ĐB Trương Trọng Nghĩa: Chánh án đã trả lời rất thẳng thắn, sát vấn đề
Chính trị - Ngày đăng : 19:03, 18/11/2017
Ngay sau phiên chất vấn, Báo Công lý đã có cuộc phỏng vấn ĐB Trương Trọng Nghĩa- một chuyên gia pháp luật có kinh nghiệm lâu năm và cũng là người luôn đưa ra những chất vấn sâu về lĩnh vực tư pháp.
PV: Ông có đánh giá như thế nào phần trả lời chất vấn của Chánh án Nguyễn Hòa Bình trong buổi họp hôm nay?
ĐB Trương Trọng Nghĩa: Qua hơn hai ngày chất vấn các Bộ trưởng, trưởng ngành, tôi đánh giá cao phần trả lời của Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình, rất thẳng thắn, rõ vấn đề mà đại biểu quan tâm. Chánh án là người kỳ cựu trong lĩnh vực tư pháp, ngoài việc đã từng tham gia lĩnh vực điều tra, từng là Viện trưởng VKSNDTC và hiện giờ là Chánh án TANDTC. Ở cương vị Chánh án trong nhiệm kỳ này tuy thời gian ngắn nhưng đã nắm rất vững tình hình ngành mình và trả lời sát câu hỏi, có những ý mà cử tri cũng rất hoan nghênh. Ví dụ như vấn đề công khai bản án, vấn đề oan sai được chỉ đạo xử lý rất nhanh chóng- đó là điều mà cử tri chờ đợi.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa
Tuy nhiên, các lĩnh vực như tư pháp đòi hỏi phải cải cách và củng cố hơn nữa về chất lượng xét xử và nguồn nhân lực. Việc củng cố nguồn nhân lực không thể đòi hỏi trong ngắn hạn nhưng cử tri rất mong mỏi Chánh án củng cố lực lượng nhân sự của hệ thống Tòa án để làm sao bảo đảm nhanh chóng, hiệu quả, công lý cho người dân. Đặc biệt là không có tiêu cực, nhũng nhiễu trong hệ thống Tòa án. Bởi vì Chánh án đã từng là Viện trưởng VKSNDTC nên nhiều kinh nghiệm và nắm rất sâu lĩnh vực công tác xét xử hiện nay.
PV: Trong phiên chất vấn hôm nay, nhiều ĐB và cả Chánh án cũng đã phát biểu về việc lượng án tăng cao hàng năm nhưng biên chế Thẩm phán không tăng, mà còn phải điều chỉnh giảm theo tinh thần Nghị quyết 39 của Trung ương, nên nhiều khó khăn. Vậy ông có hiến kế gì cho Tòa án hiện nay hay không?
ĐB Trương Trọng Nghĩa: Theo tôi cần phải kết hợp song song hai phương án, đó là: nâng cao năng suất của người làm việc bằng cách tuyển dụng người tài, điều chuyển cán bộ nội bộ ngành trong khi chờ đợi được tăng thêm nhân lực và phải có những đề xuất về viêc cần tăng thêm nhân sự này.
Vì có một thực tế ngay trong ngành điều tra, truy tố, xét xử hay luật sư cũng vậy, nếu tuyển dụng người không đủ năng lực thì “5 người kém không bằng 1 người giỏi”. Nên trong chuyện các ngành, các cấp mà nói thiếu người làm có một trong những nguyên nhân là năng lực, tinh thần trách nhiệm kém.
Nếu thực sự là thiếu người làm việc thì ngành Tòa án cần có đề xuất, để UBTVQH xem xét nếu thấy thực tế khách quan phải cần thêm người thì sẽ bổ sung thêm biên chế. Nhưng quan trọng sự điều phối cán bộ, Thẩm phán trong ngành. Tôi cho rằng sáng kiến vừa rồi về xét xử giám đốc thẩm là điều Thẩm phán cấp tỉnh lên xét xử giám đốc thẩm là điều đáng hoan nghênh. Và trong lúc điều chuyển như vậy nếu có gì khó khăn, như đời sống, kinh phí đi lại…thì Chánh án cần đề xuất thêm. Nhưng đừng quên rằng gốc của vấn đề chính là cán bộ có năng lực và tinh thần trách nhiệm cao. Vì hiện nay trong bộ máy nhà nước, mà người ta nói trong công tác quản lý hành chính, có hiện tượng làm việc bê trễ, không tích cực, năng suất thấp thì trong ngành Tòa án cũng cần xem xét lại các việc đó.
Trong lĩnh vực tư pháp có đặc trưng là kỹ năng, kinh nghiệm và năng lực rất quan trọng. Người giỏi, có năng lực và tinh thần trách nhiệm cao thì rất nhiều những vụ án phức tạp vẫn giải quyết được. Tôi vẫn thường nói rằng, nếu tuyển dụng đầu vào không tốt thì 5 hay 10 người cũng không làm bằng 1 người giỏi. Vì đây là vấn đề trí tuệ chứ không phải lao động thuần túy là tay chân.
PV: Có ý kiến cho rằng án giám đốc thẩm tồn đọng nhiều có nguyên nhân là do trước đây 63 Tòa cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết, giờ dồn về 3 Tòa cấp cao theo Luật mới. Vậy theo ông có cần sửa luật hay không?
ĐB Trương Trọng Nghĩa: Theo tôi không cần phải sửa luật. Cái bất cập hiện nay như tôi đã nói là về yếu tố con người, mà con người thì cách điều chuyển như vừa rồi là hợp lý. Việc thay đổi mô hình Tòa 4 cấp và đưa giám đốc thẩm lên Tòa cấp cao xét xử là không sai, mà chỉ dẫn đến tình trạng thiếu người, thì mình giải quyết khâu đó chứ không phải sửa Luật.
PV: Có ý kiến cho rằng việc bỏ chỉ tiêu xét xử lưu động được coi là một chỉ tiêu thi đua khi xét xử án lưu động sẽ ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền pháp luật. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
ĐB Trương Trọng Nghĩa: Tôi cho rằng bỏ chỉ tiêu này là hợp lý. Vì xét xử lưu động thường là xét xử sơ thẩm, mà mới xét xử sơ thẩm cũng chưa thể khẳng định bị cáo có tội. Khi xét xử lưu động, hầu như quan điểm của 3 ngành mặc định là bị cáo có tội, điều này sẽ mâu thuẫn với nguyên tắc suy đoán vô tội trong tố tụng và mâu thuẫn với Hiến pháp. Bởi vì xét xử sơ thẩm bị cáo có kháng cáo thì cũng chưa coi là có tội. Giả sử, nếu vụ án được giám đốc thẩm, có tình tiết mới, lúc đó thủ phạm mới xuất hiện chẳng hạn, trong khi mình đã đưa bị cáo ra xét xử lưu động rồi, thì oan sai này có tác động, ảnh hưởng rất lớn. Vì vậy theo tôi nên bỏ xét xử lưu động, giáo dục pháp luật chúng ta có rất nhiều cách, không nhất thiết phải lựa chọn phương pháp có thể ảnh hưởng đến bị cáo, gia đình con cái họ…
Xét xử trong phiên tòa, khác với xét xử nơi đông người. Ở góc độ nào đó phương thức tuyên truyền này đã lạc hậu.
Xin cảm ơn ông!