Chính phủ kiên quyết cho từ chức cán bộ làm việc kém hiệu quả, không chờ hết nhiệm kỳ
Chính trị - Ngày đăng : 09:04, 03/03/2018
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc
Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản trả lời chất vấn Đại biểu Quốc hội Thái Trường Giang, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau về các kết quả đạt được của Năm APEC 2017, những cơ hội và cả những thách thức mà Chính phủ phải thực thi trong thời gian tới để khẳng định vị thế của Việt Nam; vấn đề tuyển chọn và sử dụng nhân tài vào bộ máy nhà nước.
Tập trung 8 lĩnh vực nhằm thúc đẩy kết quả của Năm APEC 2017
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ nhận được chất vấn của Đại biểu Quốc hội Thái Trường Giang, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau: "Kết thúc Hội nghị APEC 2017 vào giữa tháng 11 này, hầu hết các quốc gia trên thế giới đánh giá rất cao vai trò chủ nhà của Việt Nam. Xin Thủ tướng cho biết những kết quả đạt được quan trọng, những cơ hội và cả những thách thức mà Chính phủ phải thực thi trong thời gian tới để khẳng định vị thế của Việt Nam?".
Trả lời chất vấn trên, Thủ tướng Chính phủ cho biết, Năm APEC 2017 mà đỉnh cao là Tuần lễ Cấp cao đã thành công tốt đẹp, nâng cao vị thế của Việt Nam trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực chuyển biến nhanh, phức tạp.
Với vai trò là nước chủ nhà, Việt Nam đã không chỉ dẫn APEC tiếp tục duy trì đà hợp tác và những giá trị cốt lõi của APEC về tự do hóa thương mại và đầu tư mà còn đề xuất và được các thành viên thông qua 9 sáng kiến, qua đó góp phần quan trọng định hình hợp tác của APEC trong tương lai. Chúng ta đã thành công trong việc điều hòa những khác biệt lớn trong lập trường của các thành viên APEC để đi đến đồng thuận chung về nhiều vấn đề quan trọng của hợp tác APEC.
Thành công của Năm APEC 2017 và Tuần lễ Cấp cao đã góp phần quan trọng nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam. Sáng kiến của ta về tổ chức lần đầu tiên Đối thoại giữa các nhà lãnh đạo APEC với lãnh đạo của 10 nước ASEAN đã đề cao vai trò trung tâm của ASEAN đúng dịp 50 năm thành lập và vai trò của APEC trong điều phối các cơ chế liên kết kinh tế khu vực. Qua việc chúng ta đảm nhiệm thành công vai trò chủ nhà, dẫn dắt và điều phối các hoạt động của APEC, các đối tác thực sự đánh giá cao, tin tưởng vào vai trò, vị thế của Việt Nam ở khu vực và trên thế giới.
Có thể nói với thành công của Năm APEC 2017, chúng ta đã triển khai hiệu quả đường lối đối ngoại của Đại hội lần thứ XII của Đảng về “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế”, “nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đối ngoại đa phương”, Việt Nam là “thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”.
Thành công của Năm APEC 2017 là nhờ đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng ta và sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước; vị thế và sức mạnh mềm của đất nước đang được nâng cao; sự chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản, có đủ thời gian; sự chung sức đồng lòng của các bộ, ban, ngành, các địa phương, các doanh nghiệp và người dân trong 3 năm qua về nội dung, lễ tân, hậu cần, thông tin, tuyên truyền, an ninh, y tế....
Để phát huy, tăng thêm hiệu ứng lan tỏa của Năm APEC 2017 thành công, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao các bộ, ngành, địa phương liên quan tiếp tục thúc đẩy triển khai các kết quả, sáng kiến của Năm APEC 2017 và Tuần lễ Cấp cao, nhất là các sáng kiến do Việt Nam đề xuất. Trong đó cần chú trọng 8 lĩnh vực: (1) Phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội; (2) Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số; (3) Tăng cường an ninh lương thực ứng phó biến đổi khí hậu; (4) Phát triển nông thôn - đô thị; (5) Phát triển doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa xanh, bền vững và sáng tạo; (6) Tạo thuận lợi cho thương mại điện tử qua biên giới, phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng; (7) Phát triển công nghiệp hỗ trợ; (8) Phát triển du lịch bền vững.
Chuẩn bị kỹ lưỡng để đảm nhận tốt các trọng trách quốc tế trong thời gian tới, nhất là việc đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021. Tranh thủ hiệu quả hơn nữa các sự kiện, hoạt động đa phương để làm sâu sắc hơn quan hệ song phương với các đối tác quan trọng của ta và huy động các nguồn lực phục vụ cho phát triển đất nước.
