Cha đẻ Hoa hậu: Sức nặng của sự lặng im
Văn hóa- Thể thao - Ngày đăng : 10:55, 10/08/2016
1. “Ông trùm Hoa hậu” vừa ra mắt độc giả tập thơ mang tựa đề Thong thả.
Để phát âm được “tròn vành, rõ chữ” như các học viên thanh nhạc luyện thanh, hay những MC luyện giọng, giữa mỗi tiếng phải có độ nghỉ nhất định. Âm “Th” ngắt quãng. Chậm rãi. Từ tốn.
Thơ thong thả. Ông trùm hoa hậu thời thong thả. Tìm niềm vui với cây và lá. Tiếng chim hót trong vườn.
Thơ thong thả... Thong thả đến mức ông đủ kiên nhẫn để nghe và hiểu tiếng sương đêm trở mình trên tán lá, tiếng côn trùng rỉ rách, tiếng đám rêu lặng lẽ chuyển màu...
Bìa tập thơ Thong thả của nhà báo, nhà thơ Dương Kỳ Anh
2. Đón nhận một tập thơ Thong thả của nhà báo, nhà thơ Dương Kỳ Anh, dường như tôi được đón nhận chính sự thanh thản từ ông - người vốn được mệnh danh là “Cha đẻ Hoa hậu Việt Nam”, là “ông trùm” sắc đẹp… Bởi ít nhất, tôi vui. Vui bởi sự nhẹ nhàng của chính những âm “Th” đó.
Một người làm báo, cả đời dùng cái tâm của một người luôn cố gắng lựa lời nói thật - để sống và viết - như ông, có lẽ sẽ chẳng thể hoàn toàn bàng quan, phó mặc trước nhân tình thế thái.
3. Nỗi đau biển chết chưa nguôi, tên miền quê Kỳ Anh của ông, miền quê ông lấy làm bút danh - Dương Kỳ Anh (ông tên thật Dương Xuân Nam) - mỗi ngày lại… “chường ra” trên mặt báo.
Rồi mỗi khi có sự vụ nào đó liên quan đến các người đẹp, cánh báo chí lại tìm đến ông. Ai bảo ông là “cha đẻ” của hoa hậu! Ai bảo ông cứ yêu cái đẹp, cứ muốn quảng bá cho bạn bè trên thế giới vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam.
Quan điểm của ông là gì...? Ông nghĩ như thế nào...? Tại sao...? Tại sao...? v.v... và v.vv...
Hàng loạt câu hỏi na ná, giông giống, tương tự, thậm chí lặp lại. Và sau đó là những câu trả lời mà ở cương vị của mình, ông có thể thẳng thừng từ chối. Trên báo rất nhiều. Có gì mới đâu. Các bạn hãy chịu khó tìm hiểu.
Nhưng không, ông vẫn cố gắng trả lời báo chí, nhất là những phóng viên trẻ. Bởi, từng là một lãnh đạo, một nhà quản lý một tờ báo tên tuổi và uy tín như Tiền Phong, ông hiểu, các bạn trẻ họ cần ông, cần uy tín và danh tiếng của ông cho bài báo thêm phần... sức nặng.
Nhà báo, nhà thơ Dương Kỳ Anh
4. Lần này, HHVN 2014 Nguyễn Cao Kỳ Duyên nhận “án phạt” vì scandal hút thuốc ở quán café. Cô sinh viên trường ĐH Ngoại thương bị tước quyền đồng hành cùng cuộc thi HHVN 2016; hình ảnh của Kỳ Duyên sẽ không được sử dụng cho các hoạt động quảng bá cuộc thi.
Có người bảo phạt thế thì nhẹ quá, phải tước vương miện Hoa hậu của Kỳ Duyên chứ! Có người bảo vậy được rồi. Có người bảo... đánh người chạy đi, ai đánh người chạy lại…
Và cánh báo chí lại tìm ông. Vì ông là Cha đẻ của Hoa hậu. Tôi cũng có thể ngay lập tức hỏi ông. Nhưng tôi cũng có thể lờ mờ đoán được ông sẽ trả lời như thế nào.
5. Nhưng lần này, tôi biết (và hi vọng) câu trả lời của ông là sự IM LẶNG. Bởi im lặng lúc này có sức nặng hơn ngàn lời nói… Có người cha nào không buồn khi con mình phạm lỗi. Có người cha nào không đau khi con mình sinh ra bị người đời xỉ vả.
Lại nhớ, khi báo chí lùm xùm vụ Hoa hậu Dân tộc 2011 Triệu Thị Hà xin trả vương miện, và một thí sinh cuộc thi Nữ hoàng sắc đẹp 2014 vứt dải băng danh hiệu vào thùng rác để phản đối kết quả, ông bảo, trả lại hay tước vương miện cũng chỉ là chuyện chẳng đặng đừng. Dù trả lại hay tước bỏ thì cả hai bên cũng đều không vui.
Hoa hậu Nguyễn Cao Kỳ Duyên trong vòng vây của bạn bè trong ngày về trường Đại học Ngoại thương sau khi đăng quang Xem thêm: >> Chia sẻ "gây sốc" của giảng viên FTU >> Giảng viên FTU: "Chuyện đâu sẽ có đó" >> Đừng vội trách kền kền |
6. Cuộc thi HHVN 2016 gần đi đến chặng cuối cùng. Những lùm xùm xung quanh bê bối của Kỳ Duyên cũng như “án phạt” mà BTC HHVN dành cho cô; những lời chỉ trích, những bênh vực, tranh luận, tranh cãi nảy lửa của các netizen không chỉ làm nóng mạng xã hội mà còn tạo ra một “cơn bão” trên truyền thông.
Thật kỳ lạ, đến lúc này một số trang tin điện tử lại bắt đầu “truy tìm dấu vết”, đào xới và nhai đi nhai lại những chuyện vốn không có gì lạ và “chẳng ảnh hưởng đến hòa bình thế giới”. Nói cách khác, chúng vô bổ với công chúng, vô bổ với độc giả, nhưng lại có “tác dụng” không làm cho “nhân vật chính” có cơ hội ngóc đầu lên được.
7. Tôi lại nghĩ đến tập thơ Thong thả của nhà thơ, nhà báo Dương Kỳ Anh vừa xuất bản được những người yêu thơ nhiệt thành đón nhận.
“Thời gian như con hạc trắng / Ngàn năm vỗ cánh bay vèo” (trích bài thơ Ẩn). Bởi vậy, hãy cứ bình tâm và thong thả như thông điệp mà Cha đẻ HHVN đã gửi đến độc giả. Thong thả để cho cái hay, cái đẹp có thời gian tỏa hương …
Người đời hay nói, đàn ông chẳng mấy khi khóc, vì khi đàn ông khóc thì nước mắt chảy ngược vào trong. Cũng “không ai biết lúc nào thì một con cá đang khóc/ vì khi nó khóc, nước mắt của nó đã hòa cùng làn nước trong xanh hớn hở chảy kia rồi…” (thơ của Dương Anh Xuân, con gái nhà báo Dương Kỳ Anh).
Người ta im lặng không hẳn vì họ không biết nói thế nào. Người ta im lặng không hẳn vì họ không muốn nói. Người ta im lặng không phải bởi họ coi thường đối phương. Người ta im lặng, bởi đôi khi, chính trong sự im lặng đã ẩn chứa câu trả lời…