Yên Tử một thoáng buồn
Văn hóa - Du lịch - Ngày đăng : 11:16, 13/04/2012
Sau hơn hai tiếng đi ô tô, chúng tôi đến Yên Tử vào khoảng 9 giờ. Mưa xao xác. Lạnh căm căm. Cảm giác đầu tiên là rợn ngợp trước vẻ đẹp đơn sơ, thanh khiết của một quần thể kiến trúc Phật giáo với chùa Hoa Yên, ngôi tháp Huệ Quang, am Ngoạ Vân… ẩn mình giữa tán trúc tùng và khói mây huyền hoặc. Sử cũ chép rằng, vua Trần Nhân Tông - người sáng lập, vị tổ thứ nhất của thiền phái Trúc Lâm với Phật danh Điều Ngự Giác Hoàng, đã tu hành, giảng đạo rồi viên tịch vào ngày 3-11-1308. Nhiều ý kiến cho rằng, ông đã hoàn chỉnh một chu trình khép kín: Yên Tử nơi tu hành, Ngoạ Vân nơi viên tịch, Hồ Thiên nơi cõi Phật.
Du khách chen chân tại chùa Đồng.
Tuy không còn giữ được nét đẹp thậm hoang sơ bởi sự bào mòn khắc nghiệt của thời gian cũng như tác động dữ dội từ bàn tay con người. Nhưng, Yên Tử vẫn còn đó lối đá rêu phong dài chừng 6000m chạy len lỏi xuyên qua trùng điệp núi non kết dính bốn khu lớn với 12 điểm di tích: chùa Hoa Yên, Tháp Tổ, chùa Một Mái, chùa Bảo Sái, chùa Đồng, tượng đá Yên Kỳ Sinh… trải rộng trên hàng chục km2; vẫn còn đó những mái cong, mái vểnh mang hình rồng, dáng phượng ủ mình trong sương mù bảng lảng…, tất cả như chứng tích lịch sử về một thời cực thịnh của Phật giáo Việt Nam.
Cách đây vài năm, ở Yên Tử rộ lên phong trào đào bới săn tìm cổ vật. Người ta nghĩ rằng, vua tu ở đấy thì nhất định là đủ vàng thoi bạc nén, từ những am, những tháp đều bị “cày” lên, đến ngay cả mấy pho tượng vua chúa, thánh thần cũng bị kẻ gian… chặt đầu tìm vàng, rặng thông, tùng già sừng sững được các nhà tu hành trồng từ bảy, tám trăm năm trước bị cưa máy của lâm tặc “quật ngã” gần hết. Đó là chưa kể đến nạn khai thác “vàng đen” bừa bãi trong một thời gian dài làm biến dạng, lấm lem khu di tích.
Cũng may chính quyền các cấp vào cuộc ngăn chặn nên vẫn còn lưu giữ được phần nào Thánh địa, Danh sơn Yên Tử, để từ ngày mồng 10 tháng giêng kéo dài đến cuối tháng 3 âm lịch hàng năm, có đến hàng ngàn lượt tăng ni, phật tử, con dân đất Việt ùn ùn đổ về đây vãn cảnh.
Phần lớn họ đến chốn này với những mong cầu an, cầu phước, cầu lộc đầu năm, mong tìm cho mình chút bình tâm, tĩnh tại nơi cửa chùa. Nhưng vô tình đoàn người đang sầm sập kéo đi kia, đã biến khu di tích thành biển người hỗn loạn, xé nát cái không gian vốn thanh tịnh nơi vùng đất thiêng.
Dợm bước qua dãy hàng quán bán đồ lưu niệm là suối Giải Oan với một cây cầu đá xanh nối hai bờ suối. Cầu dài 10 m, có kiến trúc không cầu kỳ nhưng toát lên vẻ đẹp cổ kính, vững chãi. Tương truyền xưa kia vua Trần Nhân Tông (1258-1308) sau hai lần lãnh đạo toàn dân Đại Việt đại thắng Nguyên Mông đã từ bỏ lầu son điện ngọc nhường ngôi lại cho con là Trần Anh Tông rồi tìm lên Yên Tử tu hành, để lại cho đời sau giáo lý Thiền tông đặc sắc Việt Nam mà hàng trăm am tháp, chùa xưa ẩn hiện dưới thác đổ, suối reo của đại ngàn Yên Tử kỳ vĩ giữa một vùng núi non trùng điệp là những “chứng nhân”. Khi Vua Trần Nhân Tông về Yên Tử, nhiều cung tần đã lặn lội lên đây khuyên ông trở về nhưng không được nên đã gieo mình xuống suối tự vẫn để mãi mãi được ở bên Vua. Cảm thương những tấm lòng trung trinh đó, vua cho lập một ngôi chùa siêu độ nằm trên dòng suối để giải oan. Từ đó con suối này mang tên suối Giải Oan, còn ngôi chùa gọi là Giải Oan Thiền Tự.