Để nâng tầm đối ngoại đa phương, tạo cơ sở thúc đẩy quan hệ song phương, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ban, ngành, địa phương tổng kết kinh nghiệm 20 năm tham gia APEC, hơn 20 năm tham gia ASEAN, ASEM, 40 năm tham gia Liên Hợp quốc, 10 năm gia nhập WTO và xây dựng chiến lược đối ngoại đa phương đến năm 2030.
Cộng đồng doanh nghiệp cần tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trong hội nhập kinh tế quốc tế, trong tham gia và phát huy sáng kiến tại các cơ chế đa phương liên quan, trong đó có Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC, xứng đáng là động lực quan trọng trong sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước.
Thu hút nhân tài vào bộ máy nhà nước
Trả lời chất vấn về tuyển chọn và sử dụng nhân tài vào bộ máy nhà nước, Thủ tướng Chính phủ cho biết, căn cứ vào quy định của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã thực hiện việc tuyển dụng công chức, viên chức theo thẩm quyền, bảo đảm tuyển chọn đúng người, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và vị trí việc làm cần tuyển dụng. Phấn đấu đến năm 2020, thu hút ít nhất 1.000 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc và cán bộ khoa học trẻ (tiến sĩ khoa học không quá 35 tuổi, tiến sĩ không quá 32 tuổi, thạc sĩ không quá 28 tuổi, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc không quá 25 tuổi) vào các lĩnh vực công tác của cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương đến cấp huyện; các đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước; lực lượng vũ trang và doanh nghiệp nhà nước.
Như vậy, việc tuyển dụng, sử dụng công chức, viên chức theo các quy định của Chính phủ về thu hút nhân tài nêu trên được giao cho các Bộ, ngành, địa phương thực hiện theo thẩm quyền. Với trách nhiệm của mình, trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong công tác tuyển dụng, bổ nhiệm công chức, viên chức, trong đó có việc thực hiện chính sách thu hút nhân tài vào trong bộ máy nhà nước.
Thời gian vừa qua, một số Bộ, ngành và địa phương có tình trạng tuyển dụng, bổ nhiệm công chức không đúng quy định, như bổ nhiệm lãnh đạo nhiều hơn công chức chuyên môn, nghiệp vụ, bổ nhiệm người không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, bố trí người nhà vào vị trí vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng... cử tri và đại biểu Quốc hội đã có nhiều ý kiến đề nghị các cơ quan Đảng, Nhà nước ở các cấp, các ngành quyết tâm hơn nữa trong đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, kiên quyết xử lý những đảng viên, cán bộ, công chức có biểu hiện "suy thoái", có hành vi tham nhũng, lãng phí. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nội vụ khẩn trương tiến hành kiểm tra, rà soát theo thông tin báo cáo phản ánh liên quan đến việc tuyển dụng, bổ nhiệm “người nhà” tại 09 địa phương, đơn vị (gồm: tỉnh Hà Giang; xã Hạ Sơn, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An; huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế; huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk; tỉnh Bình Định; huyện Phong Điền, thành phố Cần thơ; Cục thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thuộc Tổng cục thuế, Bộ Tài chính; tỉnh Yên Bái; Trung tâm Pháp y thuộc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng); đã tiến hành kiểm tra, làm rõ nội dung báo chí phản ánh gia đình Phó Chủ tịch UBND huyện An Dương, thành phố Hải Phòng có 06 người cũng giữ các vị trí chủ chốt trong bộ máy chính quyền; người thân trong gia đình Bí thư và Phó Bí thư huyện ủy Kim Thành, tỉnh Hải Dương nắm giữ nhiều vị trí lãnh đạo chủ chốt trong huyện, ‘‘6 người trong một gia đình giữ các chức danh quan trọng trong huyện”. Từ kết quả kiểm tra báo cáo, Thủ tướng đã xem xét, chỉ đạo xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân sai phạm theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác cán bộ, tập trung vào việc thực hiện các quy định về tuyển dụng, nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý và thanh tra, kiểm tra tối thiểu 30% các đơn vị thuộc, trực thuộc trong năm 2017 (Công văn số 4951/VPCP-TCCV ngày 15 tháng 5 năm 2017 của Văn phòng Chính phủ). Sau kiểm tra, thanh tra, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương miễn nhiệm chức vụ, điều chuyển công tác, chấm dứt hợp đồng đối với trường hợp sai phạm; kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của những tổ chức, cá nhân vi phạm trong công tác cán bộ; xử lý kỷ luật nghiêm minh theo quy định của Đảng và của pháp luật.
Đến nay, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 08/02/2017 về Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương. Trong đó, Chính phủ đã xác định rõ nhiệm vụ: Kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu các cấp và những trường hợp người nhà, người thân của cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp có nhiều dư luận thắc mắc, không đồng tình và công khai kết quả xử lý.