Kiên định mục tiêu kiềm chế lạm phát
Chính trị - Ngày đăng : 10:51, 13/04/2012
Đây cũng vẫn là nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm với một loạt tiêu chí đặt ra nhằm đưa nước ta vượt qua khó khăn, tạo tiền đề phát triển trong thời gian tới…
6 tháng cuối năm cần tạo tiền đề phát triển trong thời gian tới
Những kết quả tích cực
Theo đánh giá của Chính phủ, với tất cả các biện pháp đồng bộ, sau 6 tháng thực hiện, kinh tế - xã hội nước ta đạt được một số kết quả tích cực. Đáng chú ý nhất là mức tăng giá tiêu dùng đã chậm lại (tháng 4 là 3,32%, tháng 5 là 2,21%, tháng 6 là 1,09%) và đang có xu hướng tiếp tục giảm. Thị trường ngoại tệ và vàng được quản lý, kiểm soát có hiệu quả, tỷ giá ổn định; dự trữ ngoại hối nhà nước tăng; lãi suất ngân hàng đã từng bước được kiểm soát, tính thanh khoản của ngân hàng có bước cải thiện. Việc tiết kiệm chi tiêu ngân sách và cắt giảm đầu tư công được thực hiện nghiêm túc cùng với việc thực thi chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng đã đưa tổng vốn đầu tư xã hội giảm còn 38,3% GDP so với mức 45,6% cùng kỳ năm 2010. GDP tăng 5,57%, thu ngân sách nhà nước đạt 46,7 nghìn tỷ đồng, xuất khẩu đạt gần 42,33 tỷ USD tăng 30,3%, sản xuất công nghiệp tăng 14,3%, nông nghiệp tăng 3,3%...
Mặc dù hết sức khó khăn, nhưng các chính sách an sinh xã hội đều được thực hiện có hiệu quả, nhất là các chính sách cho người nghèo, gia đình có công, hỗ trợ đào tạo nghề. Con số ấn tượng là 6 tháng đầu năm đã chi hơn 9.000 tỷ đồng để thực hiện trợ cấp khó khăn đối với cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người hưởng lương hưu có mức lương thấp, người hưởng trợ cấp ưu đãi và hộ nghèo; nâng mức tiền ăn cho chiến sĩ lực lượng vũ trang; hỗ trợ hộ nghèo khi điều chỉnh giá điện; điều chỉnh tiền lương, bảo hiểm xã hội đối với cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang, người về hưu và các đối tượng chính sách; miễn giảm học phí và hỗ trợ học tập. Điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng đối với lao động làm việc trong các doanh nghiệp; điều chỉnh chính sách đối với người cao tuổi, đã tăng mức hỗ trợ và có thêm khoảng 600.000 người được hưởng trợ cấp thường xuyên; hỗ trợ có mục tiêu cho 7 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao được áp dụng cơ chế chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng như 62 huyện nghèo. Trong 6 tháng đầu năm đã tạo việc làm cho trên 720.000 lao động. Hỗ trợ trên 56.000 tấn gạo cứu đói, khắc phục hậu quả thiên tai…
Tiếp tục kiên định mục tiêu
Mặc dù đạt được những kết quả tích cực trong những tháng đầu năm, song nền kinh tế nước ta vẫn đang gặp nhiều khó khăn thách thức như: Lạm phát tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao, sản xuất kinh doanh gặp khó khăn do lãi suất cao, nhập siêu còn lớn, thu hút đầu tư có chiều hướng giảm, thị trường chứng khoán sụt giảm, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, tai nạn giao thông xảy ra nghiêm trọng... Mặc dù vậy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh “nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm tiếp tục kiên định mục tiêu thực hiện đồng bộ các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội…”. Trên tinh thần này, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương tập trung kiểm soát lạm phát ở mức 15-17%, kiểm soát tăng trưởng dự nợ tín dụng dưới 20%, nhập siêu dưới 16%, giảm bội chi dưới 5% GDP, phấn đấu tăng trưởng GDP khoảng 6% để góp phần đảm bảo an sinh xã hội và tạo tiền đề phát triển trong thời gian tới…
Thủ tướng nêu rõ, chủ trương nhất quán trong điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng và hiệu quả, trong đó tăng trưởng tín dụng phải hướng vào sản xuất và xuất khẩu. Đồng thời điều hành tỷ giá hợp lý, quản lý tốt thị trường ngoại tệ và vàng. Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương quản lý chặt chẽ thị trường bất động sản, trong đó giám sát chặt việc các ngân hàng đầu tư vào thị trường này, giảm dần lãi suất phù hợp với lạm phát. Tiếp tục kiên trì chính sách tài khóa thắt chặt, trong đó thực hiện tốt tiết kiệm chi 10%, giảm đầu tư công, kiểm soát chặt chẽ đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất. Bên cạnh đó, thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế bằng khoa học công nghệ và quản lý.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển sản xuất kinh doanh, Thủ tướng cho biết: Chính phủ đã giãn và giảm thuế khoảng 13.000 tỷ đồng, miễn thuế gần 6.000 tỷ đồng, nâng lương tối thiểu cho doanh nghiệp trong và ngoài nước từ 840.000 lên 1,4 triệu đồng. Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục kiểm soát chặt chẽ giá cả, không để tình trạng đầu cơ tăng giá, đồng thời thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, không để đồng bào bị đói do thiên tai, lúc giáp hạt.
“Phải chú trọng đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng chống tai nạn giao thông…, bên cạnh đó các Bộ, ngành và địa phương đặc biệt quan tâm thực hiện tốt công tác đối ngoại, an ninh quốc phòng, đảm bảo an ninh quốc phòng, bảo đảm chủ quyền quốc gia trên biển…” - Thủ tướng lưu ý.
Hiển Minh