Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đón, hội đàm với Chủ tịch Hạ viện Maroc
Chính trị - Ngày đăng : 15:46, 18/12/2017
Trước đó, trưa ngày 16/12, Đoàn đại biểu Hạ viện Vương quốc Maroc do Chủ tịch Hạ viện Habib El Malki dẫn đầu và Phu nhân đã đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm chính thức nước ta từ ngày 16- 22/12/2017. Đây là chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Hạ viện Maroc đến Việt Nam sau 14 năm.
Ra sân bay quốc tế Nội Bài đón Đoàn có: Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam-Maroc Giàng A Chu; lãnh đạo, chuyên viên Vụ Lễ tân- Văn phòng Quốc hội; Đại sứ và cán bộ Đại sứ quán Maroc tại Việt Nam.
Thành phần Đoàn đại biểu Hạ viện Vương quốc Maroc sang thăm chính thức nước ta gồm có: Chủ tịch Hạ viện Habib El Malki- Trưởng Đoàn; Phu nhân của Chủ tịch Hạ viện, Bà Sourisse Daniele; Vụ trưởng Vụ Đối ngoại, Quốc hội Morocco, ông Amal Belcaid; Thư ký Chủ tịch Hạ viện, ông Hassan Najmi; Thư ký Chủ tịch Hạ viện, ông Kamal Hachoumy.
Sáng nay (18/12), Lễ đón chính thức Chủ tịch Hạ viện Maroc Habib El Malki được tổ chức trọng thể tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Hạ viện Vương quốc Ma rốc Habib El Malki. Ảnh VOV
Sau lễ đón, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Hạ viện Maroc Habib El Malki tiến hành hội đàm.
Thay mặt Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhiệt liệt chào mừng ngài Habib El Malki, Chủ tịch Hạ viện và Đoàn đại biểu Hạ viện Vương quốc Maroc sang thăm chính thức Việt Nam.Chủ tịch Quốc hội đánh giá chuyến thăm của Đoàn đại biểu Hạ viện Vương quốc Maroc nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị giữa Cơ quan lập pháp hai nước, góp phần quan trọng thúc đẩy hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam-Maroc.
Chủ tịch Hạ viện Vương quốc Maroc Habib El Malki bày tỏ vui mừng thăm chính thức Việt Nam; cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã dành cho Đoàn sự đón tiếp trọng thị và nồng hậu. Điểm lại những lĩnh vực hợp tác hai bên, Chủ tịch Hạ viện Maroc nhấn mạnh, Việt Nam là đất nước phát triển đầy năng động, hướng tới tương lai. Chuyến thăm là dịp tìm hiểu chiều sâu, bề dầy lịch sử, văn hóa Việt Nam và văn hóa là lĩnh vực hai nước có thể đẩy mạnh hợp tác.
Tại hội đàm, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, trong thực hiện đường lối đối ngoại, Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với các nước châu Phi, trong đó Maroc là một đối tác ưu tiên tại khu vực Bắc Phi. Việt Nam luôn quan tâm theo dõi tình hình Maroc và vui mừng về những thành tựu quan trọng mà nhân dân Maroc đã đạt được trong phát triển kinh tế-xã hội, hội nhập quốc tế, góp phần nâng cao vai trò, uy tín của Maroc tại khu vực và trên thế giới. Chúc mừng Maroc đã trở về với ngôi nhà chung Liên minh châu Phi (UA), Chủ tịch Quốc hội mong muốn Maroc sẽ hỗ trợ thúc đẩy quan hệ của Việt Nam với UA. Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội trân trọng cảm ơn và đánh giá cao sự phối hợp, ủng hộ của Maroc dành cho Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế.
Tại hội đàm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Hạ viện Maroc Habib El Malki nhất trí cho rằng, bên cạnh hợp tác chính trị tốt đẹp, hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước còn chưa tương xứng với tiềm năng, mới chỉ dừng ở con số khiêm tốn (thương mại hai chiều chỉ đạt 190 triệu USD năm 2016). Thời gian tới, hai bên sẽ thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đem lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân hai nước.
