Nam Em hát Dạ cổ hoài lang, Trương Thị May kết The Dreamers ấn tượng
Văn hóa- Thể thao - Ngày đăng : 10:05, 14/10/2017
Sau nhiều tháng chuẩn bị, đêm thời trang The Dreamers - Những kẻ mộng mơ đi dệt huyền thoại đã chính thức giới thiệu đến công chúng hơn 100 bộ trang phục làm từ vải lãnh Mỹ A của 4 NTK gồm: Hằng Nguyễn, Minh Công, Huỳnh Tiên và Juun Đăng Dũng.
Hằng Nguyễn, Minh Công, Huỳnh Tiên và Juun Đăng Dũng hạnh phúc khi show diễn kết thúc, trong khi khán giả có được những trải nghiệm có một không hai tại "The Dreamers"
Đúng như những gì đã hứa hẹn trước đó, Nam Em đã có màn xuất hiện độc đáo nhất từ trước đến nay trong vai trò first face của một show diễn thời trang. Khoác lên người bộ áo bà ba thuần túy Nam bộ, Top 8 Hoa hậu Trái đất 2016 ngồi trên thuyền, tay ôm đàn kìm và cất giọng hát bài Dạ cổ hoài lang khiến nhiều khán giả phải nổi da gà. Giọng hát mộc mạc của cô vang lên giữa khung cảnh đậm chất miền Tây cũng là một sự tính toán khá thông minh của đạo diễn để đưa khán giả tạm rời khỏi sàn diễn thời trang thuần túy để "lạc trôi" về An Giang, vùng đất sản sinh ra lãnh Mỹ A, chất liệu chính được sử dụng trong chương trình.
Top 8 Hoa hậu Trái Đất Nam Em mang Dạ cổ hoài lang lên sàn diễn
Khi con thuyền rời đi cũng là lúc bình minh dần lên, người dân tất bật ra đồng. Các chàng trai, cô gái từ mọi nẻo trong khán phòng tỏa lên sân khấu, tái hiện lại nghề nhuộm vải trên sông. Những sào tre dùng để phơi lụa được dựng lên. Điệu nhảy step dance rộn ràng, tạo nên không khí tất bật của một ngày làm việc bận rộn.
Nam Em hãnh diện khi diện bộ áo bà ba thuần túy, mang vẻ đẹp của người con gái miền Tây
Cùng lúc đó, những chàng trai gánh vải bước ra, phơi choàng những xấp lãnh Mỹ A qua các hàng ghế, vắt lên tay khán giả để mọi người có thể tận tay sờ và cảm nhận được loại vải "danh bất hư truyền" này. Ngay lúc đó, một mùi hương tỏa ra khắp khán phòng, cũng là mùi hương đặc trưng của loại thuốc nhuộm từ thiên nhiên đã tạo nên màu đen tuyền đặc trưng của lãnh Mỹ A.
Nhiều khán giả đã không giấu được sự kinh ngạc và trầm trồ khi được dẫn dắt từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Đó cũng là điểm đặc biệt nhất của "show thời trang 4D" lần này. Khách mời tham dự không chỉ xem - nghe mà còn có thể sờ và ngửi để cảm nhận trọn vẹn show diễn bằng tất cả giác quan. Tất cả tạo nên bối cảnh miền Tây vô cùng sống động để các người mẫu xuất hiện trong phần Trang phục truyền thống. Đây cũng là phần trình diễn mang đến nhiều thú vị.
Ngoài bộ bà ba thuần túy do Nam Em thể hiện, BST còn gây bất ngờ với những sáng tạo độc đáo, thể hiện đúng chất "mộng mơ" của các NTK trẻ khi đưa những chi tiết như khăn rằn, trái mặc nưa (loại quả nhuộm nên màu đen của lãnh Mỹ A)... vào trong những bộ trang phục.
Kết thúc phần một, sân khấu tối dần, bình minh nhường chỗ cho hoàng hôn. Âm nhạc nổi lên và đó cũng là lúc "Cuội khờ" Juun Đăng Dũng lộ diện. Anh thể hiện sự hăng say của một NTK trẻ khi vẽ nên những mẫu thiết kế của mình bằng tất cả sự mộng mơ, bay bổng. Trên nền nhạc Cuội khờ đầy sôi động do Juun Đăng Dũng thể hiện, các người mẫu lần lượt xuất hiện trong BST Trang phục ứng dụng.
Á hậu Lệ Hằng gây bất ngờ khi là người đầu tiên bước ra từ chính bản vẽ với trang phục và thần thái hệt như nhân vật trong tranh gây ấn tượng cho người xem.
Tiếp đó, dàn người mẫu unisex "gây choáng" với màn catwalk điêu luyện, nhận được những tràng vỗ tay liên tục từ khán giả. Đây cũng là phần thể hiện rõ nhất cái tôi của các NTK trong từng bộ trang phục nhưng tựu trung là sự pha trộn chất liệu giữa lãnh truyền thống và những chất liệu hiện đại như ren, voan lưới, nhung, linen... mang đến sự thoải mái, tiện dụng cho người mặc.
Khép lại phần thứ hai, hai nhạc công đàn bầu và đàn violon xuất hiện ở hai đầu khán phòng, thể hiện bài Hello Việt Nam trong một bản phối mới đầy da diết nhưng cũng thật hiện đại, thể hiện giao thoa giữa Đông và Tây. Sự giao thoa này cũng là ý tưởng cho phần 3 - BST Trang phục dạ hội. Các người mẫu lần lượt xuất hiện trong những bộ trang phục lộng lẫy, sang trọng nhưng vẫn giữ nét truyền thống, cổ kính.
Trong đó, bộ trang phục vedette được thiết kế riêng cho Trương Thị May đã nói lên đầy đủ ý nghĩa và thông điệp của show diễn. Trên chất liệu lãnh Mỹ A, kết hợp dây lục bình và voan lưới, thấp thoáng đâu đó là hình ảnh cô thôn nữ e ấp với đóa sen trên tay, sau lưng là cả một cánh đồng sen thể hiện sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại, giữa sự trân trọng chất liệu truyền thống của dân tộc và sự giữ gìn, phát huy nó bằng những sáng tạo của người trẻ.
Trương Thị May kết màn ấn tượng
Đặc biệt, khi đêm diễn tưởng chừng như khép lại với sự xuất hiện của tất cả người mẫu trên sân khấu thì màn hình bất ngờ phát đoạn clip ghi lại ước nguyện của gia đình ông Tám Lăng (nghệ nhân duy nhất còn làm lãnh Mỹ A tại Tân Châu, An Giang) trong việc bảo tồn và phát triển loại vải quốc bảo của dân tộc. Sự đau đáu của một cụ ông 90 tuổi vẫn còn trăn trở với nghề khiến cho nhiều khán giả có mặt không khỏi xúc động.
Kết thúc đoạn clip, Hoa hậu Hằng Nguyễn đi thuyền, mang theo xấp vải lãnh Mỹ A bước lên sân khấu cùng 3 NTK còn lại nắm tay nhau cúi chào khán giả trong một không khí trang trọng và đầy xúc động, ngụ ý về sự trân trọng và gìn giữ những giá trị truyền thống của dân tộc, đặc biệt là đối với lãnh Mỹ A, loại vải đang có nguy cơ thất truyền.