Điều đáng nói là chẳng hiểu du khách oan khuất bao nhiêu, cuộc đời ngang trái, trắc trở thế nào, họ có biết ý nghĩa của con suối, ngôi chùa này hay không? Chỉ thấy ai nấy khói nhang nghi ngút, xì xầm khấn vái, đồ tế lễ đầy xôi thịt, rượu bia. Khấn xong, người ta nhồm nhoàm… thọ lộc thánh. Xương gà, xôi thịt thừa bứa vứt chơ lơ. Dù năm nay, ban tổ chức lễ hội Yên Tử đã huy động một lực lượng công nhân thu dọn vệ sinh tương đối đông đảo và bố trí dày đặc các thùng chứa, nhưng vẫn không xuể, bởi muôn ngàn cánh tay du khách đã quá quen ném túi ni lông, đồ phế thải ra đường. Rác bay đầy như xác pháo.
Suốt dặm dài con đường từ Giải Oan lên chùa Đồng, con đường của các bậc chân tu đắc đạo đã đi từ mấy trăm năm trước, giờ đây con cháu họ bày ra cơ man thịt xiên, thịt nướng tỏa khói nồng nàn, nhưng nhức. Mùi thịt nướng quấn quện vào khói hương trầm bay luẩn quẩn quanh chùa, quanh tượng như trêu ngươi. Màu vàng sậm của xúc xích Đức, xúc xích Tàu loang loáng chốn cửa thiền.
Cũng vì cái lý do “đường xa vạn dặm”, dốc đá cheo leo, mà dân buôn ở đây tha hồ “thổi” giá, chặt chém du khách thập phương. Đổi tiền lẻ 100 “ăn” 60 ngàn; mỗi lon bia 50 ngàn; trứng nướng, xúc xích mini 10 ngàn, mì tôm gà 50-60 ngàn/ 1 bát... “Chúng em phải đóng tiền ki-ốt, tiền thuê khuân vác đồ lên, tiền công xá phục vụ…, chả được là bao. Các anh đi xin lộc thánh, chúng em xin tí rơi vãi dọc đường…!”, cô bán hàng giả lả. Du khách tiếc tiền, xót của vẫn phải ăn, vì no cái bụng mới có sức mà leo, mà chen lấn, xô đẩy qua hàng ngàn bậc đá trơn tuồn tuột không hàng rào bảo hiểm, bất chấp những hiểm nguy luôn rình rập, tinh thần tập trung cao độ cho mỗi bước chân, sơ sẩy một chút cũng đủ trả giá bằng tính mạng để lên được chùa Đồng (còn có tên Thiên Trúc Tự) nằm hoang biệt trên cái đỉnh núi đá cao 1068m để “sờ” được, “quẹt” được chút lộc thánh “ban” từ chuông đồng, khánh đồng, tượng đồng vào mớ tiền xanh đỏ.
Và cũng trên cái con đường đá phủ rêu phong chạy uốn lượn trong làn mây mù, ướt rượt mưa rừng ấy, đâu đó vẫn còn tiếng ăn xin của những đứa trẻ lên 9, lên 10. Giọng chúng nhẹ nhàng, mỏng như tiếng kinh cầu đang phát ra từ những chiếc loa giăng mắc trong cánh rừng hoang rậm kia. Nghe nhói buốt kim châm.
Ngay ở mỗi sân chùa, sân tháp, chiếc loa phóng thanh của ban tổ chức “đậu” trên đầu hàng trăm, hàng ngàn du khách ra rả phát đi lời khuyến cáo: Không chen lấn xô đẩy, đề phòng mất cắp! Tự dưng thay vì chú tâm vào vãn cảnh chùa, người ta phải nhìn nhau nghi kỵ, đề phòng.
Trên chặng hành trình cuối cùng từ chùa Hoa Yên về nhà trưng bày, những du khách vãn cảnh bằng “đường hàng không” được một phen khiếp sợ, kinh hãi đến tột cùng. Mất điện 10 phút. Hàng trăm con người treo lơ lửng giữa không trung trong những buồng cáp treo như cái tổ chim. Hẳn không ít người bị mắc kẹt đến giờ vẫn còn hoảng loạn, ký ức về lần “chết hụt” liệu có phai?
Đi chùa lễ lạt, cầu an, xin lộc đầu năm, đó không chỉ là nét đẹp văn hóa đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân đất Việt, mà nó còn là nơi để những người có tâm đạo dân tộc, hồi hướng tâm linh thánh thiện hướng về với tấm lòng thành kính. Bản thân những thứ đó chả tội tình gì, điều đáng nói ở đây là rất nhiều người đặt chân Yên Tử mà mang quá nhiều vụ lợi, toan tính trong lòng. Từ những du khách đem lối sống, cách hành xử xô bồ lên chốn cửa thiền, đến những người hành nghề kinh doanh lễ lạt và tâm linh. Họ đang làm ngày càng mai một thú vui tao nhã, làm “tầm thường hóa” một danh thắng.
Rời Yên Tử khi trời đã đổ chiều, chúng tôi tự hỏi, ta tự hào dân tộc Việt Nam có một ông vua Phật Trần Nhân Tông, một Dòng thiền Yên Tử, long mạch và chân khí ở vùng đất này là hào khí Bạch Đằng Giang, là khí thiêng dân tộc cho muôn đời con cháu mai sau, nên người người phải chung vai gìn giữ, liệu có phải thế chăng?
Trung Thành