Chúc mừng Việt Nam đã tổ chức thành công Tuần lễ Cấp cao APEC, Chủ tịch Hạ viện Maroc nêu rõ, Việt Nam là cửa ngõ gắn kết giữa Maroc với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Maroc sẵn sàng là cửa ngõ để Việt Nam tăng cường quan hệ với châu Phi. Từ đó, hai bên cần cùng nhau tư duy, xây dựng chiến lược hợp tác để tận dụng những lợi thế này.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định Việt Nam luôn mở cửa, tạo điều kiện thuận lợi và môi trường an toàn cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, kinh doanh ổn định tại Việt Nam. Quốc hội Việt Nam luôn ủng hộ tăng cường hợp tác nhiều mặt với Maroc thông qua việc hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho các doanh nghiệp Maroc đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Để phát triển hơn nữa quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, thời gian tới, hai bên tăng cường trao đổi đoàn, đặc biệt là đoàn cấp cao; tiếp tục phát huy sự phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, nhất là trong khuôn khổ Liên hợp quốc, Cộng đồng Pháp ngữ, Phong trào Không liên kết... Cùng với đó, hai bên thúc đẩy kết nối giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước, đặc biệt giữa các hiệp hội kinh doanh, trong lĩnh vực tiềm năng như: thương mại, du lịch, tài chính, năng lượng tái tạo..., hướng tới thành lập một Hội đồng kinh doanh chung giữa hai nước.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, hai bên cần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư song phương, tăng cường các đoàn doanh nghiệp gặp gỡ, tiếp xúc, tham dự các hội thảo, diễn đàn, hội chợ quốc tế tại mỗi nước, trong các lĩnh vực hai bên có nhiều tiềm năng hợp tác như: nông nghiệp, khai khoáng, vật liệu xây dựng, hóa chất, dệt may, giầy dép, chế biến thực phẩm...
Hai bên cần thiết lập quan hệ thanh toán trực tiếp giữa ngân hàng thương mại hai nước và thông qua mạng lưới ngân hàng của Maroc tại châu Phi để hỗ trợ hoạt động kinh doanh, làm cầu nối thanh toán cho các doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh ở châu Phi.
Chủ tịch Quốc hội nhất trí với Chủ tịch Hạ viện Maroc cho rằng, hợp tác nghị viện là một trong những kênh hợp tác hiệu quả trong quan hệ hợp tác Việt Nam-Maroc, qua đó góp phần quan trọng thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích của nhân dân hai nước. Chủ tịch Quốc hội khẳng định mong muốn của Quốc hội Việt Nam trong việc củng cố, tăng cường quan hệ song phương cũng như hợp tác chặt chẽ với Hạ viện Maroc trên các diễn đàn khu vực và quốc tế. Để tăng cường hơn nữa hợp tác giữa hai Cơ quan lập pháp trong thời gian tới, hai bên nhất trí tăng cường trao đổi Đoàn cấp cao, các Ủy ban và nghị sỹ Quốc hội nhằm tăng cường hiểu biết và tin cậy lẫn nhau làm cơ sở phát triển quan hệ sâu rộng, thiết thực, hiệu quả trên mọi lĩnh vực.
Về tình hình Biển Đông, Chủ tịch Quốc hội khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam là giải quyết các tranh chấp chủ quyền cũng như lãnh thổ bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội thông báo, cổng làng theo phong cách kiến trúc Maroc gọi là "Bab Al-Maghariba" tại Tân Lĩnh, Ba Vì, Hà Nội (một danh thắng mang kiến trúc Maroc được xây dựng giữa những năm 1956-1960 bởi những người lính Maroc từ bỏ quân đội Pháp gia nhập Việt Minh trong kháng chiến chống Pháp) đã được bảo tồn và là công trình thể hiện tình đoàn kết, hợp tác nhân văn giữa hai đất nước, ghi nhận đóng góp của những người lính Maroc phản chiến và tham gia vào cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.
Chủ tịch Hạ viện Habib El Malki trân trọng mời Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sớm thăm chính thức Maroc. Chủ tịch Quốc hội trân trọng cảm ơn và cho biết sẽ sắp xếp tới thăm chính thức Vương quốc Maroc.
Sau hội đàm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Hạ viện Habib El Malki đã ký Thỏa thuận hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Hạ viện Maroc
Lần đầu tiên Quốc hội Việt Nam ký Thỏa thuận hợp tác với nghị viện một quốc gia châu Phi. Ảnh VOV
Ngay sau cuộc hội đàm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Hạ viện Vương quốc Ma rốc đã có cuộc gặp gỡ báo chí hai nước.
Trả lời câu hỏi của phóng viên VOV về kết quả hội đàm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, tại cuộc hội đàm, hai bên đã có cuộc trao đổi rất cởi mở, thẳng thắn và chân thành. Hai bên đã đánh giá về quan hệ chính trị, quan hệ hợp tác về kinh tế, thương mại và quan hệ giữa Quốc hội hai nước; khẳng định mong muốn tăng cường hợp tác nhiều mặt giữa hai nước trong tương lai. Bên cạnh đó, Quốc hội Việt Nam và Hạ viện Ma rốc sẽ tiếp tục cơ chế tham vấn chính trị lẫn nhau.
