sở hữu một di sản thiên nhiên là dòng sông Hương, một vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai rộng lớn nhất Đông Nam Á, một tam giác Lăng Cô - Cảnh Dương - Bạch Mã, được Chính phủ xác định là một trong bốn vùng du lịch trọng điểm của quốc gia. Riêng vịnh Lăng Cô được công nhận là một trong 30 vịnh biển đẹp nhất thế giới...
Tất cả những yếu tố trên là nguồn tài nguyên du lịch vô giá, tạo cho Thừa Thiên Huế lợi thế so sánh để phát triển nhiều loại hình du lịch, dịch vụ; trên cơ sở đó phát triển kinh tế và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; tiếp tục hoàn thiện các thiết chế văn hóa để nâng cao vị thế của Huế trong nước và quốc tế.
Lấy sản phẩm du lịch văn hóa và di sản làm nền tảng
Hướng tới xây dựng Huế trở thành thành phố Festival, để Festival Huế 2014 thành công, trong những năm qua, Thừa Thiên Huế đã thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển xây dựng, chỉnh trang đô thị, phát triển kết cấu hạ tầng dịch vụ du lịch. Nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc đã được khôi phục, phát triển. Tỉnh tập trung nghiên cứu, phát huy các lễ hội dân gian, lễ hội truyền thống; phục dựng các lễ hội Cung đình Huế; xây dựng nhiều chương trình văn hóa, nghệ thuật mới để nâng cao chất lượng các kỳ Festival Huế.
Ca Huế trên du thuyền sông Hương
Về công tác thị trường, tỉnh Thừa Thiên Huế tập trung vào khai thác thị trường gần như các nước ASEAN trong đó có Thái Lan, Singapo, Đông Bắc Á với hai thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc.
Tiếp đến, về mặt sản phẩm, ngành du lịch Thừa Thiên Huế vẫn lấy nền tảng là sản phẩm du lịch văn hóa và di sản. Bên cạnh đó mở rộng thêm du lịch đầm phá, du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh, và du lịch hội nghị…
Với những giải pháp cụ thể, được tỉnh và ngành du lịch thực hiện đồng bộ, những năm qua du lịch ở Thừa Thiên Huế có bước phát triển khá nhanh, tốc độ tăng trưởng du lịch đạt gần 12%/năm, doanh thu du lịch tăng 19%/năm.
Du lịch phát triển cả về quy mô và chất lượng, ngày càng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Năm 1990, từ chỗ chỉ chiếm 25-35%, đến nay tỷ trọng dịch vụ du lịch chiếm trên một nửa trong cơ cấu các ngành kinh tế.
Lượng khách du lịch đến tỉnh Thừa Thiên Huế ngày càng tăng. Nếu như năm 2010, khách tham quan là 1,7 triệu, năm 2012 là 2,5 triệu thì năm 2013 là 2,59 triệu, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2012; ngày khách lưu trú bình quân 2,02 ngày, tổng thu từ du lịch ước đạt 6.100 tỷ đồng.
Sự phát triển của ngành du lịch đã thúc đẩy sự gia tăng, mở rộng của các ngành khác như: góp phần đẩy mạnh xuất khẩu tại chỗ hàng nông phẩm, thủy sản; từng bước phục hồi các nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống; góp phần vào công cuộc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Huế; tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động... Phấn đấu năm 2014, Thừa Thiên Huế đón 2,8-3 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt từ 1,2-1,3 triệu lượt, khách nội địa đạt 1,7-1,8 triệu lượt; khách lưu trú đạt 2 triệu lượt. Tổng doanh thu toàn ngành tăng 16-18% (2.800-2.900 tỷ đồng), du lịch và dịch vụ đóng góp 54-55% GDP của tỉnh Thừa Thiên Huế.