“Ngài Chủ tịch Hạ viện Ma rốc có câu rất hay đó là, giữa hai dân tộc Ma rốc và Việt Nam có một phần lịch sử và ký ức chung vì thế các thế hệ hôm nay sẽ làm cho những điểm tương đồng, sự ủng hộ lẫn nhau giữa hai nước tiếp tục phát triển vì lịch sử và ký ức tốt đẹp chung đó”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết.
Trả lời câu hỏi về giải pháp đưa quan hệ giữa nghị viện hai nước đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả hơn nữa, Chủ tịch Hạ viện Ma rốc nhấn mạnh, hai Quốc hội đã ký thỏa thuận hợp tác song phương, mở ra giai đoạn mới trong quan hệ hợp tác giữa nghị viện hai nước và hai nước. Đây là lần đầu tiên Quốc hội Việt Nam ký Thỏa thuận hợp tác với nghị viện một quốc gia châu Phi. Thỏa thuận hợp tác này sẽ góp phần tổ chức lại mối quan hệ hợp tác giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực để mối quan hệ này ngày càng trở nên thiết thực và hiệu quả hơn, đặc biệt là hợp tác giữa cơ quan nghị viện hai nước.
“Việt Nam và Ma rốc có chiều sâu về lịch sử, chiều sâu về văn hóa, chiều sâu của tình hữu nghị… Tất cả những yếu tố này sẽ là nền tảng để thúc đẩy hợp tác giữa hai cơ quan nghị viện cũng như nhân dân hai nước. Đây cũng là dịp tốt để chúng ta tăng cường quan hệ hợp tác trong lĩnh vực kinh tế và thương mại. Tôi cam kết, trên cương vị của mình, tôi sẽ làm hết sức mình, là sứ giả cho tình hữu nghị và hợp tác giữa hai nước và nhân dân hai nước trên mọi lĩnh vực”, Chủ tịch Hạ viện Ma rốc nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Ma rốc về ý nghĩa của Thỏa thuận cũng như vai trò của Quốc hội hai nước trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước và nghị viện hai nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, thỏa thuận giữa Quốc hội hai nước là cơ sở pháp lý để hai bên tiếp tục thúc đẩy quan hệ ngoại giao nghị viện song phương, ủng hộ nhau tại các diễn đàn đa phương khu vực và châu Á cũng như thúc đẩy quan hệ hai nước trên các lĩnh vực đi vào chiều sâu. Các cơ quan giữa Quốc hội hai nước sẽ tăng cường hợp tác.
Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội Việt Nam sẽ cụ thể hóa và triển khai hiệu quả Thỏa thuận hợp tác này. Trên tinh thần của Thỏa thuận hợp tác, Quốc hội Việt Nam sẽ phối hợp với Hạ viện Ma rốc giám sát và thúc đẩy việc thực thi có hiệu quả các thỏa thuận hợp tác đã ký kết giữa các bộ, ngành hai nước.
Quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Morocco thời gian qua phát triển tốt; hoạt động trao đổi Đoàn diễn ra khá thường xuyên. Điển hình như chuyến thăm Morocco của Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải (tháng 11/2004), Bộ trưởng Bộ Thủy sản Tạ Quang Ngọc (tháng 02/2004), Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân (năm 2013); chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Abbas El Fassi (tháng 11/2008), Bộ trưởng Đặc trách- Đặc phái viên của Vua Morocco (tháng 7/2005, tháng 8/2006), Bộ trưởng đặc trách Ngoại thương (tháng 11/2013), Bộ trưởng Công thương, Đầu tư (tháng 03/2015).... Hai bên cũng thường xuyên phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế; Morocco đã công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường đầy đủ. Kim ngạch thương mại song phương năm 2016 đạt khoảng 190 triệu USD. Việt Nam xuất khẩu sang Morocco các mặt hàng điện thoại di động, linh kiện, máy vi tính, cà phê, sắt thép, tàu thuyền, hải sản, sợi....và nhập khẩu thức ăn gia súc, nguyên liệu chất dẻo, nguyên liệu dệt may... Quan hệ nghị viện giữa hai nước thời gian qua được quan tâm thúc đẩy. Hoạt động trao đổi Đoàn song phương được hai bên duy trì, nổi bật là các chuyến thăm Morocco của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An (tháng 12/2005), Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu (tháng 7/2009), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế (tháng 12/2009), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại (tháng 12/2015), Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển (tháng 7/2017) và các chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Hạ viện Morocco (tháng 3/2003), Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện Morocco (năm 2008), tham dự Đại hội đồng IPU-132 của Chủ tịch Thượng viện Morocco (tháng 3/2015). Quốc hội nước ta và Hạ viện Morocco đã thành lập Nhóm Nghị sĩ hữu nghị song phương. Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Morocco là Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Giàng A Chu. |